LOUISE DE MARILLAC
SỐNG THIÊN CHỨC PHỤ NỮ
(Phần 2)

Các bạn thân mến,
Trong phần 1, chúng ta đã nhìn ngắm cuộc đời Cô Louise với nhiều bất hạnh chồng chất từ khi mới sinh. Thay vì bất mãn, nổi loạn, trả thù đời, Cô đã tìm đến với Thiên Chúa, lắng nghe tiếng thì thầm và những dấu chỉ của Ngài để làm theo. Từ từ với thời gian, Cô đã bẻ gãy được cái gông cùm của số phận để hành động như một phụ nữ tự do, tín thác vào tình yêu Thiên Chúa dành cho mình và cho người khác.

Đâu là bí quyết của chiến thắng này?

Chúng ta hãy đọc chương trình sống mà Cô đã tự soạn ra cho mình, từ sau khi góa bụa, năm 1625: Đúng 12 giờ trưa, nửa giờ nguyện gẫm để tôn vinh giây phút nhập thể của Ngôi Lời trong cung lòng Đức Trinh Nữ rất thánh[1].

Cô Louise sống vào cuối thế kỷ 16 và quá bán thế kỷ 17 (1591-1660), là thời kỳ có cuộc tranh luận trong Giáo Hội về sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria: một phe tán thành và một phe bác bỏ điều ấy. Cô luôn có lòng sùng kính Mầu Nhiệm Nhập Thể nên thường suy niệm lâu dài về sự cao cả của Đức Maria, mẹ Thiên Chúa, làm cho cô cảm nhận tầm quan trọng của sự Vô Nhiễm Nguyên Tội: Lạy Đức Trinh Nữ, con muốn ca ngợi Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ của Con Ngài, và nhờ Người mà sự thụ thai của Mẹ được trong trắng không tì vết, vì Mẹ đã được ngăn ngừa trước nhờ công nghiệp cái chết của Con của Mẹ”[2].  

Xác tín về hạnh phúc có một không hai của Mẹ, Cô muốn gắn kết với Đức Maria, để nhờ Mẹ dẫn đưa đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ:


“Lạy Mẹ đồng trinh, con xin thuộc về Mẹ, để thuộc về Chúa cách trọn vẹn hơn…Xin cho mọi thụ tạo đều tôn vinh sự cao cả của Mẹ, nhìn Mẹ như phương thế bảo đảm nhất để đến với Thiên Chúa”[3]

Cô thích chiêm ngắm đức khiêm nhường nơi Đức Maria và công bố sự thán phục này: Ôi Đức Nữ Trinh, nhân đức của Mẹ thật tuyệt vời! Tuy là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ vẫn không tự kéo mình ra khỏi sự thấp hèn và nghèo khó[4]. Cô giới thiệu mẫu gương tuyệt vời này cho các chị em:Trong cung cách làm việc của chúng ta, hãy liếc mắt nhìn Đức Maria và hãy nhớ rằng vinh dự lớn nhất mà chúng ta có thể dâng lên Mẹ là hãy bắt chước các nhân đức của Mẹ, nhất là nhân đức khiêm nhường, vì nhờ đó mà Thiên Chúa đã làm những việc trọng đại nơi Mẹ”.[5] 

Chính nhờ nội lực này và cùng với Mẹ, Cô có thể đối diện với những khó khăn và bình tâm giải quyết chúng. Mẹ Maria giúp Cô kết hợp liên lỉ với Thiên Chúa, Cô tìm thấy sự can đảm, nghị lực cần thiết và hành động như một phụ nữ trưởng thành, đi trên đôi chân của mình và trở thành người phụ nữ tiên phong trong việc phục vụ Chúa Kitô nơi những chi thể đau khổ của Ngài, ở giữa thế gian.

Cuộc sống của Cô đã tỏa sáng và thu hút nhiều cô gái khác. Người đầu tiên tìm đến là cô Marguerite Naseau. Tiếp đến là các cô thôn nữ khác. Qua kinh nghiệm bản thân, Cô Louise biết rằng các cô gái này rất quảng đại dấn thân.  Họ yêu mến Thiên Chúa và muốn phục vụ Người nơi người nghèo.Tuy nhiên, họ cần được huấn luyện về nhân bản, thiêng liêng và cung cách phục vụ.


Với sự đồng ý của Cha Vinh Sơn, Cô Louise đã qui tụ các cô gái này tại nhà Cô để dạy dỗ họ. Đó là ngày ra đời của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, 29.11.1633. Cô đã trở thành người Đồng Sáng Lập Tu Hội này cùng với Cha Vinh Sơn.

Đây là Tu Hội nữ đầu tiên trong Giáo Hội mà các thành viên không ở trong nội vi kín, nhưng đi đi lại lại như người đời để phục vụ Chúa Kitô nơi những người lâm cảnh nghèo khổ, qua nhiều hình thức khác nhau như chăm sóc bệnh nhân tại gia, dạy chữ các trẻ em nghèo, nuôi dạy cô nhi, thăm viếng tù nhân… Những công việc này rất mới mẻ vào thời đó, đòi hỏi nhiều công sức, kiến thức và kỹ năng. Cô Louise phải hết sức kiên trì để giúp các cô gái quê mùa này thành những phụ nữ trưởng thành về nhân bản, trí thức và tâm linh, có khả năng sống chung và hiện diện giữa đời để phục vụ Chúa Kitô nơi người nghèo trên mọi nẻo đường.

 Những gì xưa kia là bất hạnh: kiếp cô nhi, bị gia đình ruồng bỏ, người chồng đau ốm hay bẳn gắt, đứa con chậm phát triển, đời góa bụa, tài chánh eo hẹp… nay Cô lại rút ra được cái tốt từ đó là những trải nghiệm để đồng cảm và hơn nữa, thấu cảm với những người đang cùng cảnh ngộ như Cô trước kia. Chính vì thế, Cô thường nói với các thành viên của Tu Hội: “Ơn gọi làm nữ tỳ người nghèo của chúng ta chỉ cho chúng ta biết phải cư xử dịu dàng, khiêm tốn và nâng đỡ tha nhân. Phải cung kính và tôn trọng mọi người nghèo, vì họ là chi thể của Đức Giêsu  Kitô và là chủ nhân của chúng ta[6]. Các cô gái quê mùa này được trang bị bởi người phụ nữ thánh thiện và giàu kinh nghiệm như thế, đã ngày càng mở ra đón nhận các hạt giống của ơn thánh Chúa và đã sinh hoa kết trái, giúp họ vững bước trên đôi chân của mình từ các đường phố Paris đến các thôn làng xa xôi hẻo lánh của nước Pháp!

Cám ơn Cô Louise, mặc dù Cô đã sống vào thời mà người phụ nữ không hề được quan tâm, lại còn bị coi thường nhất; nhưng Cô đã mở lòng đón nhận ơn Chúa, không dừng lại ở đó, cũng không đầu hàng số phận hẩm hiu của mình, nhưng để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn đi vào con đường riêng của Cô. Cô  đã thể hiện chính mình cách tốt nhất và đảm nhận cái kế hoạch độc đáo mà Thiên Chúa dành cho Cô từ thuở đời đời:

“Ta đã nắn ra ngươi để ngươi nên tôi tớ của Ta ;
và ngươi, hỡi Ít-ra en, ngươi sẽ không làm Ta thất vọng.”
[7]

Khi thực hiện kế hoạch độc đáo này, Cô được vinh dự, kéo theo biết bao người khác, cách riêng là các phụ nữ, cũng noi gương Cô để cho Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Ngài trên mỗi người. Một hình thức mới làm chứng nhân cho Đức Ái của Thiên Chúa được sinh ra trong Giáo Hội, đó chính là Linh Đạo Vinh Sơn: Tận Hiến Cho Thiên Chúa Để Phục Vụ Chúa Kitô Nơi Các Chi Thể Nghèo Khổ. Điều này thật đúng như lời Đức Thánh Cha phanxicô trong tông huấn “Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ”: “…tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng “thiên khiếu phụ nữ” được nhìn thấy nơi những phong cách thánh thiện đầy nữ tính, vốn là một phương tiện thiết yếu để phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong thế giới này.”[8] 

Ngọn lửa của linh đạo này vẫn đang cháy bừng trên thế giới và thu hút rất nhiều người trên thế giới dấn thân theo bước chân cha thánh Vinh Sơn, qua nhiều hội đoàn cho các đối tượng khác nhau, làm thành gần 300 ngành trong Gia Đình Vinh Sơn.

Các bạn thân mến,
Ngày nay, tình trạng trọng nam khinh nữ còn tồn tại nhiều nơi, cảnh bạo lực gia đình vẫn tiếp diễn, nhiều phụ nữ vẫn liên tục bị bạo hành trong xã hội, cách riêng tại các nước nghèo. Hiện trạng này như một lời mời gọi, thúc bách chúng ta tiếp nối con đường của Cô Louise, dấn thân cách quảng đại trong việc bênh vực những người phụ nữ bất hạnh và làm cho họ ý thức về phẩm giá của mình, biết tín thác vào tình yêu Thiên Chúa dành cho mình và cho người khác để sống một cách tự do, trưởng thành, đi trên đôi chân của mình. Đó là con đường nên thánh của chúng ta: “phục vụ cho công ích và nói không với việc trục lợi riêng tư[9].

Noi gương Cô Louise, chúng ta chạy đến với Mẹ Maria, xin Mẹ dắt chúng ta trên con đường nên thánh, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy: “Mẹ là người phụ nữ hoan hỉ trong sự hiện diện của Thiên Chúa, là người ghi nhớ mọi sự trong lòng, và chấp nhận lưỡi gươm đâm thâu. Mẹ là vị thánh giữa các thánh, và được chúc phúc trên hết các thánh. Mẹ dạy chúng ta con đường nên thánh và Mẹ luôn bước đi bên cạnh chúng ta… Chúng ta chỉ cần thì thầm, lặp đi lặp lại: “Kính mừng Maria…”[10]


[1][1] Elisabeth Charpy, NTBA-Đường thánh thiện Louise de marillac, trang 5
[2] Louise de Marillac-Bút tích, A 4
[3] Nt.
[4] Nt. A.14 bis
[5] Nt. M. 33
[6] Bút tích, 466
[7] Is 44,21b
[8] Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỶ, số 12
[9] X. Giáo lý, Tiếp kiến chung ngày 19.11.2014
[10] Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ, số 176


Bài viết cùng kỳ:
CÙNG MẸ TRÊN CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH – LOUISE DE MARILLAC SỐNG THIÊN CHỨC PHỤ NỮ (Phần 1)

THÁNG 11 – THÁNG CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN