“CẦU CHO CÁC QUỐC GIA BIẾT ƯU TIÊN LO CHO TRẺ EM”
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là khẩu hiệu thể hiện tầm quan trọng của trẻ em đối với xã hội, cũng như bổn phận của xã hội đối với trẻ em. Đấy là tương lai của nhân loại, của thế giới, của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng và mỗi gia đình… Vì vậy, nâng cao việc chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng là trách nhiệm của những người lãnh đạo quốc gia và toàn xã hội. Liên Hợp Quốc đã thông báo rằng:Trẻ em có quyền được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt, tất cả trẻ em trong hay ngoài giá thú đều được hưởng sự bảo trợ xã hội như nhau.”[1]

Nhiều thập kỷ qua, việc chăm sóc trẻ em ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đã được quan tâm ở những mức độ khác nhau, nhưng do các yếu tố chủ quan và khách quan như thiên tai, mất mùa, chiến tranh, hoặc do trình độ dân trí thấp… trẻ em vẫn còn phải gánh chịu những nỗi đau, những thiệt thòi. Trẻ em vẫn bị đói rét và vẫn bị giết hại trong những cuộc chiến, thậm chí vẫn bị bắt buộc cầm súng ra trận, hoặc phải tự lao động nuôi thân quá sớm, hoặc bị mua bán, xâm hại…

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990[2]. Từ đó đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong việc đưa tinh thần và nội dung của công ước vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và luật pháp quốc gia để bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em. Trẻ em được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn, trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ của người lớn, mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển.

Cách đây 30 năm, trong bối cảnh trật tự thế giới thay đổi – sự sụp đổ của Bức tường Berlin, sự suy tàn của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid, sự ra đời của mạng lưới toàn cầu world wide web – thế giới đã đoàn kết lại để bảo vệ trẻ em và tuổi thơ của các em[3]. Mặc dù phần lớn những bậc cha mẹ thời kỳ đó đã lớn lên dưới sự lãnh đạo của những chế độ độc tài hay những chính phủ thất bại, họ vẫn hy vọng cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều cơ hội hơn và nhiều quyền được thực hiện cho con em của mình. Vì vậy, khi các vị lãnh đạo toàn cầu đoàn kết lại vào năm 1989 trong một dịp rất hiếm hoi nhằm đưa ra một cam kết mang tính lịch sử đối với trẻ em thế giới để bảo vệ và thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, chúng ta có một sự hy vọng thực sự cho thế hệ mai sau.

Số trẻ em không được đi học tiểu học trên thế giới vẫn còn rất nhiều, trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn hàng triệu em. Bệnh bại liệt đã gây tổn thương cơ thể hoặc cướp đi mạng sống của hàng ngàn trẻ em mỗi ngày và còn nhiều những ca tử vong vì những căn bệnh khác có thể chữa trị được và từ những nguyên nhân có thể phòng tránh được, rất nhiều thiếu niên và nhi đồng trên thế giới phải đối mặt với bạo lực trong và xung quanh trường học”[4].

Thế hệ của những trẻ em của thế giới hôm nay, đang phải đối mặt với hàng loạt những thách thức mới và thay đổi toàn cầu mà thế hệ của cha mẹ các em không thể tưởng tượng được. Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn chúng ta có thể nhận thấy. Bất bình đẳng ngày càng trở nên sâu sắc. Công nghệ đang làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Ngày nay, số lượng các gia đình di cư nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác. Tuổi thơ của trẻ em đã thay đổi về độ tuổi cũng như về phong cách thể hiện theo lứa tuổi; chúng ta cũng cần thay đổi cách tiếp cận với các em trong bối cảnh mới này.

Chặng đường 30 năm thực hiện công ước về quyền trẻ em, khi nhìn về tương lai phía trước, chúng ta cầu xin cho các lãnh đạo quốc gia biết lắng nghe tiếng nói của trẻ em, thấu hiểu các em về những vấn đề mà các em quan tâm nhất và bắt đầu hợp tác cùng các em để tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong quá khứ:

  • Chúng ta phải giúp các em chia sẻ các vấn đề tinh thần một cách dễ dàng,
  • Có rất nhiều trẻ em phải sống và học tập ở các khu vực có xung đột và thảm họa
  • Hàng ngàn trẻ em sẽ chính thức không bao giờ tồn tại, trừ khi chúng ta hành động,
  • Chúng ta cần các kỹ năng tiếp cận trẻ em trong thời kỳ mới cho một thế giới mới.

Một thực tế cho thấy: “Ai làm chủ giáo dục người đó có thể thay đổi Thế giới”[5] Điều gì đã tạo ra những sự khác biệt về phẩm chất cơ bản của con người và tương lai của trẻ em ở ba đất nước tiêu biểu như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Do Thái? Chắc chắn sự khác biệt đó là do nền giáo dục, giáo dục trong gia đình, ở nhà trường và ngoài xã hội. Từ nhiều đời nay, cha ông ta đã biết tầm quan trọng của giáo dục, bao gồm giáo dục con người, giáo dục nhân cách và tri thức, giáo dục sức khỏe và thẩm mỹ, ngày nay người Nhật còn đưa thêm nội dung giáo dục ẩm thực. Việc giáo dục không chỉ bắt đầu thực hiện từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học mà cần phải dạy cho trẻ ngay từ thuở lọt lòng. Nhiều nhà giáo dục nói rằng: “đến ngày thứ 3 bắt đầu dạy con thì đã chậm mất hai ngày”.

Tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm và hướng tới một nền giáo dục toàn diện nhằm đào tạo ra những con người có tư cách đạo đức tốt, hiểu biết các  nguyên tắc ứng xử, có sức khoẻ và trí tuệ… Tuy nhiên, mỗi quốc gia có những nét khác nhau trong cách dạy dỗ và giáo dục văn hóa trong gia đình, ở nhà trường và ngoài xã hội cho các thế hệ tiếp nối và tất yếu tạo ra những con người có những phẩm chất cơ bản khác nhau và tương lai của trẻ em mà chúng ta có thể nhận thấy rất rõ nét qua nghiên cứu cách giáo dục và định hướng của ba quốc gia điển hình nói trên.

Chừng nào trên trái đất còn trẻ em bị ngược đãi, bị bắn giết; chừng nào trẻ em còn chưa được tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển đúng cách thì Công Uớc của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em vẫn là tiếng chuông báo hiệu, nhắc nhở mọi người, cách riêng là nhắc nhở các nhà lãnh đạo quốc gia hãy vì một tương lai tốt đẹp của xã hội và thế giới mà ưu tiên chăm sóc các trẻ em.

Hơn thế nữa, cách đây 21 thế kỷ, vị Tôn Sư Tối Cao Giêsu đã nhắn nhủ: “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy…Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này ; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.[6]

Tuấn Minh


[1] Trẻ em cũng cần được bảo vệ – Bài dự thi mã số QCN&T000017
[2] Công ước về Quyền trẻ em – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
[3] Trẻ em cũng cần được bảo vệ – Bài dự thi mã số QCN&T000017
[4] Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF,  8 lý do tôi lo lắng và hy vọng vào thế hệ tương lai.
[5] Gottfried Leibniz, Nuôi dạy con ở các nước trên thế giới – Trường Quốc Tế Nhật Bản
[6] Mt 18. 5.10