NHỊP BƯỚC BÊN MẸ TIẾN VỀ GIÊRUSALEM
CHIÊM NGẮM CHÚA GIÊSU  NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI

Mấy ngày trước chúng ta đã chiêm ngắm Người đang cưỡi lừa vào thành Giêrusalem với phong cách một vị vua hiền hậu, khiêm nhu. Trước cảnh tượng lạ lùng này, cả thành náo động, nhiều người thắc mắc: “ÔNG NÀY LÀ AI VẬY?

Còn những người theo Chúa Giêsu thì tin rằng Người là Đấng Mê-si-a:  “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy”. Đúng vậy, Đức Vua Giêsu này đã ở lại trong đền thờ cả ngày hôm đó để dậy dỗ và chữa bệnh cho các “thần dân” của Người. Khi bóng chiều đã xuống, Người ra khỏi thành, đi về Bêtania và nghỉ đêm tại đây.

“…Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy”

Người được các bạn bè tiếp đón nồng nhiệt. Người đón nhận bầu khí vui tươi, niềm nở này và được an ủi trước tình bạn chân thành của ba chị em nhà Bêtania, tuy mỗi người diễn tả một cách khác nhau: “cô Mat-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quí giá xức chân cho Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau [1]. Trong khi đó, ông Giuđa là môn đệ của Chúa Giêsu, ông đã được Người gọi và chọn để đi theo và ở với Người trong suốt 3 năm, đã được cùng ăn cùng uống với Người, đã được nghe lời Người giảng dạy và được tin tưởng trao cho việc giữ quĩ tiền chung của cả nhóm. Than ôi! “ở gần lại hóa ra xa”! Không một cử chỉ thân tình yêu thương nào dành cho Thầy Giêsu; mà ngược lại, ông so đo tính toán coi tiền bạc trọng hơn Thày và muốn có nhiều tiền, nhưng lại nói trớ đi là để lo cho người nghèo. “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo ?[2] Chúa Giêsu đã thẳng thắn bênh vực hành động này của cô Maria: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có ; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”.[3]  

Chúa Giêsu  giảng dạy trong Đền Thờ

Đúng vậy, “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng [4].”Nhưng trước khi về với Chúa Cha thì phải hoàn tất kế hoạch yêu thương của Cha, kế hoạch của TÌNH YÊU DÂNG HIẾN. Vì thế, sáng sớm Chúa Giêsu  và các môn đệ lại đi vào thành[5]và Người giảng dạy trong đền thờ. Người “rút ruột” để dạy dỗ dân chúng, các môn đệ và chúng ta ngày nay, sống giới răn yêu thương như thế nào trong khi chờ đợi ngày cánh chung, nghĩa là ngày Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét thế gian cũng theo tiêu chuẩn bác ái yêu thương. Phúc Âm Thánh Mát-thêu gọi đây là diễn từ thứ năm[6].

Sau đó, Người cùng với các môn đệ chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua. Đó là lễ tưởng niệm việc Thiên Chúa giải thoát dân Chúa cách kỳ diệu ra khỏi kiếp nô lệ bên Ai Cập. Trong bữa ăn đó, Chúa Giêsu  đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể, một sáng tạo  của  tình yêu hiến dâng-phục vụ của Người, để Người ở lại với chúng ta mãi mãi:  “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.”  Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói : “Tất cả anh em hãy uống chén này,  vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.[7]

Kế đến, Tin Mừng Gioan ghi lại gương mẫu phục vụ của Thầy: “Chúa Giêsu đã đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.  Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”[8]. Thật là bất ngờ đối với các môn đệ và không hiểu được! Bình thường khi khách tới nhà, chủ nhà đưa nước cho họ tự rửa chân; đôi khi đầy tớ hoặc nô lệ làm việc này, nhưng không bao giờ chủ rửa chân cho đầy tớ hay môn đệ.

Có lẽ vì thế mà ông Phêrô phản kháng mạnh mẽ, rồi ông thuận theo tuy vẫn chưa hoàn toàn hiểu đúng ý định của Chúa Giêsu. Điều Chúa Giêsu thật sự mong đợi là thái độ khiêm nhường đón nhận ơn cứu độ của Phêrô : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.[9]

Qua hành động cụ thể này, Chúa Giêsu  muốn dậy các môn đệ và chúng ta bài học quan trọng của tình yêu hiến dâng – phục vụ: chúng ta phải phục vụ nhau như Người phục vụ chúng ta. Tinh thần khiêm nhường và phục vụ là dấu chỉ của người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Sau bữa ăn và sau những lời cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha,  “Đức Giê-su đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kít-rôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào.”



ĐÊM VƯỜN DẦU

Trong cô đơn, con kiếm tìm thánh ý
Đêm Vườn Dầu, con thầm thĩ nguyện xin
Chỉ mình Cha thấu biết mọi nỗi niềm
Xin lắng nghe tiếng lòng con thổn thức

Tội nhân thế khiến lòng con ray rứt
Nghĩa Thầy – trò cũng bạc trắng như vôi!
Kìa lạy Cha! Sao Cha nỡ im lời
Khi quanh con toàn tiếng la phản đối?

Mới tuần qua khi con vào thành nội
Biết bao người đã trải lối con đi
Tiếng reo hò, chúc tụng ấy là chi?
Mà giờ đây, con ê chề đau khổ!
Cha, Cha ơi! Chén đã tràn đắng cổ!
Cất cho con khỏi chén đắng, Cha ơi!…

Kẻ ngoại lai khinh ghét đã đành rồi,
Ngay bạn hữu cũng bỉu môi chối bỏ.
Cha, Cha ơi! Chén đã tràn đắng cổ!
Mang phận người tủi hổ lắm, Cha ơi!

Thêm sức cho con đi hết đường đời
Để yêu thương đến tàn hơi cạn máu
Cho thế nhân thấu tình Cha yêu dấu|
Con xin vâng, cho dẫu phải thiệt thân
Bởi ý Cha hơn ngàn lần sự sống.

Con hiến dâng một tình yêu say đắm
Tin yêu Cha trong sâu thẳm tâm hồn
Trong lòng Cha, cả vũ trụ càn khôn
Con yêu lắm, nên lòng con đau lắm
Con đang đau cái đau của lòng Cha!…

Con hiến mình làm Chiên Lễ Vượt Qua
Đây máu con đổ ra chuộc nhân thế
Kìa đòn roi đau đớn trong thân thể
Mảnh hồn này là hy lễ toàn thiêu.

Đơn Thành



[1] Ga 12, 2-3
[2] Ga 12, 5
[3] Ga 12, 7-8
[4] Ga 13, 1
[5] Mt 21, 18tt
[6] Mt 23-25
[7] Mt 26, 27-28
[8] Ga 13, 4-5
[9] Ga 13, 8b