CHA ALPHONSE RATISBONNE, (1814-1884)

Ôi MARIA, xin hãy nhớ đến con!
Con là dấu chứng cuộc chinh phục
vừa dịu hiền vừa vinh quang của tình yêu Mẹ!

Sinh năm 1814, là con thứ chín trong một gia đình quí tộc Do Thái tại Strasbourg, nước Pháp.

Trở thành luật sư từ đại học luật Paris, đồng thời là nhà doanh nghiệp, có óc thực tế. Hơn nữa, cậu đẹp trai, dáng điệu phong lưu, cuộc sống phong phú, hạnh phúc và đầy triển vọng.

Cậu có một người anh trai, hơn cậu 14 tuổi, đã từ bỏ đạo Do Thái và xin vào đạo Công giáo, đi tu và đã chịu chức linh mục: cha Théodore RATISBONNE. Cha đã bị cả gia đình từ bỏ. Còn cậu thề sống và chết trong đạo Do Thái. Nhân dịp đi du lịch Âu châu, gặp người bạn cùng lớp và được giới thiệu với người anh là bá tước Buissières. Vì nể bá tước, cậu đã nhận món quà của bá tước là một Mẫu Ảnh Phép Lạ và đeo vào cổ, đọc câu kinh, nhưng không tin…

Vài hôm sau, có dịp ghé vào nhà thờ thánh An-rê ở Rôma, cậu không thấy gì rõ, vì có một lớp sương mù bao phủ khắp nhà thờ. Thình lình phía trên bàn thờ, Đức Mẹ hiện ra giữa luồng ánh sáng rực rỡ và có dáng điệu giống như trong Ảnh Phép lạ. Ngài ra hiệu cho Alphonse quì xuống. Ánh sáng quá rực rỡ làm chóa mắt, cậu chỉ thoáng thấy Đức Mẹ. “Người không nói với tôi một lời, nhưng tôi đã hiểu hết.”

Khi trở về khách sạn, cậu muốn gặp ngay một vị linh mục để thưa chuyện này và xin lãnh bí tích Rửa Tội. Sau đó, Alphonse viết thư kể lại cho người yêu, mời cô trở lại đạo Công Giáo và sẽ kết hôn với nhau, nhưng cô từ chối!

Cũng năm ấy, cha Théodore RATISBONNE, anh của Alphonse, lập dòng các linh mục Đức bà Sion, chuyên lo giảng dạy dân Do Thái. Alphonse RATISBONNE, sau khi chịu chức linh mục trong Dòng Tên cũng chuyển sang Dòng của anh mình.

Cha sống một cuộc đời rất thánh thiện và sau khi qua đời, trên mộ của ngài có ghi hàng chữ sau: Ôi MARIA, xin hãy nhớ đến con! Con là dấu chứng cuộc chinh phục vừa dịu hiền vừa vinh quang của tình yêu Mẹ!

Xem thêm: Một ơn lạ phi thường


THÁNH MA-XI-MI-LI-A-NÔ KÔN-BÊ (1894-1941)


Sinh ngày 08.01.1894 tại Ba-lan. Năm 1907, nhập học tại chủng viện dòng Phanxicô, được gửi qua học tại Rôma và ngài thụ phong linh mục lúc mới 24 tuổi.

Là một linh mục nhiệt thành và đạo đức, ngài nhận thấy các Kitô hữu thời đó rất nguội lạnh về đời sống tâm linh, nên tìm cách khơi lên ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa trong tâm hồn anh chị em giáo dân, bằng cách dùng sách báo công giáo để truyền bá đức tin và củng cố lòng đạo đức. Ngoài ra, ngài truyền bá lòng sùng kính Đức Maria Vô Nhiễm.

Đối với thánh nhân, “Đức Maria là người mẹ hiền hằng quan tâm nâng đỡ và dắt dìu ngài trên bước đường nên thánh. Ngài phó dâng cho Đức Mẹ mọi công việc mục vụ, cũng như chính  bản thân mình. Tại quê hương Ba Lan, thánh Kolbe đã thiết lập hội Đạo Binh Đức Mẹ Vô Nhiễm. Vào năm 1927, thánh nhân tiếp tục thành lập hội “Thành Đô Đức Mẹ Vô Nhiễm”; hội này phát triển mạnh ở Ba Lan và nhiều nước khác: Mười năm sau khi hội “Thành đô Đức Mẹ Vô Nhiễm” ra đời, đã có sáu mươi hai tu sĩ sang Nhật Bản truyền giáo, và ngài cũng đã thành lập một vườn Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Nagasaki. Thánh nhân xác tín: “Chúng ta sẽ có được mọi điều dễ dàng hơn nhờ Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, Đấng được Thiên Chúa chí nhân ủy thác việc ban phát lòng thương xót của Người. Thật vậy, điều chắc chắn là ý muốn của Đức Maria là chính ý muốn của Thiên Chúa đối với ta. Khi tự hiến mình cho Mẹ, chúng ta trở thành dụng cụ của lòng thương xót Chúa trong tay Mẹ, như Mẹ là dụng cụ trong tay Thiên Chúa”.[1]


ĐỨC GIÁM MỤC HÉLDER CAMARA (1909-1999)

 

Sinh năm 1909 tại miền Bắc xứ Brasil, thụ phong linh mục năm 1931, trở thành giám mục năm 1952.

Năm 1955, ngài quyết định tự hiến cho người nghèo sống trong những khu ổ chuột đông đúc ở Rio de Janeiro. Kể từ đó, ngài trở thành giám mục của người nghèo.

Là con người hăng say bênh vực quyền con người, đồng thời cũng là người con say mê Đức Mẹ Maria. Ngài đã chiêm ngắm Đức Mẹ cầm quả cầu trong đôi tay dâng lên cho Thiên Chúa và ngài đã thân thưa với Đức Mẹ qua bài thơ “ĐỨC BÀ TRONG CÔNG VIỆC TRẦN THẾ”:

Mẹ ơi, con vui làm sao
Khi thấy quả cầu trong tay Mẹ.
Nhưng sao nó bé xíu!
Con lo lắng lắm
Cho những vấn đề to tát của chúng con,
Cho những lo âu sợ hãi
Sẽ bị thu hẹp gắt gao!
Con lại nhìn quả cầu
Được cầm trong đôi tay từ mẫu của Mẹ
Và con đã thấy
Quả địa cầu tí xíu đó
Có đủ hiệu lực
Để thu hẹp đúng mức
Những thảm kịch mà chúng con cho là vô chừng
Và chúng có thể nằm gọn  
Trong lòng bàn tay của Mẹ…[2]


THÁNH NỮ BERNADETTE (1844-1879)

Bernadette là một cô bé 14 tuổi, không biết đọc, không biết viết, con một gia đình nghèo ở Lộ Đức, nước Pháp. Gia đình cô tạm trú tại một nơi trước kia dùng làm nhà giam. Nơi tồi tàn này, cả gia đình gồm ông bà thân sinh và bốn chị em Bernadette làm nơi nương thân. Đức Mẹ muốn chọn một cô bé nơi nghèo hèn để làm sứ giả của Mẹ.[3] 

Bernadette sinh ngày 07.01.1844 tại Lộ Đức, nước Pháp. Vào thời gian đó và những năm tiếp theo, Mẫu Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn đang được phổ biến rộng rãi ở Pháp và các nước Âu châu. Ngày 11.02.1858, được nghỉ học, cô đi kiếm củi thì được Đức Mẹ hiện ra với cô, và những lần tiếp theo nữa, tổng cộng là 18 lần.

Ngày 25.03.1858 cô quì cầu nguyện và khuôn mặt bỗng trở nên rạng rỡ. Rồi cô quay lại nói với vài người có mặt :

– Bà nói : Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội.

Vài phút sau, lời Đức Trinh Nữ được truyền từ miệng người này sang người khác. Đám đông cất cao lời cầu khẩn:

Lạy Đức Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Đức Mẹ.[4]

Chúng ta biết rằng ngày 8.12.1854, Ðức Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Hiến Chế Ineffabilis Deus. Hơn ba năm sau, trong lần hiện ra ngày 25.3. 1858, Đức Mẹ đã tự xưng: “Ta là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.” Như con dấu đóng ấn cho tín điều này.


CHÂN PHƯỚC ROSALIE RENDU, NTBA
(1786-1856)


Thánh Catherine Labouré   

Chân Phước Rosalie Rendu

Vào giữa thế kỷ thứ XIX, Tu hội NTBA đã dâng hiến cho Giáo Hội hai gương mặt độc đáo và hoàn toàn trái ngược nhau. Gương mặt thứ nhất là một gương mặt im lìm, mờ nhạt, không ai biết đến, gương mặt tiêu biểu cho đức khiêm nhường và vâng phục, gương mặt của người NTBA thầm lặng: Thánh Catherine Labouré (1806-1876). Gương mặt thứ hai là một gương mặt sáng chói, lừng danh, gương mặt tiêu biểu cho hoạt động Bác Ái, gương mặt của vị tông đồ khu phố Mouffetard: Chân phước Rosalie Rendu (1786-1856).[5]

Tuy nhiên, giữa hai chị Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn này có một sự liên kết đặc biệt nhưng rất kín đáo, ít ai lưu ý tới: đó là Mẫu Ảnh Phép Lạ! Thật vậy, “gian nan khốn khó không thiếu ở khu phố Mouffetard. Bệnh dịch tả hoành hành hết đợt này tới đợt kia…Đặc biệt nhất vào năm 1832 và năm 1846, sự hy sinh và những nguy hiểm của sơ Rosalie và các Sơ phải trải qua thì ngoài sức tưởng tượng. Người ta thấy chính Sơ Rosalie đi gom các xác chết ngoài đường phố…Chính Sơ đã trèo lên các chiến lũy cố gắng giúp các chiến binh không phân biệt phe phái nào.[6]

Chính vào những thời điểm đó, Ảnh Phép Lạ đã được giáo quyền cho phép đúc ra, làm phép Ảnh và phân phối rộng rãi. Sơ Rosalie đã tận dụng quà tặng này của Đức Mẹ để chuyển đến mọi người, cách riêng là các bệnh nhân và thương bệnh binh…Biết bao ơn lạ phần hồn cũng như phần xác đã được Thiên Chúa ban cho những ai tin tưởng cầu xin Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhưng không ai hay biết người đã được Đức Mẹ hiện ra và trao sứ mệnh cho đúc Ảnh là ai.

Trong tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỷ”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca tụng “Mẹ là người phụ nữ hoan hỷ trong sự hiện diện của Thiên Chúa…Mẹ là vị thánh giữa các thánh và được chúc phúc trên hết các thánh. Mẹ dạy chúng ta con đường nên thánh và Mẹ luôn bước đi bên cạnh chúng ta. Mẹ không để mặc chúng ta trong tình trạng sa ngã và có những lúc Mẹ dang tay ôm chứ không kết án chúng ta”[7]

Tin tưởng vào giáo huấn của Đức Thánh Cha và noi gương các thánh nhân nam nữ đã đi trước, chúng ta hãy đi đến Đức Mẹ với hết lòng tin tưởng, đơn sơ của người con. Chắc chắn Mẹ sẽ đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chúa Giêsu  sẽ hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa Cha trên mỗi người, để cùng với Mẹ Maria chúng ta cất lời tôn vinh: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”[8]


Bài viết liên quan:
CÙNG MẸ VÔ NHIỄM TÔN VINH THIÊN CHÚA(P1)

[1]http://www.simonhoadalat.com/suyniem/saints/Thang8/Ngay14_MxKolbe.htm
[2] THNTBAVS-Sứ điệp của chị Catherine Labouré, động lực đời sống, trang 113 
[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-me-lo-duc-va-thanh-nu-bernadette-39058
[4] Nt.
[5]http://www.conggiaovietnam.net/index.phpm=module2&v=detailarticle&id=61&ia=5779
[6] Các thánh và các chân phước Gia Đình Vinh Sơn, Tổng hợp-2011, trang 97-98
[7] TH. Hãy vui mừng hoan hỷ, số 176
[8] Lc 1, 49