UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

Thật rất đáng trân trọng việc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã hội nhập thành công Giáo Lý Công Giáo vào truyền thống 3 ngày Tết Nguyên Đán của người Việt Nam. Hôm qua, mồng 1 tết, được dành cho việc tôn thờ – tạ ơn Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa vũ trụ, con người và cầu bình an cho năm mới. Hôm nay mồng 2 tết, chúng ta kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ, vì chữ hiếu là một giới răn do chính Thiên Chúa thiết định: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi”[1] Mối tương quan của con người với các bậc tổ tiên, sinh thành được chính Thiên Chúa đặt ở vị trí rất quan trọng, chỉ sau tương quan với chính Ngài qua điều răn thứ bốn: hãy thảo kính cha mẹ.

 Cũng vậy, trong kho tàng văn hóa Việt Nam, chữ hiếu không chỉ là một nét đẹp văn hóa, nhưng nó đóng một vai trò quan trọng và là một trong những tiêu chí cốt yếu để đánh giá nhân cách một con người. Trong dòng chảy thơ văn của Việt Nam, tác phẩm lớn của Nguyễn Du là Truyện Kiều đã đặt chữ hiếu  trên cả chữ nghĩa: Thúy Kiều vì muốn cứu cha mà hi sinh mối tình đang chớm nở của mình với Kim Trọng. Nét đẹp văn hóa đó được duy trì đến ngày nay, con dân nước Việt dù thuộc bất kỳ tôn giáo nào đều lập bàn thờ tổ tiên trong gia đình mình, thăm viếng phần mộ của người đã khuất vào những ngày lễ tết, giỗ chạp và coi những kinh nghiệm của người đi trước là túi khôn tri thức.

Hôm nay, Giáo hội mời gọi mỗi người Ki-tô hữu sống tâm tình biết ơn các vị tiền nhân. Sách Huấn ca còn dùng những vần thơ rất đẹp để chỉ cho thấy phần thưởng của những người biết thờ kính cha mẹ: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm. Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu”.[2] Khi xuống thế trong thân phận của một con người, Chúa Giê-su cũng chấp nhận sinh ra trong một gia đình với một gia phả rõ ràng, với rất nhiều thế hệ nối tiếp nhau từ tổ phụ Abraham[3]. Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Ngài là một người con hiếu thuận, hằng vâng phục cha mẹ mình: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài.”[4].

Ngày lễ kính nhớ tổ tiên ông bà nhắc nhở mỗi chúng ta biết hiếu thảo với cha mẹ khi còn nhỏ, tôn trọng và đền đáp công ơn cha mẹ khi lớn lên, phụng dưỡng cha mẹ khi các ngài về già hay đau yếu; khi các ngài đã “nằm xuống” thì cầu nguyện và nhất là xin lễ cho các ngài, vì không có việc đạo đức nào có giá trị cho bằng Thánh Lễ.

Ca dao, tục ngữ Việt Nam chứa đựng rất nhiều câu từ ý nghĩa về đạo lý tốt đẹp này như: Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Chim có tổ người có tông, và đặc biệt là 4 dòng thơ bất hủ đã ghi khắc vào trong tâm khảm của mỗi người Việt:

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
 Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
.”

Bên cạnh những lời dạy bảo, tiền nhân không quên cảnh báo con cháu về những quy luật cơ bản trong cuộc sống như: sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó, hay đời cha ăn mặn, đời con khát nước.

Hẳn ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện về một người gọt gáo dừa làm chén cho người cha già, vì ông run tay hay làm bể những chén kiểu đắt tiền. Khi đứa con trai năm tuổi của anh ta thấy vậy, nó cũng đi tìm một cái gáo dừa khác và bắt chước cha nó… Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản và hỏi con đang làm gì, đứa con trả lời: “Con muốn làm cho bố cái chén để mai mốt bố ăn cơm, giống như bố đã làm cho ông nội.

Quả thế, trong xã hội hiện nay, bên cạnh rất nhiều những người con sống hiếu thuận, trọn đạo lý thì có không ít người sống vô ơn, bất hiếu với các đấng sinh thành, nhất là khi các ngài ốm đau bệnh tật, già yếu. Sẽ thật dễ dàng khi chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già đối với những ai xem đó là một niềm vui, một niềm hạnh phúc. Ngược lại, sẽ thật khó khăn và vất vả với những ai xem đó là gánh nặng. Khắp đó đây, tình trạng “cha chung không ai khóc”, “Sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi”, “Một mẹ nuôi được mười con, Mười con bỏ mẹ trong ngàn xót xa” vẫn diễn ra khá phổ biến.

 Chúa Giê-su đã tỏ ra gay gắt đối với những người con bất hiếu và gọi họ là đạo đức giả: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa”[5].

 

Hình ảnh các thế hệ trong gia đình tam-tứ đại đồng đường cùng chung sống vui vẻ, hòa thuận luôn là một nét đẹp văn hóa Á Đông. Thật cảm động biết bao khi chứng kiến cảnh ông/bà nội-ngoại dạy cháu làm Dấu Thánh Giá, cúi đầu chào Chúa hoặc Đức Mẹ; và đẹp hơn nữa trước cảnh tượng những người con cháu dìu bước cha mẹ, ông bà chậm chạp bước lên từng bậc cấp nhà thờ để tham dự Thánh lễ. Hình ảnh này vừa lột tả niềm hạnh phúc của người kính sợ Chúa, tuân giữ mệnh lệnh Chúa truyền[6], vừa cho thấy dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc[7].

 Xin Thiên Chúa là Cha nhân từ, giúp cho mỗi người chúng ta biết sống trọn tình vẹn nghĩa với ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì… và với những người đã làm ơn cho chúng ta về vật chất cũng như tinh thần, vì đó là những dòng nước mát phát xuất từ nguồn mạch Thiên Chúa vậy: uống nước nhớ nguồn!

Minh Nguyên


[1] Xh 20, 12
[2] Hc 3, 3-4
[3] Mt 1
[4] Lc 2, 51
[5] Mt 15,4-6
[6] Tv 119
[7] Tv 112