Không ít lần chúng ta được nghe những lời như “theo đạo Công Giáo thì phải bỏ ông bà” hoặc “tôi cũng muốn theo đạo Công Giáo để kết hôn với cô ấy, nhưng vì là con trai trưởng, phải ‘nhang đèn’ cho cha mẹ”, nên không thể…

 Nói như thế là chỉ đúng theo cái nhìn chủ quan, chứ thật ra, ngay từ đầu của Lịch Sử Cứu Độ, dân Israel đi trong sa mạc, đã được Thiên Chúa ban cho MƯỜI ĐIỀU RĂN, trong đó điều răn thứ bốn là phải hiếu thảo với cha mẹ: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi”.[1]  Thảo kính cha mẹ” là điều răn quan trọng nhất trong 7 điều phải thực thi đối với con người, vì nó đứng  ngay sau 3 điều răn phải làm đối với Thiên Chúa.

Đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng xác định giá trị của giới răn này và không gì có thể thay thế được bổn phận thảo hiếu cha mẹ[2].

Thánh Phaolô cho chúng ta thấy việc hiếu thảo với cha mẹ là điều đẹp lòng Thiên Chúa: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa[3]  và là điều phải đạo: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo[4].

Đức Tin Công Giáo dạy chúng ta sự hiếu thảo này không phải chỉ thể hiện ra qua việc quan tâm chăm sóc khi các ngài còn sống nhưng còn cả khi các ngài đã khuất bóng. Sách  Macabê kể lại: “Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng lễ đền tội ; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi[5].

 Chính vì thế, ngoài truyền thống tốt đẹp của người Công Giáo là cầu nguyện và xin lễ trong năm cho người đã khuất, nhất là vào những dịp giỗ chạp của cha mẹ hoặc người thân; Giáo Hội Việt Nam đã hội nhập văn hóa “hiếu thảo” này, dành riêng ngày mồng 2 Tết hằng năm để kính nhớ Tổ Tiên, Giáo Hội hoàn vũ để nguyên Tháng Mười Một cho việc “báo hiếu” tổ tiên, cha mẹ cách riêng, và cho các linh hồn nơi luyện tội, nói chung; qua lời cầu nguyện, thánh lễ, viếng nghĩa trang … Đây thật là dịp tốt để chúng ta thể hiện Đức Ái Ki-Tô giáo với những người đã qua đời, trong tinh thần “các thánh cùng thông công”.

Chứng từ của một gia đình Công Giáo:
Trong cuộc sống gia đình tôi, khi dâng các việc lành phúc đức và lời cầu nguyện cho những người thân thuộc, cách riêng cho tổ tiên ông bà nội ngoại đã qua đời là chúng tôi sống Lời Chúa, là trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn, lòng thảo hiếu, và lòng bác ái đối với các ngài, đồng thời cũng là cách để chúng tôi gián tiếp tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công, vào lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, vào sự sống lại và sự sống vĩnh cửu.

Trong tháng  Các Linh Hồn, gia đình chúng tôi luôn có thói quen xin tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa thanh tẩy những tội lỗi của các linh hồn những người thân thuộc, những người đã sống trong cộng đoàn giáo xứ chúng tôi, còn đang trong chốn luyện hình, và đưa các linh hồn vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên đàng, được “chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa Cha”.  Và chúng tôi cũng cầu xin Chúa, qua lời cầu bầu của các thánh, nhất là của Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng giáo xứ, và các thánh tử đạo Việt Nam, giúp chúng tôi cố gắng và thành tâm sống chân lý, giới răn “Mến Chúa Yêu Người”, và gia đình chúng tôi cũng luôn ý thức và sống hiếu thảo với những người đã qua đời là tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân thuộc. Xin cho ánh sáng tình yêu của Chúa chiếu soi trên linh hồn những người thân yêu.
Ca dao Việt Nam chúng ta có câu: “Con người có tổ, có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Như vậy, việc kính nhớ tổ tiên ông bà chính là bản chất của con người.

 Chẳng vậy mà ngay từ lúc ấu thơ, chúng ta đã được nghe tiếng mẹ ru và sau này lớn lên, từng học nằm lòng câu ca dao:

“Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu
Có tổ tiên trước rồi sau có mình”[6]

Với niềm xác tín này, lúc ông bà cha mẹ còn sống, con cháu chúng tôi luôn phụng dưỡng và tuân theo những lời dạy dỗ của các ngài; phải lựa ý để chiều chuộng các ngài, ăn ở sao cho các ngài được hài lòng. Khi các ngài nằm xuống, ngoài việc lo ma chay chôn cất, con cháu còn phải kính nhớ, cầu nguyện hằng ngày và xin lễ cho các ngài vào những dịp giỗ chạp hay Tết nhất.

Do đó, việc kính nhớ tổ tiên ông bà luôn được duy trì từ lòng thành kính biết ơn của mọi thế hệ con cháu và là dịp lễ hội đầm ấm của gia đình. Những ngày lễ này là dịp để mọi người trong gia đình quây quần bên nhau trong tình yêu thương hiệp nhất, kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm của người đã khuất, những lời dạy dỗ của các ngài, chung vui sẻ buồn với nhau, làm cho mối dây liên kết mọi người ngày càng bền chặt hơn. Ngay từ thời Cựu Ước, tình yêu thương hiệp nhất này trong gia đình đã được cảm nhận và tôn vinh, được thể hiện qua lời vịnh gia: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”[7].

Tuấn Minh, tháng các linh hồn 2019

Xin chân thành cám ơn gia đình bạn Tuấn Minh và biết bao gia đình Công Giáo khác đang sống CHỮ HIẾU  theo lời Chúa dạy và đã chứng tỏ rằng khi TIN THEO CHÚA thì không hề bỏ bê tổ tiên ông bà; ngược lại, con cháu luôn ôm ấp sự kính nhớ tổ tiên ông bà và hằng ngày đưa ông bà vào vòng tay yêu thương của Thiên Chúa và sự kính mến biết ơn của con cháu qua các thế hệ.


[1] Xh 20,12
[2] X. Mt. 15, 4-
[3] Cl 3, 20
[4] Ep 6,1
[5] 2 Macabê 12, 43-45 
[6] https://lazi.vn/cdtn/d/12483/cay-co-goc-moi-no-nganh-xanh-ngon-nuoc-co-nguon-moi-be-rong-song-sau
[7] Tv 133, 1