NHỊP BƯỚC BÊN MẸ LEO NÚI
CHIÊM NGẮM CHÚA GIÊSU  BIẾN HÌNH

Mt 17, 1-8

Đầu mùa chay, chúng ta đã có dịp chiêm ngắm Chúa Giêsu vào hoang địa để chịu cám dỗ. Nhờ vào Lời Chúa, Chúa Giêsu đã chiến thắng quỉ 3 hiệp liên tiếp. Sau đó, Chúa Giêsu rời hoang địa và bắt đầu sứ vụ đã nhận từ nơi Chúa Cha.

Thời gian đầu trên con đường thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu vừa rao giảng kêu gọi con người sám hối và tin vào Tin Mừng, vừa quan tâm đến việc tuyển chọn các môn đệ đi theo và cộng tác với Ngài. Nhờ đã sống trong hoang địa với Chúa Cha 40 đêm ngày, Ngài biết rõ kế hoạch của Cha cũng như sứ mạng của Ngài, Đấng Được Xức Dầu Thánh Thần. Là một người con hiếu thảo, Ngài luôn luôn tôn thờ Chúa Cha, muốn thực hiện cách triệt để kế hoạch yêu thương của Cha là rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.

Ngài cũng hiểu mình phải vác thập giá, chết khổ hình, được mai táng và sẽ sống lại hiển vinh. Ngài hoàn toàn đón nhận thánh ý của Cha, nhưng làm sao cho các môn đệ hiểu để cộng tác với Ngài và tiếp nối sau này nữa. Vì thế, Ngài thường tìm dịp thuận tiện để loan báo cho các ông kế hoạch cứu độ này. Dịp đã đến, lần thứ nhất Ngài tiên báo cuộc Thương Khó và những điều kiện của người môn đệ[1]. Đây đúng là con đường hẹp, chẳng mấy ai đi. Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng vậy thôi! Chả thế mà Phêrô đã kéo riêng Ngài ra và trách: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy[2]. Chúa Giêsu nhận ra đây là cùng một “chiêu” mà quỉ đã cám dỗ Ngài trong hoang địa, nên đã xua đuổi ngay với cùng một cách thức: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy…”[3]

Đón nhận giới hạn con người của các môn đệ và để củng cố đức tin cho các ông, Ngài cho các ông nếm trước sự phục sinh của Ngài. Thánh sử Mát-thêu cho biết sáu ngày sau, Chúa Giêsu đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lên một ngọn núi cao. Cũng như hoang địa, núi là một nơi vắng vẻ, tĩnh mịch vì ít người lui tới; nhưng ở đây, núi gợi lại “nơi hẹn hò” của Thiên Chúa với dân của Ngài trong Cựu Ước, cách riêng là với Mô-sê[4]. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người”[5].

Mô-sê và Ê-li-a là hai trong số những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Israel, đại diện cho Lề Luật và các tiên tri. Hai ông đã được Thiên Chúa dẫn tới núi thánh để trở thành chứng nhân của vinh quang Thiên Chúa[6], thì các Tông Đồ cũng được Chúa Giêsu dẫn lên núi, và tại đó, Chúa Giêsu đã biểu lộ vinh quang Người cho họ. Như ông Mô-sê và ông Ê-li-a, hai chứng nhân của Cựu Ước, đã thoát khỏi cái chết hủy diệt theo một cách nào đó (Đnl 34, 6; 2V 2,11), Chúa Giêsu  cũng vậy, sau khi loan báo cuộc thương khó và cái chết, Người cho các Tông Đồ nếm trước sự phục sinh của Người[7].

Tràn ngập hạnh phúc thiên đàng, ông Phêrô muốn dừng chân và cắm lều tại chỗ, nên đã xin phép Chúa làm 3 lều cho Chúa và 2 vị khách quí. Bỗng dưng, một đám mây bao trùm tất cả và có tiếng từ đám mây phát ra giới thiệu nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !”(c.5). Quá bất ngờ về những gì nghe được, thấy được  vượt quá tầm trí khôn, ba môn đệ ngã sấp mặt xuống đất vì không thể chịu đựng được quang cảnh ấy.

Thật vậy, những gì Chúa Giêsu mặc khải về bản tính của Người là Ngôi Hai Thiên Chúa thì vượt quá khả năng hiểu biết của họ. Phải có thêm thời gian, rồi qua biến cố Tử Nạn và Phục sinh, các ông mới dần dần hiểu rõ hơn về mầu nhiệm con người và sứ vụ của Chúa Cứu Thế. Chúa Giêsu  thấu hiểu các ông hơn chính các ông, Ngài dịu dàng chạm vào các ông  và bảo họ đừng sợ hãi. Người cũng nói với họ không được kể lại thị kiến ấy cho bất cứ ai cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy (c.9).

Mặc dù chưa hiểu rõ, nhưng biến cố vĩ đại này đã in đậm nét trong tâm hồn các ông: các ông cảm nếm hạnh phúc được ở với Chúa trong vinh quang, đồng thời tiếng Chúa Cha phán dạy phải vâng nghe lời Chúa Giêsu dạy bảo, nghĩa là phải đi cùng một con đường như Chúa Giêsu vậy. Tình yêu cảm tính phải có tình yêu thiết thực kèm theo, mới là tình yêu đích thực. Các ông đã sống trọn vẹn hai sắc diện này của tình yêu trong suốt cuộc đời rao giảng Tin Mừng: hy sinh mạng sống, không hề lùi bước trước những gian nan thử thách và luôn xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa Ba Ngôi, như Phêrô đã làm chứng: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.”[8]

Mẹ ơi, qua biến cố Thiên Thần truyền tin cho Mẹ, con cảm nhận Mẹ cũng được tràn ngập hạnh phúc. Tuy nhiên, Mẹ đã không dừng lại cắm lều tại chỗ, nhưng đã đi ra đến với người chị họ để phục vụ bà. Bà chị họ này đã khen tặng Mẹ là người được chúc phúc vì được cưu mang Con Thiên Chúa, và hơn nữa Mẹ có phúc vì đã tin vào lời Chúa[9]. Tình yêu cảm mến dâng trào, Mẹ đã không ngớt lời tán dương Thiên Chúa đã đoái thương đến thân phận mọn hèn của Mẹ. Liền sau đó, Mẹ chuyển tải hạnh phúc đó ra hành động phục vụ tha nhân trong suốt thời gian bà chị này “ở cữ”[10].

Lạy Mẹ, hàng ngày, qua các cử hành Phụng Vụ, các Bí Tích, cách riêng là Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn cho chúng con cảm nếm hạnh phúc được có Chúa ở cùng. Qua các biến cố trong cuộc sống, chúng con nhận ra những điều kỳ diệu Chúa thực hiện cho chúng con và mỗi người nói riêng. Xin Mẹ giúp con biết noi gương Mẹ “suy đi nghĩ lại trong lòng” để ngày càng xác tín con là người hạnh phúc được Chúa yêu thương, được Chúa ở với ; nhưng không dừng lại cắm lều tại chỗ, trái lại biết “xuống núi” đi đến với các anh chị em con, để chuyển tải tình thương của Chúa đến với họ.


[1] X. Mt 16, 21-28
[2] Mt 17, 22
[3] Mt 17, 23
[4] X. Xh 24, 13-16
[5] Mt 17, 2-3
[6] Xh 33, 18-23; 1V 19, 9-13
[7] Kinh Thánh Tân Ước, Lời Chúa cho mọi người, trang 209, phần chú giải.
[8] 2Pr 1,16-18
[9] X. Lc 1,42-45
[10] X. Lc 1, 28tt