QUYỀN ĐƯỢC SỐNG CỦA TRẺ EM

Chúng ta đã long trọng mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh và vẫn đang trong Mùa Giáng Sinh, mùa của sự chiêm ngắm Ngôi Hai Thiên Chúa “đã làm người”. Đấng cao sang quyền phép vô cùng, nay lại tự nguyện trở thành Hài Nhi Giêsu, yếu ớt và mong manh như tất cả các bé khác; rất cần đến sự quan tâm, yêu thương và che chở của người lớn, cách riêng là của cha mẹ.

Các bạn có thấy ngược đời không? Vâng, đúng là một nghịch lý. Làm Thiên Chúa mà muốn cứu độ con người thì dễ hơn là làm con người chứ, vì Ngài chỉ cần phán một lời… mọi sự liền có[1]! Thế nhưng, Thiên Chúa có lý của Ngài khi chọn con đường nhập thể, cái lý của TÌNH YÊU. Vì thế, ngày lễ Chúa Giáng Sinh không chỉ là một sự kiện lịch sử mà còn là một nguồn ánh sáng phát xuất từ TÌNH YÊU, soi chiếu cuộc đời của chúng ta, mang lại niềm vui, hạnh phúc và hy vọng cho mọi dân mọi nước.

Đức Giêsu Kitô đã làm người trong bối cảnh mà quốc gia của Ngài đang bị đô hộ bởi một trong những đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử thời đó, đế quốc La Mã. Hài nhi Giêsu khi còn trong cung lòng Mẹ Maria đã phải theo cha mẹ di tản hơn 150 cây số để về nguyên quán khai hộ khẩu. Mở mắt chào đời chưa được bao nhiêu lại phải chạy tị nạn bên Ai Cập để tránh cuộc truy sát của Hêrôđê. Một thời gian sau, khi vua Hêrôđê băng hà, lại cùng cha mẹ trở về Na-da-rét.

Tự do, hòa bình luôn là khát khao của loài người, ngược lại chiến tranh luôn là một bóng ma chết chóc, mang đến biết bao mất mát. Đến thời điểm hiện tại thì khát khao đó vẫn là niềm mong mỏi của nhiều nơi trên thế giới từ Trung Đông, Châu Phi tới Nam Mỹ….Trong hành trình tị nạn của mình, cậu bé Alan Kurdi, 3 tuổi, người Syria cũng đã ôm ấp biết bao hy vọng, nhưng em đã không tới được nơi mà em từng phấn khích nói với bố của em rằng: “Con và anh trai sắp có nhiều chỗ chơi rồi. Nhà mình đi đâu thế bố?”[2].

Và còn nhiều, rất nhiều những trẻ em đang phải chịu đau khổ bởi chiến tranh, nạn buôn người, bóc lột sức lao động, bị lạm dụng… Ước chi Ánh Sáng của Mầu Nhiệm Giáng Sinh được chiếu soi trên toàn thế giới và được mọi người đón nhận, để các trẻ em không còn chịu cảnh bất công, không còn là nạn nhân của người lớn. Ước chi trẻ em luôn được tiếp đón ở khắp mọi nơi như lời Chúa dạy:  “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”[3].

Người ta vẫn thường nêu cao khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Thế nhưng, không ít trẻ em đang là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của những bất ổn, những thiệt thòi trong xã hội, từ thể lý đến tinh thần; thế thì thế giới ngày mai sẽ ra sao? Thật vậy, song song với hình ảnh những trẻ em bị thừa cân ở các đất nước, thành phố phát triển thì vẫn còn đó bao nhiêu em đang chờ đợi từng bữa ăn hàng ngày hoặc mong được cắp sách đến trường. Cũng không ít trẻ em trong những gia đình mà cha mẹ hoặc vì quá cưng chiều con, hoặc vì thiếu kiến thức khoa học, đã để các con lạm dụng các thiết bị công nghệ và trở nên “nghiện ngập”, không còn đủ sức học hành theo lứa tuổi các em.

Theo báo cáo năm 2019 của Quĩ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF)[4], trên thế giới có 340 triệu trẻ em bị đói tiềm ẩn do thiếu vitamine và khoáng chất. Trên khắp các đường phố của Việt Nam, chúng ta luôn bắt gặp những em phải bước vào cuộc sống mưu sinh từ khi còn rất nhỏ, có khi các em bước đi cùng với cha mẹ, hoặc có khi lầm lũi một mình. Đó cũng là hình ảnh của Hài nhi Giêsu năm xưa khi được hạ sinh giữa mùa đông lạnh giá, với những điều kiện tồi tàn nhất là sinh ra trong hang đá, được đặt nằm trong máng cỏ và được sưởi ấm từ hơi thở của bò lừa!!!

Thế nhưng, băng giá của thời tiết cũng không sánh bằng băng giá trong tâm hồn của những cha mẹ, những người sẵn sàng giết chết con mình từ khi còn là bào thai vì những ích kỷ cá nhân và sự vô trách nhiệm!!!Thật là một đại họa cho thế giới nói chung và Việt Nam, nói riêng: “Theo thống kê, tỷ lệ nạo phá thai độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ước tính số ca nạo phá thai trung bình 1 ngày khoảng 40 – 50 ca, 1 năm khoảng 5.000 ca, trong đó có khoảng 18-20% ở tuổi vị thành niên. Điều này cho thấy, quan niệm sống cởi mở đến mức xô bồ phổ biến, đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên hiện nay.”[5]

Ngoài ra, có những em tuy được sinh ra, nhưng lớn lên trong bầu khí gia đình lạnh lẽo. Mái ấm gia đình đáng lẽ ra phải trở nên môi trường để nuôi dưỡng tình yêu, liên kết cha mẹ và con cái, thì lại biến thành nơi chiến tranh làm rạn nứt và đổ vỡ cuộc sống gia đình, đưa tới những hệ lụy mà con cái nhiều khi phải hứng chịu nhiều hơn cha mẹ.

Bài Phúc Âm ngày lễ kính các thánh Anh Hài hôm nay (28.12) cho chúng ta thấy hình ảnh thánh Giuse và Đức Maria vội vã trong đêm, đem Hài Nhi trốn sang Ai cập, cho chúng ta bài học về tinh thần trách nhiệm của các Ngài đối với con cái. Các ngài ý thức và xác tín “sự sống thuộc quyền của Thiên Chúa” và mọi trẻ em đều có quyền được sống, nên đã làm hết sức để bảo vệ sự sống cho Hài Nhi Giêsu thoát khỏi tay bạo chúa Hêrôđê. Ngày nay, vẫn còn những bạo chúa như thế, khi ai đó dám cả gan giết chết những sinh linh bé bỏng, không khả năng tự vệ. Ôi, đáng thương thay! Chúng ta hãy cứu lấy các Thánh Anh Hài thế kỷ 21!

Hiệp thông với ý nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng 12 này, cầu cho mỗi quốc gia biết dùng những phương tiện cần thiết để ưu tiên lo cho tương lai của các trẻ em, cách riêng những trẻ em đang sống trong đau khổ. Chỉ cần các nhà lãnh đạo quốc gia và những ai có quyền trực tiếp trên các em biết đi theo công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em: “phải đảm bảo cho tất cả trẻ em không bị phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào, đều được hưởng các dịch vụ xã hội, được bảo vệ, được lớn lên trong môi trường an toàn, vệ sinh, được hỗ trợ, được chăm sóc và được lắng nghe, cũng như được tham gia vào các hoạt động xã hội.”[6]

Minh Nguyên


https://www.youtube.com/watch?v=jfwxLSDg2W8&fbclid=IwAR1RS2y7X-0L662tZPwPCKOgJhlOW52fhTiToKaswmPAfx3MYsBCIpdd4_0


[1]X St 1
[2]https://news.zing.vn/hanh-trinh-cuoi-cung-cua-cau-be-syria-post576162.html
[3]Mc 9, 37
[4]https://www.unicef.org/vietnam
[5]https://baophapluat.vn/song-khoe/nan-pha-thai-o-gioi-tre-rao-riet-hoi-chuong-canh-tinh-444579.html
[6]https://www.unicef.org/vietnam