fbpx

SỐNG TUẦN THÁNH VỚI THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ

Tuần Thánh là khoảng thời gian Giáo hội mang đến cho chúng ta cơ hội đào sâu mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu, thông qua việc chiêm ngắm và cử hành Mầu Nhiệm Vượt qua. Mục đích là để chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu (Gl 4,19) và do đó, tháp nhập vào cuộc đời Chúa Giêsu, một cuộc đời được dâng hiến cho tình yêu. Thánh Vinh Sơn đã nói về thực tại này như sau: Tôi cầu xin Chúa chúng ta làm cho chúng ta có thể chết đi chính mình để sống lại với Người, xin Người là niềm vui của tâm hồn chúng ta, là cùng đích và sức sống cho mọi hành động của chúng ta và là vinh quang của chúng ta trên thiên đàng. Điều này sẽ được nhận lời, nếu kể từ bây giờ, chúng ta hạ mình xuống như Người đã làm, nếu chúng ta từ bỏ ý riêng và vác thập giá nhỏ bé của chúng ta để bước theo Người, và nếu chúng ta sẵn sàng dâng trao cuộc sống của chúng ta cho Người, như Người đã dâng trao cuộc sống của mình cho những người lân cận với chúng ta. Người đã yêu thương họ quá nhiều và Người muốn chúng ta cũng yêu thương họ như chính mình. (CCD III, 616)

Ở đây, chúng tôi đưa ra một bản tóm tắt ngắn gọn về ý nghĩa tâm linh của mỗi ngày trong Tuần Thánh, để chúng ta có thể sống những ngày này dưới sự soi sáng của Lời Chúa, được nuôi dưỡng bởi Phụng vụ và được gợi hứng bởi linh đạo Vinh Sơn. Hoa trái mà chúng ta mong đợi sẽ gặt hái chính là càng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, Đấng mời gọi chúng ta nhìn ra những dấu chỉ mới của sự phục sinh giữa những bóng đêm của lịch sử hiện tại.

Chúa Nhật Lễ Lá

Chúng ta bắt đầu Tuần Thánh với những cành lá dừa trong tay và tung hô: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa, khiêm nhường, trần trụi, bình thản, chấp nhập hy sinh mạng sống vì tình yêu, trong một cử chỉ thực sự tự do (Lc 19,28-40). Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu im lặng trước những kẻ tố cáo mình: lời biện hộ cho Người chính là lòng trung tín và đức chính trực của Người, là sự gắn kết giữa lời nói và hành động của Người. Chúa Cha biết và xác nhận Người. Nơi Chúa Giêsu, Đấng Messiah / Đấng Cứu Rỗi, chúng ta học được rằng không có gì quan trọng hơn một lương tâm ngay thẳng và một tấm lòng quảng đại, bởi vì sự sống triển nở và viên mãn theo mức độ được trao ban cho người khác. Chính vì lý do này mà thánh Vinh Sơn đã tuyên bố: chúng ta càng tước bỏ mọi thứ, giống với Chúa chúng ta bao nhiêu, thì chúng ta sẽ càng chia sẻ tinh thần của Người bấy nhiêu. (CCD VIII, 175)

Thứ Hai Tuần Thánh

Gần đến Giêrusalem và cảm thấy gánh nặng của cuộc bách hại, Chúa Giêsu dừng lại ở Bê-ta-ni-a, nơi đây, Người được bạn bè tiếp đón nồng nhiệt (Ga 12,1-11). Họ là những người không sợ hãi các nguy hiểm hiện tại. Họ học cách trở nên tự do giống như Thầy mình, tự do yêu thương, tự do phục vụ. Cử chỉ lặng lẽ và táo bạo của cô Maria, em của Matta và Lazaro, nhắc nhở Chúa Giêsu về việc xức dầu mà Người đã nhận được từ Chúa Cha… Chúa Giêsu được an ủi bởi hương thơm của dầu và hương thơm của một tình yêu thuần khiết và chân thành. Thế nhưng, Giuđa lại bị thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân. Con Thiên Chúa tiếp tục cuộc hành trình của mình. Hạt giống được gieo sẽ không bị mất đi, và hạt giống đó sẽ tiếp tục sinh hoa trái trong cuộc đời của những con người tự do dâng hiến bản thân cho người khác trong tự do yêu thương. Chúa Cha biết phải làm gì. Thánh Vinh Sơn muốn chúng ta trở thành những người bạn thật sự của Chúa Kitô: Tôi cầu xin Chúa chúng ta trở thành sự sống cho cuộc đời chúng ta và là nguồn cảm hứng duy nhất cho tâm hồn chúng ta. (CCD VI, 576) Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới trở thành những môn đệ – nhà truyền giáo đích thực.

Thứ Ba Tuần Thánh

Bóng đêm càng lúc càng bao phủ Chúa Giêsu… những lời bóng gió về sự phản bội đã làm cho các môn đệ bối rối (Ga 13-21-33, 36-38). Giuđa, kẻ được yêu và được chọn, đã để cho cái ác lấn át mình, tách mình ra khỏi Chúa và anh em, và thực hiện những gì ông đã dự tính. Lúc đầu, Phêrô tỏ ra rất can đảm, nhưng ngay sau đó đã chối bỏ Đấng mà trước đây ông tuyên bố sẽ thí mạng vì Người. Người môn đệ yêu dấu vẫn tựa vào ngực Chúa Giêsu, cố gắng tìm hiểu tâm hồn Người. Giữa các sự kiện ấy, Chúa Giêsu tỏ mình ra như là Đấng được Chúa Cha tôn vinh và sẵn sàng tôn vinh Chúa Cha… vinh quang của tình yêu, một tình yêu không thể bị phủ nhận bởi sự bất trung và chối bỏ của các môn đệ, một vinh quang đạt được sự tròn đầy khi hy sinh mạng sống mình. Chúng ta biết: cho dù được tán dương hay ruồng rẫy, không có gì cần thiết hơn là sống và hành động như Chúa chúng ta, ngõ hầu tinh thần của Người được thể hiện trong mọi sứ vụ của chúng ta. (CCD XII, 93)

Thứ Tư Tuần Thánh

Ngày nay, ở nhiều cộng đoàn Giáo Hội, thứ tư Tuần Thánh là ngày gặp gỡ giữa Đấng chịu khổ nạn và Mẹ sầu bi – cuộc gặp gỡ giữa tình yêu trao hiến và tình yêu nâng đỡ. Phải nói gì về các cuộc gặp gỡ của chúng ta: có thông truyền sự bình an không? Có thấm nhuần niềm hy vọng không? Có tạo ra niềm vui không? Chúng ta có biết làm cách nào để tiếp cận tha nhân trong lúc họ gặp hoạn nạn và đau khổ không? Chúng ta dâng trao cho họ điều gì khi chúng ta tiếp cận họ? Là sự hiện diện đầy cảm hứng của chúng ta? Là những lời an ủi? Hay là những cử chỉ khích lệ? Chúng ta hãy học hỏi từ cuộc gặp gỡ hôm nay, ở đó, lòng trung tín của Chúa Giêsu được tiếp thêm sức mạnh bởi lòng từ bi của Thân Mẫu Người. Đức Giáo hoàng Phanxicô dạy chúng ta rằng quyền năng biến đổi của sự dịu dàng không thể được thực hiện nếu như không có văn hóa gặp gỡ. Do đó, giống như Đức Maria, chúng ta hãy mặc lấy tinh thần của Chúa Giêsu Kitô, để những bước chân Người trở thành luật sống của chúng ta đang khi chúng ta tiến đến sự trọn hảo.

Thứ Năm Tuần Thánh

Hôm nay, chúng ta nhớ lại việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, Bí tích tình yêu biến thành phục vụ (Ga 13,1-15). Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, mạc khải một chiều kích mới của mầu nhiệm Người và năng động của tình yêu phân biệt những kẻ theo Người với những người khác: tiếp cận tha nhân và đồng hành với họ ngõ hầu trở nên giống như Chúa và Thầy của mình. Sứ vụ linh mục phải được xem xét từ viễn tượng đó. Linh mục là một con người yêu thương và phục vụ, một người nghèo làm cho người khác nên giàu, một tội nhân hòa giải người khác. Không có điều gì vị linh mục nhận lãnh lại có thể được giữ lại cho chính mình. Cuộc đời linh mục là quà tặng, là tấm bánh bẻ ra, là sự nối dài của Bí tích Thánh Thể, bởi vì Chúa Giêsu đã muốn đặt để nơi chúng ta hạt giống tình yêu, đó là sự tương đồng của chúng ta với Người.(CCD XI, 131)

Thứ Sáu Tuần Thánh

Hôm nay, chúng ta không cần phải nhiều lời khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa. Tình yêu, đã trở thành phục vụ trong việc rửa chân, giờ đây lại được trao hiến trên thập giá (Ga 18,1-19, 42). Điều này được thực hiện một cách tự do ngõ hầu nói với chúng ta rằng: chúng ta đã được hòa giải và được cứu độ bởi một tình yêu vô bờ bến. Đấng chịu đóng đinh đã tự mình gánh lấy nỗi đau đớn, sự thống khổ và niềm hy vọng của chúng ta… không có gì là không được chuộc lại. Vì thế, không ai phải cảm thấy bị bỏ rơi hay đơn độc: chúng ta có thể chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta ân sủng để vác thập giá mình không ngừng, theo sát Chúa Giêsu Kitô và sống như Người ở đời này và đời sau (CCD XII, 186). Qua cái chết của mình, Chúa Giêsu bước vào nỗi cô đơn vốn đang bị bủa vây bởi những bóng mây tăm tối và sợ hãi của chúng ta. Hôm nay, chúng ta hãy đặt mình dưới chân thập giá cùng với Đức Maria, Thân Mẫu Người, và với những người vẫn trung thành đến cùng. Khi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta hãy ý thức về tất cả những gì chúng ta đã lãnh nhận và những gì chúng ta phải làm để đáp lại một tình yêu vĩ đại như thế. Ước chi chúng ta học được cách đặt mình bên cạnh những người bị đóng đinh ngày hôm nay, và chúng ta làm thế với sự liên đới của Simon thành Xyrênê, với lòng trắc ẩn của những người phụ nữ đã theo Chúa Giêsu, và với sự điềm tĩnh mạnh mẽ của Đức Maria, Thân Mẫu Chúa.

Thứ Bảy Tuần Thánh

Một sự im lặng to lớn bao trùm trái đất. Bằng việc đi vào bóng đêm sự chết, Con Thiên Chúa đã đi xuống tận cùng vực thẳm của sự tồn tại. Những kẻ bước theo Chúa Giêsu lúc ban đầu đã xem thập giá như là kết thúc bi thảm của sự sống, hy vọng và tình yêu. Một thất bại không thể chấp nhận! Thắng lợi của tội lỗi và cái ác đã đưa đến cái chết phi lý của những ai chỉ biết làm điều tốt lành. Đó không thể là kết thúc của Đấng được Chúa Cha hứa cho chỗi dậy và trao quyền vượt trên các tà thần. Trong đêm thánh này, ánh sáng đẩy lui bóng tối, vinh quang và lời ca tụng phá vỡ sự im lặng, cô đơn trở thành hiệp thông, vẻ đẹp và sự tốt lành nở rộ, sự sống được khoác lên với tất cả sự huy hoàng của nó. Chúa Kitô Phục sinh mở ra cho chúng ta cánh cửa của tình yêu vĩnh cửu, của hòa bình vô tận, của hy vọng không lừa dối, của chiến thắng cuối cùng. Trong ánh sáng đức tin, bóng đêm càng tăm tối thì bình minh của ngày mới càng đầy hứa hẹn. Không có gì tuyệt vời hơn khi lắng nghe lời công bố vượt qua này của thánh Vinh Sơn: Ước chi chúng ta được sống một đời sống thần linh hoàn toàn mới mẻ trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết. Hãy nài xin Người ban cho tất cả chúng ta ân sủng để chúng ta có thể không ngừng khao khát và mong mỏi những điều trên, và để chúng ta có thể theo đuổi đường lối đó thông qua các sứ vụ của chúng ta, ngõ hầu lôi kéo những người khác về thiên đàng. (CCD VIII, 325)

Vinícius Augusto Teixeira, CMVinicius Teixeira, CM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *