fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ NĂM TUẦN II MÙA CHAY

04.03.2021 – THỨ NĂM TUẦN II MÙA CHAY

Lc 16,19-31
“Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô… nằm trước cổng ông nhà giàu…” (Lc 16,20)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Bạn thân mến,

Chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh phú túc. Ai cũng thấy lợi ích của nền kinh tế thị trường cho phép con người tự do cạnh tranh trong việc buôn bán để tích lũy lợi nhuận. Nhưng mối nguy hiểm to lớn mà nền kinh tế thị trường mang lại, đó là hố ngăn cách giàu nghèo mỗi ngày một gia tăng, và theo đó, nền kinh tế thị trường hôm nay đã phần lớn là nguyên nhân hình thành nên những ông phú hộ và những Ladarô tân thời.

          Ông phú hộ ngày xưa cũng như những đại gia hôm nay, họ có quyền sống và hưởng thụ tài sản của họ. Vật chất, của cải và sự tiện nghi giàu sang sung túc tự nó không xấu, nhưng khi con người quá lệ thuộc vào nó, trở nên ích kỷ, vô tâm đối với người anh em đang đau khổ và thiếu thốn ngay bên cạnh mình, thì đó là một trọng tội. Đây không chỉ là thái độ “vô cảm”, nhưng là một sự “rối loạn cảm xúc” có mục đích: người phú hộ vẫn biết vui vẻ tay bắt mặt mừng với bạn bè cùng đẳng cấp với mình, có khi khách mời của ông còn là những bậc vị vọng, đáng kính trong xã hội và Giáo Hội nữa chứ! Khốn thay! Ông chỉ không có cảm xúc đối với những người nghèo khổ không có lợi gì cho ông mà thôi.

Chính khoảng cách đã được tạo ra ở đời này, từ bàn tiệc trong nhà ông phú hộ đến chỗ nằm của người nghèo khó La-da-rô trước cổng nhà ông ấy, khoảng cách từ những của ăn dư thừa ê hề trên bàn tiệc, cho đến cái bụng đói meo của người nghèo đang thèm khát những mảnh vụn thức ăn, đã tạo ra vực thẳm lớn lao ở đời sau, “đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (c.26). Giả như ông ta biết sống liên đới, quan tâm chia sẻ với Lazarô những gì anh cần, hẳn là khoảng cách ấy đã được xóa bỏ hoặc rút ngắn lại.

Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm liên đới, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, nhất là những người nghèo khổ hơn chúng ta. “Người nghèo thì luôn có bên cạnh các con”[1] và đó là cơ hội để chúng ta có dịp sống tình liên đới theo huấn lệnh Chúa dạy: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Thánh Vinh Sơn Phaolô, vị tông đồ bác ái đã thực hành mệnh lệnh ấy cách triệt để. Ngài nói rằng: Làm Kitô hữu mà thấy anh em mình sầu khổ, mà không khóc với họ, không ốm đau với họ! Đấy là không có bác ái; đó là Kitô hữu bánh vẽ; đó là chẳng còn nhân tính nữa; như vậy là tệ hơn súc vật.”[2]

Cách hành xử của Đức Maria tại tiệc cưới Cana cho thấy rõ “đẳng cấp yêu thương và cảm thông” của Mẹ với hoàn cảnh của đôi tân hôn. Với sự nhạy bén sẵn có, Mẹ thấu hiểu sự bối rối của chủ tiệc và thấy trước nguy cơ tai tiếng, bất hạnh cho đôi tân hôn khi hết rượu giữa chừng: khách mời mất vui, chủ tiệc mất mặt và cô dâu chú rể bị chê cười… Cảm thông với hoàn cảnh ấy, Đức Maria đã “gợi ý” với Đức Giêsu. Cảm thông là sự quảng đại tự bản chất, xuất phát từ một trái tim biết nhìn ra xung quanh, được diễn tả như đôi cánh của đức ái. Chính sự cảm thông này là một nhân đức nổi bật nơi Đức Maria, với một trái tim mẫu tính quảng đại, Mẹ thấu hiểu trước những thiếu thốn của nhân loại và cảm thông trước những nỗi đau của nhân loại để khẩn cầu Đức Giêsu Con yêu dấu của Mẹ trợ giúp họ[3].

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi an ủi, sẻ chia, giúp đỡ anh chị em nghèo khổ xung quanh với tất cả sự thân thương và kính trọng họ.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con sống quảng đại và cảm thông như Mẹ, biết quan tâm đến nhu cầu của mọi người và nhạy bén với mọi nỗi đau khổ, để yêu thương phục vụ trở thành con đường đưa con đến gặp Chúa ở đời này và đời sau. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/827470198116163)

[1] X. Ga 12,8
[2] VS XII,271
[3] X. Thông Điệp Redemptoris Mater  số 21.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *