THIÊN CHÚA LÀ NGUỒN CỘI CỦA MÙA XUÂN
Kỷ Hợi đã thật sự ra đi, nhường chỗ cho Canh Tý. Đúng là một mùa xuân mới đã về trên khắp quê hương Việt Nam thân yêu, khắp muôn nơi tràn ngập một khí thế mới, một niềm hy vọng mới.Văng vẳng đâu đây lời hát Ngày đầu xuân con dâng lên Thiên Chúa Chí Tôn lời cảm mến chúc khen Cha chí lành. Chúa đã ban thêm một mùa xuân, mùa xuân sáng tươi hy vọng cho mọi người trên dương gian…[1]
Sau những tháng ngày vất vả, ngược xuôi với những bận rộn, lo toan, những người con xa quê hương, xa gia đình nay trở về đoàn tụ cùng mái ấm của mình. Tết chính là ngày đoàn tụ, Tết là ngày để trở về với những nền tảng cốt lõi nhất của con người đó là gia đình, đó là tình thân, đó là xóm làng với những khao khát được bình an trong tâm hồn. Nguồn cội của những nền tảng này chính là Thiên Chúa Chí Tôn. Vậy trước tiên chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa lời cảm mến chúc khen Cha chí lành về biết bao hồng ân Ngài đã ban cho trong suốt năm qua.
Phần đông người Việt Nam có một cảm thức tôn giáo rất tự nhiên và sâu xa. Niềm tin vào Thượng Đế hay nói một cách bình dân là Ông Trời, rất quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, niềm tin này thường được tập trung vào việc thờ cúng, còn mặt giáo lý, tinh thần lại ít được quan tâm. Mỗi dịp xuân về, người người nao nức thể hiện lòng biết ơn Ông Trời và xin ơn cho một năm mới tốt lành.
Quả thế, thời vua Hùng, nhà vua muốn truyền ngôi cho con, nên ra lệnh cho các hoàng tử: “cuối năm nay mang trân cam mỹ vị đến, để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi”. Hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu đã được thần nhân báo trong mộng: “Các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình trời đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ”. Đến kỳ, Hùng vương vui vẻ truyền các con bày vật tiến lên. Xem qua khắp lượt, thấy không thiếu thứ gì. Duy có Lang Liêu chỉ tiến dâng bánh chưng và bánh giầy. Vua kinh ngạc mà hỏi, Lang Liêu đem giấc mộng thuật lại. Vua đem nếm, thấy ngon miệng không chán, hơn hẳn các thức của các con khác, tấm tắc khen hồi lâu rồi cho Lang Liêu được nhất. Đến ngày Tết, vua thường lấy bánh này dâng cúng cha mẹ.[2]
Cho đến nay hai loại bánh cổ truyền này, không nhiều thì ít, vẫn luôn có mặt ngày Tết trong các gia đình người Việt Nam. Cùng với bánh chưng, bánh giầy thì mâm ngũ quả cũng là một nét độc đáo mang đậm cảm thức tâm linh của người Việt, dâng lên Đấng Tạo Hóa những trái cây tốt đẹp tỏ lòng biết ơn, cầu mong Ngài chứng giám, nhận cho và xin ban lương thực dồi dào trong năm mới này.
Phụng vụ lời Chúa ngày đầu năm mới đưa chúng ta trở về nguồn cội sự hiện hữu của trái đất này, qua sách Sáng thế: “Thiên Chúa phán : Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm…”[3]. Những đoạn Kinh thánh mở đầu cho công trình Sáng tạo của Thiên Chúa thật đẹp, thật vĩ đại, mà có lẽ sự giới hạn trong ngôn từ của con người không thể nào lột tả được hết sự huy hoàng, lớn lao, kỳ vĩ của công trình ấy. Quả vậy, khi chiêm ngắm thiên nhiên, trời đất, vũ trụ, con mắt thể lý của con người được Thiên Chúa vén mở cho thấy một sự kỳ diệu đến lạ lùng trong sự vận hành thật hài hòa của các thực thể, từ các tinh tú xa thăm thẳm chỉ có thể quan sát bằng kính viễn vọng, đến các tạo vật nhỏ bé dưới góc kính hiển vi. Trong sự kỳ diệu ấy, Trái Đất được Thiên Chúa tác tạo mang lấy sự sống để bao bọc và nằm dưới sự cai quản của con người. Trái Đất được sáng tạo với ngày đêm luân phiên, với đầy đủ ánh sáng, không khí, đất, nước và mọi thụ tạo. Trái Đất cũng chính là nơi ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Giê-su đã xuống thế làm người. Thật đẹp, thật vinh phúc thay, hãy chúc tụng Thiên Chúa như khi xưa thánh vương Đa-vít đã mời gọi: Muôn nước hỡi, nào ca ngợi CHÚA, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người![4].
Khởi đầu năm mới cũng là khởi đầu cho một hành trình mới, một kế hoạch mới cho cả một năm phía trước. Mỗi người được Thiên Chúa ban phát cho những nén bạc khác nhau, đó là một quỹ thời gian, đó là một kho tài năng, đó là sức khỏe để tu tập, làm việc, học hành, nghỉ ngơi, và thời phượng Thiên Chúa. Thế nhưng, có nhiều khi những nỗi lo âu lại chiếm hữu tâm hồn của con cái Chúa, đó là những nỗi lo đời thường như công ăn việc làm, cơm ăn, áo mặc… mà Chúa Giê-su đã cảnh báo: “ đừng lo cho mạng sống : lấy gì mà ăn ; cũng đừng lo cho thân thể : lấy gì mà mặc.” [5]. Quả thực, đó đều là những nhu cầu thiết yếu của mỗi người, thế nhưng khi ý thức được rằng Thiên Chúa là đấng làm chủ mọi vật, kể cả mạng sống của chúng ta thì những nỗi lo âu kia chỉ là thứ yếu so với việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức Công chính của Người”.[6]
Khi xác tín Thiên Chúa là Chủ, là Cha thì chúng ta tin tưởng rằng “Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.”[7] Bằng việc vượt qua khỏi những lo âu đời thường, hướng tâm hồn về các giá trị của Tin Mừng sẽ mang đến cho chúng ta niềm vui và bình an sâu thẳm trong tâm hồn.
Những ngày Tết ngắn ngủi rồi cũng sẽ trôi qua, cuộc đoàn tụ nào rồi cũng đến lúc tạm ngưng, cuộc sống thường ngày sẽ quay trở lại với sự xoay vần đều đặn của thời gian. Ước chi, mỗi người chúng ta biết dùng thời gian quý báu này để sống chậm hơn, sống sâu hơn để tìm kiếm Chúa, để Chúa làm chủ cuộc đời mỗi người, để mỗi nguyện ước, mỗi kế hoạch được Chúa hướng dẫn và soi sáng trong tình yêu vô biên của Ngài. Như thế, đời chúng ta sẽ luôn là mùa xuân, đúng như lời thánh Gioan Maria Vianey, cha xứ họ Ars, nước Pháp:
Tâm hồn kết hợp Giê-su,
Mùa Xuân Vĩnh Cửu, thiên thu vững bền.
Minh Nguyên
[1] Xuân hy vọng-Gia Ân
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Lang_Li%C3%AAu
[3] St 1,14-18
[4] Tv 117
[5] Mt 6, 25
[6] Mt 6, 33
[7] Mt 6, 32