Thầy Giêsu đã sống chung với các môn đệ trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng, đã rảo khắp đất nước It-ra-en thời đó. Sau một thời gian, qua những lời rao giảng của Thầy, những phép lạ Thầy làm: trừ quỉ, chữa lành bệnh hay hóa bánh ra nhiều, những cuộc tiếp xúc và phản ứng của dân chúng… Thày Giêsu muốn biết người đời cảm nhận Ngài là ai, nên đã hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”[1] và Ngài lắng nghe những câu trả lời của các ông.
Thật tuyệt vời! Thày Giêsu là Thiên Chúa-người, biết hết mọi sự từ trong sâu thẳm của con người, nhưng đã lắng nghe ý kiến của người khác, dù rằng họ chỉ là học trò của mình! Như thế đủ hiểu việc lắng nghe quan trọng như thế nào. Chả thế mà Dale Carnegie, trong tác phẩm nổi tiếng của ông là cuốn sách “Đắc nhân tâm”, đã viết: “Lắng nghe là một trong những cách trân trọng nhất mà chúng ta có thể bày tỏ với người đối diện”[2].
Sau khi đã lắng nghe hết các câu trả lời, Chúa Giêsu lại đặt một câu hỏi khác cho chính các môn đệ: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” và Chúa lại lắng nghe. Điều lạ lùng là khi ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”, thì Chúa lại cấm ngặt các ông không được nói với ai về điều đó. Tại sao vậy? Thưa, tại vì lúc đó, có nguy cơ người ta hiểu sai về Đấng Kitô, ngay cả các môn đệ đã được Chúa đồng hành sít sao như vậy cũng chưa hiểu được.
Thật vậy, Chúa Giêsu là Đấng Kitô hay Đấng Mê-si-a, có nghĩa là Đấng được xức dầu Thánh Thần để đảm nhận sứ mạng cứu chuộc của Người. Người phải chịu đóng đinh và rồi sống lại, là Người Tôi Trung Ðau Khổ, “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người[3]“ Ngài mời gọi các môn đệ và những ai muốn đi theo Ngài, đi cùng con đường này.
Sống trong một xã hội có rất nhiều nghịch lý, một mặt là sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật, của văn minh tiến bộ; nhưng mặt khác lại tiết ra nhiều vấn đề của nghèo đói, dịch bệnh, bất công, khoảng cách giầu nghèo ngày càng lớn… nhất là sự đảo lộn bậc thang các giá trị đạo đức, luân lý của con người. Vì thế, để khẳng định mình là ai, người ta tìm đủ cách, thậm chí dùng tiền mua bằng cấp để được chức tước, địa vị… để chứng tỏ cho mọi người “ta là ai”, mặc dù thực lực của họ hoàn toàn không tương xứng với bằng cấp ấy.
Ngày hôm nay, Chúa cũng đang hỏi mỗi người: “Còn con, con bảo Thầy là ai?” Sẽ thật dễ dàng để thưa lên như thánh Phê-rô xưa: “Thầy là Đấng Ki-tô.”[4] , hay như lời tuyên xưng mà chúng ta luôn xướng lên trong kinh Tin kính: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời”. Thế nhưng, liệu chúng ta có đón nhận phần giải thích của Chúa Giêsu khi loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài không, hay cũng như Phêrô khi xưa, chúng ta không đón nhận và còn muốn giơ tay ngăn cản Chúa nữa, vì ông vẫn không hiểu sứ mệnh cụ thể của Thầy, ông không chấp nhận con đường thập giá của Thầy mình. Đó chính là yếu đuối của Phêrô và của mỗi chúng ta.
Qua kinh nghiệm sống hằng ngày, chúng ta luôn phải đối điện với câu hỏi: “ Người ta nói Thầy là ai?” ở khắp các công sở, nhà trường, cộng đoàn, nhóm bạn… nơi mà từng lời nói, cử chỉ, hành động của mỗi Kitô hữu sẽ phản ánh chính gương mặt của thầy Giêsu. Có những lúc bạn tự hào về một Giáo hội lớn mạnh và phổ quát, có những lúc bạn hân hoan giới thiệu với bạn bè, đồng nghiệp về các giá trị đạo đức nhân văn của Kitô giáo, nhưng cũng không thiếu những phút giây con người của chúng ta bị nặng nề bởi quá nhiều những giá trị bên ngoài, để rồi cái căn tính trọn vẹn của người con cái Chúa bị phai mờ đi, và gương mặt của Chúa cũng bị biến dạng. Những lúc như vậy, từ sâu thẳm trong tâm hồn ta lại vang lên: “Còn con, con bảo Thầy là ai?” và Chúa chờ đợi câu trả lời thật lòng của mỗi chúng ta.
Ước chi, mỗi người chúng ta sẽ trở thành những người con của Chúa, biết giao tiếp thành công nhờ biết lắng nghe tiếng Chúa thì thầm với ta mỗi ngày, để cho Lời Ngài hướng dẫn lương tâm chúng ta và như thế chúng ta sẽ biết lắng nghe anh em và có thể trả lời Chúa cũng như trả lời cho người khác cách thật lòng rằng Chúa là ai đối với mình và đối với cách sống của mình.
Minh Nguyên
Rất cám ơn bạn Minh Nguyên đã chia sẻ những thao thức của bạn để đáp lại thật lòng câu chất vấn đầy yêu thương của Chúa Giêsu: “Còn con, con bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi này chắc chắn đã và đang vang lên nơi bao người khác, cách riêng là nơi các bạn trẻ đang làm việc chung với những người khác công giáo cũng như ngoài công giáo.
Gia Đình Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn xin trân trọng giới thiệu với các bạn chương trình mục vụ giới trẻ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và đây là bài của riêng tháng 02.2020.
Trong “tháng 2 này, chúng ta suy niệm hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô là Đường, Đường xuống với con người. Đức Giê-su Ki-tô xuống với con người để thông phần với con người trong muôn hình thức đau khổ do tội lỗi gây nên và dẫn đưa con người về với Thiên Chúa”[5].
Kinh Nguyện Giới Trẻ
CHÚA Ở LẠI VỚI CHÚNG CON
(Kinh Nguyện dựa trên Lc 24,13-35 và Christus Vivit 237)
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô,/ là Thầy và là Bạn của giới trẻ chúng con,/ Chúa đã xuống thế làm người,/ chịu đau khổ, chịu chết vì chúng con./ Sau khi sống lại,/ Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Em-mau/ và soi trí mở lòng cho họ hiểu biết Lời Chúa./ Chúa đã Bẻ Bánh cho họ tham dự sự sống của Chúa/ và làm cho mắt họ sáng ra để họ nhận biết Chúa./ Nhờ ơn Chúa giúp,/ họ trở thành những chứng nhân trung tín của Chúa cho mọi người./
Chúng con cảm tạ Chúa,/ vì Chúa ở lại với chúng con cho đến tận thế./ Xin cho chúng con ngày càng hiểu biết/ và yêu mến Lời Chúa hơn,/ để Lời Chúa luôn là ‘ngọn đèn soi cho con bước,/ là ánh sáng chỉ đường con đi’./ Xin cho chúng con siêng năng đến với Bí Tích Thánh Thể,/ để chúng con được tham dự sự sống đời đời của Chúa/ ngay trong hành trình trần thế này./ Xin cho chúng con hăng say loan báo Tin Mừng Bình An của Chúa/ trong môi trường sống của chúng con.
Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương/ và dấn thân giữa dòng đời bằng tình yêu và hành động. Xin cho chúng con biết đi theo Con Đường Trái Tim Chúa/ để đến với mọi người,/ nhất là những người nghèo khổ/ và thiếu vắng tình thương./ Xin cho chúng con biết yêu mến muôn vật muôn loài Chúa đã dựng nên/ và cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo.
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, là Thầy và là Bạn của giới trẻ chúng con,/ xin cho chúng con luôn là những môn đệ và tông đồ trung tín của Chúa trong hành trình trần thế này,/ cho đến ngày được ở cùng Chúa Trên Quê Trời. Amen.
03/01/2020
Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên
Nguồn: Ủy ban Giới trẻ và Thiếu nhi / HĐGMVN
[1] Mc 8, 27
[2] Đắc nhân tâm, chương 7
[3] X. Mt 20, 28
[4] Mc 8, 29
[5] [5] hđgmvnwww.hdgmvietnam.com › chi-tiet › duc-giesu-kito-duong-xuong-voi…