30.3.2021 – THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38
“Có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (Ga 13,21c)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Thánh Ða-minh Nguyễn Văn Xuyên (Ðoàn), là một linh mục dòng Đa-minh, đã bị một người từng là giáo lý viên tố cáo với quan để kiếm tiền thưởng. Cha được lãnh phúc tử đạo ngày 26.11.1839, sau hơn 3 năm bị giam giữ trong tù ngục.[1] Không chỉ có thánh Đa-minh Xuyên, rất nhiều vị tử đạo Việt Nam đã bị những người từng là thân cận bán đứng như thế, cũng giống như Thầy Giêsu bị Giuđa Iscariôt phản bội.
Dù đã biết trước, nhưng Chúa Giêsu hết sức tế nhị khi nhắc nhở người môn đệ tín cẩn của mình đang sắp sẩy chân vào hố sâu tội lỗi. Người không chỉ đích danh Giuđa ngay từ đầu, nhưng chỉ nói chung: “…có một người trong anh em sẽ nộp Thầy!” Người khẳng định, nhưng không chỉ định, không chụp mũ hay dán nhãn người nào, bởi tất cả 12 người đều là đệ tử thân tín của Thầy, và Thầy không muốn bất cứ ai rơi vào cái tội phản trắc tày đình ấy! Chắc chắn Thầy đang nhìn từng người môn đệ với cái nhìn đầy ắp tình thương, để bất cứ ai khi lỡ lầm, cũng có thể tìm được sự cảm thông và tha thứ mà vững lòng sám hối, cậy trông.
Nhưng, người môn đệ phản bội ấy là ai? Chính Giuđa, người môn đệ được Thầy tín nhiệm giao phó túi tiền, là người thủ quỹ của nhóm, đã nhen nhúm những dự tính riêng trong lòng… Nhưng anh vẫn yên tâm vì Thầy không “lột mặt nạ” của anh trước cộng đoàn, anh yên tâm vì Thầy nhân từ dễ tha thứ, hay anh quyết tình làm ngơ trước tình thương như van lơn của Thầy, quyết tình không bước chung nhịp với Thầy rồi!
Trong khi đó, mười một môn đệ khác đều tự vấn mình trước Lời của Thầy, vì các ông cảm nhận và hiểu được tình thương, sự tín nhiệm của Thầy dành riêng cho mình. Phúc âm Nhất Lãm kể rằng: mỗi người đều lần lượt hỏi: “Thưa Thầy, có phải con không?”[2] Nhận biết tình thương của Thầy chính là lý do để các ông khiêm tốn, ý thức mình bất xứng và giòn mỏng, rất dễ sa ngã và phản bội Thầy bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, cách huấn luyện của Thầy dành cho mỗi người mỗi khác: với Giuđa, Thầy tế nhị bao nhiêu thì với Phêrô, Thầy lại thẳng thắn “cho roi cho vọt” bấy nhiêu. Chính khi Phêrô tự tin vào tình yêu và sự trung thành của mình đối với Thầy, thì Chúa báo trước cho ông biết: ông sẽ nhiều lần “lỗi nhịp”, khi “gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” Giuđa cần một tình thương tế nhị, Phêrô lại cần một tình thương thẳng thắn và công khai. Còn tôi, Chúa đang tỏ tình thương của Người với tôi bằng cách nào?… Chúng ta cần đặt mình trước tình thương của Chúa và để cho Lời Chúa chất vấn chính mình. Làm sao để mỗi câu Lời Chúa là từng lời Chúa nói với lòng tôi, với chính tôi chứ không phải với ai khác. Làm sao để ta “mang lấy trong mình những tâm tình của Đức Giêsu”,[3] để luôn bước chung nhịp với Chúa.
Mẹ Maria đã luôn lắng nghe và ấp ủ Lời Chúa tận đáy lòng. Mẹ chấp nhận để cho Lời Chúa cư ngụ không chỉ trong lòng mà trong tâm hồn Mẹ. Chính Lời Chúa là trung tâm của cuộc đời Mẹ, và mọi hành vi, lời nói của Mẹ đều quy chiếu về trọng tâm duy nhất ấy. Kể từ khi Ngôi Lời Thiên Chúa đến ngự trong lòng Mẹ, Mẹ đã luôn lắng nghe, sống theo và sống với Người. Trái tim của Mẹ chung một nhịp đập với Con, và lòng Mẹ chung một ý chí, một tình yêu với Con khi hướng về Chúa Cha và cả khi hướng về nhân loại. Mẹ hòa nhịp với Con cả khi dưới chân thánh giá, khi Con tắt thở thì tim Mẹ như cũng ngừng đập vì mũi gươm vô hình. Tình yêu trung thành đó, Mẹ đã tỏ lộ cho chúng ta qua mặt sau của Mẫu Ảnh Phép Lạ.[4]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu qua các cử hành Phụng vụ trong Tuần Thánh.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con một trái tim bén nhạy trước những lời nhắc nhở của Chúa, và mau mắn sám hối cách chân thành. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/842972689899247)
[1] X. https://www.giaophanbaria.org/tdvn/tdvn-op.htm Thánh Đaminh Nguyễn văn Xuyên.
[2] X. Mt 26,22; Mc 14,19; Lc 22,23
[3] X. Phaolô 2,5
[4] X. https://gdanhducmebanon.org/gioi-thieu-ve-anh-duc-me/