fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC CHỨNG NHÂN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 
1591-1660

Bạn thân mến,
Trong tông sắc “Dung mạo lòng thương xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô ước ao cho mọi tín hữu “cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa là Đấng an ủi, thứ tha và trao ban niềm hy vọng[1]. Ước mơ này của Đức Thánh Cha đã trở thành hiện thực nơi thánh nữ Louise de Marillac. Vì qua những biến cố đau thương trong cuộc đời mình, Louise de Marillac đã đi từ ngỡ ngàng đến đón nhận, cầu nguyện và cảm nghiệm được sự an ủi, lòng thương xót của Thiên Chúa, làm cho ngài luôn hy vọng vào một Thiên Chúa luôn quan tâm đến những người bé mọn. Ngài đã truyền lại ngọn lửa thương xót này cho biết bao người lam lũ khổ đau khác.

Thật vậy, vừa mở mắt chào đời, Louise đã là con ngoại hôn và suốt đời không biết mẹ mình là ai. Đây thật sự là một nổi đau đớn tủi hờn cho một con người, cách riêng thời thơ ấu  ! Còn cha cô thì sao ? Ông rất yêu thương con gái của mình nhưng không thể chăm sóc cô như một người mẹ. Hơn nữa ông lại cưới vợ, nên ngay từ ấu thơ bé Louise phải rời xa người cha thân yêu, đến sống nội trú ở trường học do các nữ tu Đa minh trông coi. Khi lên 13 tuổi, cha cô qua đời, không còn đủ điều kiện học nội trú tại trường quý tộc, cô phải đến một nhà trọ nghèo, vừa học công việc thêu thùa may vá, vừa phụ giúp cô giáo để mưu sinh.       

Dù sống trong môi trường nào, mặc cảm về lý lịch bản thân vẫn đè nặng trên Louise. Cô ước mong được Chúa thứ tha và giải thoát, vì từ thuở nhỏ, cô đã yêu thích tìm đến với Chúa để chiêm ngắm và trò chuyện với Ngài cách dễ dàng. Nhờ những giây phút chìm sâu trong Chúa, nhất là khi suy gẫm về Bí Tích Rửa Tội, Louise hiểu rằng cô đã trở nên con Chúa và được Chúa yêu thương. Ngài là Thiên Chúa đầy nhân hậu và dịu hiền. Chính khi khám phá ra gương mặt khoan dung, nhân hậu này của Thiên Chúa, cái nhìn của cô về lý lịch bản thân được thay đổi. Cô không bất mãn, nổi loạn, nhưng từng bước cô đón nhận tình yêu thương xót của Thiên Chúa, vị Thiên Chúa là Cha của những trẻ mồ côi, vị Thiên Chúa xót thương. Nơi Người vừa có tình cha vừa có tình mẹ.

Ước mơ dâng mình cho Chúa trong Đan Viện không thành sự, cô lập gia đình với Antoine Legras. Tổ ấm mới hứa hẹn nhiều niềm vui và hạnh phúc, nhất là khi đôi vợ chồng trẻ này đón nhận sự ra đời của bé Michel. Nhưng than ôi! Không lâu sau đó, hai vợ chồng khám phá ra con mình chậm phát triển. Tiếp đến, Antoine bắt đầu ngã bệnh, tính tình thay đổi, ông trở nên cáu gắt, nóng nảy, khó chịu, rầy rà vợ con…

          Đây thật sự là một thánh giá quá nặng đối với Louise. Cô lo lắng, buồn phiền, ẩn mình trong kinh nguyện, mặc cảm do tội lỗi của mình gây ra những đau khổ này làm cô bị ray rứt, chao đảo trong đêm tối đức tin!!!

Cô tìm đến ẩn náu bên Chúa và quả thật, cô đã để cho lòng thương xót, sự kiên nhẫn, sự dịu hiền của Chúa chiếm lấy tâm hồn cô. Từ từ ánh sáng của Chúa đã rực sáng lên trong  đêm tối âm u của tâm hồn cô. Cô đã cảm nếm sự an ủi, sự trìu mến của Thiên Chúa. Cô cũng  thể hiện những đức tính đó khi chăm sóc người chồng đang đau ốm của mình. Cô cũng nhận ra sự thay đổi nơi Antoine, ông trở nên dễ chịu hơn và tin tưởng phó thác vào Chúa hơn và cuối cùng ông đã xin cô cầu nguyện cho ông và “ra đi” bình an. Lúc này cậu con trai được 12 tuổi, cô càng lo lắng làm sao biết cách chăm sóc con đây ? Cô ước ao cho con trở thành linh mục. Nhưng phần Michel thì sao? Càng lớn lên, cậu càng thấy ước muốn của mẹ là điều không thể đối với cậu. Mâu thuẫn giữa hai mẹ con trở nên trầm trọng khi cô biết rằng: Michel thà chết còn hơn là phải làm linh mục! Cậu đã cãi vả với mẹ mình và bỏ đi. Sáu tháng sau, Michel trở về, cô vui mừng khi gặp lại con như người cha nhân hậu gặp lại đứa con đi hoang, cô đã mở rộng vòng tay yêu thương tha thứ cho con. Một lần nữa trong hoàn cảnh khó khăn, việc chiêm ngắm mầu nhiệm tử nạn của Chúa Giê-su trên Thánh Giá đã giúp cô vượt qua đau khổ của một trái tim bị tan nát vì con, chỉ còn lại lòng khoan dung dành cho con. Đó đích thực là lòng thương xót bao la!

Chính Chúa đã cho Louise niềm an ủi và hy vọng. Tháng 01/1650, cậu con trai Michel làm lễ cưới và năm sau Louise vui sướng chào đón sự ra đời của cô cháu gái, bé Louise-Renée. Cháu bé này đã đem lại nhiều niềm vui cho bà nội!

Louise hiểu rằng tình yêu Chúa không giới hạn trong một kinh nghiệm thiêng liêng, nó phải được cụ thể hoá trong hành động bác ái bên cạnh những người anh chị em. Bà không nói nhiều về lòng thương xót nhưng bà đã khám phá ra điều này khi gặp gỡ cha Vinh Sơn và khi người hướng bà đến với việc phục vụ người nghèo. Bà thăm viếng bệnh nhân, gặp gỡ các bé gái nghèo không được đi học và cố gắng tìm một cô giáo để dạy học cho các bé, nuôi nấng chăm sóc các bệnh nhân, các trẻ em bị bỏ rơi…

Sự hăng say của bà có sức lôi cuốn, thu hút được nhiều thiếu nữ đến xin đi theo và sống cuộc sống yêu thương-phục vụ như bà đang sống… Khi thấy có nhiều người bất hạnh được yêu thương chăm sóc, bà cảm nhận rằng: Thiên Chúa xót thương những ai đau khổ, Người không bỏ rơi kẻ có tội và người khốn cùng. Bà thường nhắc nhở các thiếu nữ vì tình yêu Chúa hãy thực hành sự dịu dàng với những người nghèo và với tất cả mọi người; và hãy cố gắng làm vui lòng họ bằng lời nói cũng như việc làm. Và khi thấy dù có nhiều trở ngại, nguy hiểm, các bà trong hội Bác Ái vẫn đến cứu đói những người khốn khổ do chiến tranh, bà càng khám phá ra lòng thương xót sâu đậm của Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi con cái của Người.

Tóm lại, bằng kinh nghiệm cá nhân, bà Louise đã khám phá ra “Dung mạo lòng thương xót” của Chúa Cha: đó chính là Chúa Giê-su. Chính tình yêu thương xót này chạm đến thâm sâu nơi con người của bà, làm cho bà tin tưởng vượt lên trên mọi đau khổ gặp phải trên đường đời và đón nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi những ai cậy trông nơi Người. Bà hiểu rằng Chúa muốn bà đón nhận giới hạn của bản thân, đồng thời cũng biết nhận ra những hồng ân Chúa ban cho. Điều mà bà xem như là tội lỗi làm cho bà mặc cảm trước đây thì giờ trở thành lý do để sống khiêm hạ. Bà tâm sự: “Tôi trông cậy vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa của tôi, tôi hết lòng cầu xin sự tha thứ của Người”. Một khi đã trải nghiệm Lòng Thương Xót Chúa đối với bản thân qua những khó khăn, thử thách trong cuộc đời; bà đã trở nên chứng nhân truyền tải sự an ủi, thứ tha của Thiên Chúa và trao ban niềm hy vọng đến những ai bà gặp gỡ. Ngoài ra, bà còn sử dụng tài năng Chúa ban để thể hiện Lòng Thương Xót Chúa qua bức tranh Chúa Giêsu  mang thương tích vì yêu thương con người.


[1] DMLTX, số 3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *