CÙNG MẸ MARIA
CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CHÚNG TA


Quả cầu mà con thấy đây là thế giới và mỗi người trong đó, cách riêng.”[1]

Các bạn thân mến,
Trước nạn đại dịch Covid-19 tái bùng phát, chúng ta đã thể hiện đức tin vào Thiên Chúa khi cùng nhau dâng lên Ngài những lời nguyện cầu tha thiết, qua sự chuyển cầu rất thần thế của Đức Maria, xin Thiên Chúa dủ lòng thương xót chữa lành các bệnh nhân, ban bình an cho những nhân viên y tế và cho đại dịch mau chấm dứt…

Lời cầu nguyện của chúng ta chắc chắn sẽ được Chúa nhậm lời. Tuy nhiên, Chúa muốn chúng ta kiên trì cầu nguyện như gương ông Môsê khi xưa[2] (xem lời dẫn nhập vào Tuần Cửu Nhật). Hơn nữa, chúng ta cần có thời gian để thấm thía các bài học từ đại dịch virus corona: sự bất lực của con người trước con virus bé xíu mắt thường không nhìn thấy được này, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định: Giống như một cơn bão bất ngờ, cơn khủng hoảng virus corona đã khiến tất cả chúng ta ngạc nhiên, khi đột ngột thay đổi, ở cấp độ toàn cầu, cuộc sống cá nhân, công cộng, gia đình và công việc của chúng ta.[3]

Chính vì thế, ngàisuy tư rằng thời gian thử thách này cho chúng ta cơ hội để hướng cuộc sống chúng ta trở về với Thiên Chúa; nó mời gọi chúng ta dùng cuộc sống phục vụ tha nhân, ý thức những bất công và thức tỉnh trước tiếng kêu của người nghèo và trái đất bị đau bệnh.”[4]

Là con cái của Đức Mẹ trong Gia Đình Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn, chắc chắn các bạn còn nhớ, khi hiện ra với thánh nữ Catherine Labouré lần thứ hai vào chiều ngày 27.11.1830, Đức Mẹ cầm trên đôi tay một quả cầu bằng vàng, bên trên có gắn cây thánh giá, để tiến dâng lên cho Thiên Chúa. Đức Mẹ giải thích cho Sơ Catherine Labouré: Quả cầu mà con thấy đây là thế giới và mỗi người trong đó, cách riêng”. Cây thánh giá đứng trên quả cầu biểu lộ cuộc thương khó và phục sinh của Chúa Giêsu dành cho thế giới này, chỉ vì Ngài yêu thương con người và chấp nhận hy sinh chết để cứu chuộc chúng ta. Sau đó, quả cầu trên tay Mẹ biến đi, hai tay Mẹ chiếu xuống trái đất với những tia sáng, tượng trưng cho những hồng ân Chúa ban xuống cho nhân loại qua tay Mẹ; đồng thời Mẹ đứng trên quả cầu đó, chân đạp lên một con rắn đang quằn quại rình cắn gót chân Mẹ, như đã được tiên báo ngay sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” [5]

Là một thiếu nữ Do Thái trong một gia đình đạo đức, con gái của hai cha mẹ thánh thiện Gioakim-Anna, Cô Maria đã thuộc nằm lòng những trang Kinh Thánh trình thuật về sự sáng tạo trời đất muôn vật với lời kết thúc này: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!”. 


“Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!”
St. 1,31

Hơn ai hết, Đức Maria đã hiểu về kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trên thế giới loài người. Từ sau biến cố “Truyền Tin” Mẹ càng xác tín hơn về kế hoạch đó đã bị chính con người phá đổ, Con của Mẹ là Chúa Giêsu  Kitô đã nhập thể để cứu chuộc và tái phục hồi. Mẹ luôn liên kết  chặt chẽ với Con của Mẹ trong công việc cứu chuộc và tái phục hồi này, chỉ vì Mẹ yêu thương trái đất này và mỗi người con của Mẹ trong đó. Thật vậy, vì yêu thương Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và con người, để cùng nhau sống chung hạnh phúc với nhau và với Ngài, như trong một GIA ĐÌNH. Tiếc thay! Kế hoạch này của Thiên Chúa đã bị con người hủy hoại!!!

Con người đã không bảo vệ trái đất, ngôi nhà-ngôi vườn của mình, nơi mình đang náu thân, lại còn phá hủy nó. Phá hủy nó thì không còn chỗ ở nữa, như vậy là chính mình tự làm khổ mình và anh chị em của mình. Những hoàn cảnh này gợi lên tiếng rên siết của chị trái đất, liên kết với các tiếng rên siết của những kẻ bị bỏ rơi trên trái đất, trong tiếng khóc than yêu cầu chúng ta chuyển đi một hướng khác. Không bao giờ chúng ta lại đối xử tàn tệ và làm thương tổn ngôi nhà chung của chúng ta như trong hai thế kỷ qua.”[6]

Đúng là Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ cho chúng ta hưởng dùng. Nhưng Quyền lợi – nghĩa vụ luôn sánh đôi: quyền lợi hưởng dùng và nghĩa vụ chăm sóc. Chúng ta hãy CÙNG MẸ MARIA CHĂM SÓC “NGÔI NHÀ CHUNG” CỦA CHÚNG TA! Để có những hành động cụ thể và thực tiễn,  chúng ta cùng nhìn xem video Thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam” “Thông điệp về môi trường-sự thật kinh hoàng về rác thải”.

Thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam”


 

“Thông điệp về môi trường-sự thật kinh hoàng về rác thải”

 (Còn tiếp)


[1] Đức Mẹ nói với thánh nữ Catherine Labouré chiều 27.11.1830-cuộc hiện ra lần thứ hai.
[2] Xh 17, 8-13
[3] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-07/dtc-phanxico-hiep-thong-hy-vong-virus-corona.html
[4] Nt.
[5] St 3, 15
[6] ĐTC  Phanxicô, thông điệp Laudato Si’, số 53