fbpx

Bài suy niệm Thứ Sáu trong tuần Bát Nhật Phục Sinh

26.4.2019 THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
“Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!””


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 21,1-14)
Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Việc Thầy sống lại đã trở nên sự an ủi cho các môn đệ. Nhưng các ông phải tập quen dần với việc Thầy không hiện diện bằng xương bằng thịt bên cạnh mỗi ngày, không còn hướng dẫn cặn kẽ từng chút mỗi hoạt động lớn nhỏ. Đây là lúc các ông phải trưởng thành cả trong đức tin và trong hoạt động tông đồ. Chính lúc này, các ông mới thấy đời sống cộng đoàn là cần thiết!

Khi chưa gặp được Đức Giêsu Phục Sinh, các ông sợ hãi, ở trong nhà đóng kín cửa, không dám ra ngoài. Nay Thầy đã sống lại, các ông được an tâm, hết lo sợ, được Thầy “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” và sai các ông đi rao giảng, với trọng trách là nhân chứng: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”[1] Nhưng phải bắt đầu từ đâu?

Simon Phêrô – trưởng đoàn, từ sau thất bại chối Thầy, ông đã khiêm tốn hơn nhiều. Mặc dù vẫn được anh em tín nhiệm, nhưng thay vì ra lệnh hay đề nghị, ông đã xử sự khéo léo và tế nhị hết sức: “Tôi đi đánh cá đây!” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Thế là mọi người lại bắt tay vào việc, cuộc sống lại tiếp tục như trước, nhưng hình như vẫn có gì khác trước.

Khác trước, từ chính con người Phêrô – vị lãnh đạo khiêm tốn, và cũng có những điểm khác trước từ sự khiêm tốn cộng tác của mỗi người anh em, vì tự bản thân mỗi người đều ý thức sự yếu đuối của chính mình trong cuộc khổ nạn của Thầy. Đó chính là sự mới mẻ của cộng đoàn này: Cộng đoàn của những người ý thức rõ về chính mình trong tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Lúc này, không ai trong các ông còn tranh cãi ai là người lớn nhất, hay dám xin được ngồi bên tả bên hữu Thầy nữa[2].

Rồi lại một lần nữa, Chúa Giêsu Phục Sinh cho các ông cảm nhận sâu xa kinh nghiệm “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Nhưng Chúa không hiện ra trong oai nghi để ra lệnh, cũng chẳng lấy hình dáng quen thuộc của một Thầy Giêsu trước kia, mà qua những biểu hiện luôn mới mẻ, Chúa gợi ý cho các ông “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Và các ông đã khiêm tốn làm theo, gác lại bề dày kinh nghiệm sẵn có của mình.

Kết quả của việc làm theo ý Chúa đã cho các ông nhận ra Chúa một cách mới mẻ hơn. Đó cũng là kinh nghiệm của Đức Maria trong suốt cuộc đời của Mẹ: Mẹ tin vào lời sứ thần nói, Mẹ ý thức “phận nữ tỳ hèn mọn” của mình, Mẹ xin vâng và làm theo ý Chúa. Nhờ đó, Mẹ lại khám phá ra Thiên Chúa “Đấng cứu độ tôi” là “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”[3]   

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Cuộc sống vẫn đòi tôi phải nỗ lực để có kinh nghiệm làm việc, nhưng đời sống đức Tin cũng cần tôi biết ý thức thân phận mỏng giòn của mình để làm theo ý Chúa. Mẫu gương tuyệt hảo nhất cho tôi không ai khác ngoài Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ của tôi.

Tôi sẽ xin Mẹ trợ giúp tôi mỗi ngày qua việc tôi đeo ảnh Mẹ và năng đọc câu kinh Mẹ dạy: Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội… Tôi tin chắc rằng: Mẹ sẽ giúp tôi nên giống Mẹ, ý thức về chính mình và được nhận biết Chúa mỗi ngày một hơn.

Cầu nguyện với Mẹ: (Hát):

DÂNG MẸ ĐỜI CON
Ngọc Linh

ĐK: Thành tâm tiến dâng lên Mẹ hiền ngàn lời ca với tình con thiết tha tận hiến. Xin Mẹ ban xuống dạt dào những ơn thiêng cho đời hồng phúc vô biên. 

  1. Dâng Mẹ đường con đi hôm nay. Dâng Mẹ đời con trong tương lai. Bài ca yêu mến trọn đời con ca vang. Sống gần bên Mẹ con ngất say tình thương.
  2. Bên Mẹ lòng vui trong gian nguy. Bên Mẹ đời con không lo chi. Lòng con nung nấu một niềm tin trung kiên. Có Mẹ trong đời con bước đi bình yên.

“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”


[1] Lc 24,45.48
[2] Mt 10,21; 20,20-27; Mc 9,34; Lc 9,46
[3] Kinh Magnificat

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *