fbpx

NGÔI MỘ TRỐNG, VƯỜM ƯƠM SỰ SỐNG (TIẾP THEO)

NGÔI MỘ TRỐNG, VƯỜM ƯƠM SỰ SỐNG

Mt 28, 1-15

Các bạn thân mến,

Ngôi mộ còn mới chưa hề chôn cất ai, nằm trong thửa vườn gần nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh, đã được vinh dự là nơi an táng thi hài bầm dập vì những thương tích “yêu đến cùng” của Chúa Giêsu[1]. Nhưng rồi chỉ sau 3 ngày, nó trở thành “ngôi mộ trống”!

Thế thi hài Chúa Giêsu đâu rồi? Bình thường mấy ai dám động đến xác chết, nhất là khi đã được chôn trong mộ! Không có đức tin, không thể lý giải được sự kiện lạ lùng này, các thượng tế và kỳ lão đã dùng đồng tiền bẻ cong sự thật: nói láo từ cấp trên xuống cấp dưới và vu khống cho các môn đệ của Chúa Giêsu đã đến ăn trộm xác của Ngài[2].

Ông Phêrô và Gioan được các phụ nữ báo tin về ngôi mộ trống, hai ông vội chạy ra mộ. Không thấy xác Thầy, nhưng thấy những dấu chỉ: băng vải, khăn che đầu Chúa Giêsu…các ông đã tin vì nhớ lại những gì Thầy đã báo trước, bây giờ các ông hiểu là “theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết[3].  

Trong suốt 3 năm thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, một trong những ưu tư hàng đầu của Chúa Giêsu  là huấn luyện các Tông Đồ, vì họ có trọng trách nối tiếp sự nghiệp của Ngài. Chính vì thế, Chúa Giêsu thường tìm dịp thuận tiện để loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh, đỉnh điểm sứ vụ của Ngài: “Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại”.[4]Theo Tin Mừng thánh Mac-cô thì Chúa Giêsu loan báo tất cả là 3 lần, nhưng lần nào các ông cũng không hiểu và tỏ vẻ sợ hãi.

Đường lối của Chúa hoàn toàn ngược lại với đường lối thế gian, làm sao hiểu được: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.[5]

Thật thế, Hạt Lúa Giêsu đến từ trời cao, được gieo vào lòng đất thế gian và theo qui luật của mọi mầm sống, nó phải mục đi để sinh hoa kết trái. “Chúa Giêsu sắp chết và Hội Thánh ra đời. Chúa Giêsu  để di thể của Người chôn vùi trong lòng đất. Để khi ra khỏi mồ, chính thân thể đã được vinh quang ấy sẽ là tụ điểm của tất cả mọi người tín hữu.[6]

Theo Tin Mừng thánh Mac-cô, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra 3 lần: trước tiên với các phụ nữ, sau đó với 2 môn đệ trên đường Em-mau và cuối cùng là với 11 tông đồ đang khi các ông dùng bữa[7]. Sau đó, Người sai các ông:  “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”.[8] Những lời dạy bảo, gương sống phục vụ và cái chết vì “yêu đến cùng”của Thầy Giêsu  đã nẩy mầm sự sống nơi các ông. Chính nhờ sự sống thần linh này nuôi dưỡng, các ông đều trung thành với Chúa đến cùng bất chấp gian khổ và đã chết để làm chứng cho Tin Mừng phục sinh. Giáo Hội cứ thế lớn lên và lan rộng khắp nơi! Alleluia!

Không riêng gì các tông đồ, mà còn các phụ nữ cũng như các môn đệ khác nữa. Họ“đã thấy Chúa[9], sự sống của Chúa Phục Sinh đã nảy mầm nơi họ, được truyền đi khắp nơi, được lớn lên, đơm hoa kết trái trong nhiều quốc gia qua mọi thời đại. đã nhiều lúc sự sống bị chèn ép tư bề, bị đe dọa, bị tổn thương, bị đổ máu, nhưng không bao giờ chết. Chả thế mà văn hào  Tertuliano[10] đã khẳng định: Máu các vị tử đạo, là hạt giống sinh nhiều giáo hữu”. 

Phần đông chúng ta không có kinh nghiệm “thấy Chúa” như bà Maria, như các môn đệ; nhưng chúng ta đã tin vào lời chứng của những người đã thấy và đã dám chết vì lời chứng ấy. Chúng ta đáng được hưởng lời chúc phúc của Chúa Phục Sinh: “Phúc thay những người không thấy mà tin!”[11]

[12]Chuyện kể “có ba người đại diện cho ba tôn giáo lớn là: Phật giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo ngồi lại tranh luận với nhau, và ai cũng tự hào về đấng sáng lập đạo của mình.

Người Phật tử nói: “Khi Đức Phật Thích Ca chết, chúng tôi đưa đi hỏa táng và hài cốt của Ngài hiện đang để trong chùa Xá Lợi (Xương Phật), điều đó chứng tỏ Phật Thích Ca của chúng tôi hiện hữu.”

Tiếp đến, Môn đồ Hồi giáo lên tiếng: “Khi Giáo Chủ Mahomét chết, ngài để lại cho chúng tôi nắm tóc và bộ râu, được lưu giữ trong đền thờ bên Árập. Điều đó chứng minh Giáo chủ chúng tôi có mặt trên trần gian này.”

Rồi hai người hỏi tín hữu Kitô giáo: “Còn Chúa Giêsu của anh chết, Ngài có gì để lại gì làm bằng chứng  không?”. Người tín hữu trả lời:

Khi Chúa chúng tôi chết, Ngài để lại ngôi mộ trống, vì Ngài không chết luôn như Giáo Chủ các anh, Ngài đã sống lại ra khỏi mồ. Do đó, chúng tôi không có mảnh xương, hài cốt như Phật Thích Ca; hay nắm tóc, bộ râu như Giáo Chủ Mahomét.

Nếu Chúa của chúng tôi chết mà không sống lại, thì chúng tôi chẳng tôn thờ Ngài. Các nhà truyền giáo chẳng dại gì mà phải dấn thân vào những nơi xa xôi để rao giảng Tin mừng. Các thánh tử đạo chẳng liều mình đổ máu ra làm chứng cho Đấng đã chết mà không sống lại!

Thật vậy, Thánh Phaolô nói rằng: “Nếu Đức Kitô chết mà không sống lại, thì đức tin của chúng ta chỉ là hão huyền và lời rao giảng cũng trở nên vô ích…”[13].


 


[1] X. Ga 19, 40-42
[2] X. Mt 28, 12-15
[3] X. Ga 20, 6-9
[4] Mc 8, 31
[5] Ga 12, 23-24
[6] Kinh Thánh Tân ước-Lời Chúa cho mọi người, trang 477, phần chú giải.
[7] X. Mc 16, 9tt
[8] Mc 16, 15-16
[9] X. Ga 20, 18.20
[10] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tertullianus
[11] Ga 20, 29b
[12] http://www.cdmedongcong.net/PhucSinh/NiemVuiPhucSinh.htm
[13] 1Cr.15,14-19

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *