KỶ NIỆM 190 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA VỚI
THÁNH NỮ CATHERINE LABOURÉ
1830-2020

LÊN ĐƯỜNG THEO BƯỚC
THÁNH NỮ CATHERINE LABOURÉ

Ngày thứ 12:
HÃY LẮNG NGHE TIẾNG KÊU CỦA
 NGƯỜI TRẺ

♦ Sơ Catherine thưa với cha Aladel (một linh mục thuộc Tu Hội Truyền Giáo và là Linh Hướng thời gian này): ‘Đức Tring Nữ muốn giao cho cha một sứ mạng…cha sẽ là người thành lập Hội con cái Đức Mẹ và là giám đốc hiệp hội này.”

     Cuộc sống cam go của thế kỷ 19 tại Pháp ảnh hưởng nhiều đến thanh thiếu niên và người trẻ giới bình dân. Họ sống trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn và không ai quan tâm đến họ. Đức Mẹ rất yêu thương và muốn cho họ được huấn luyện về nhân bản và đạo đức Kitô giáo, để trở nên những tác viên trong môi trường sống của họ.

            Lệnh truyền này của Đức Mẹ đã được thực hiện. Hiệp hội mới này của Giáo Hội đã được Đức Thánh Cha Piô IX phê chuẩn qua sắc lệnh ngày 20.6.1847.

Ngày nay, nhóm những người trẻ này đã lan rộng mang tầm quốc tế trên 40 quốc gia với hơn 200.000 thành viên. Hiệp hội Con Đức Mẹ ban đầu, đã được khai sinh trong gia đình Vinh Sơn, nay được biết đến như hiệp hội Giới Trẻ Đức Mẹ Vinh Sơn. Hiệp hội muốn lôi cuốn giới trẻ đang ở xa Giáo Hội, những người trẻ đang ở trong những hoàn cảnh khó khăn và những người trẻ lựa chọn đi vào dự phóng của hiệp hội.

Mục đích là để khích lệ việc sống đức tin của người trẻ, bằng cách nối kết cách gần gũi hơn với Chúa Giêsu và mỗi người với nhau qua Đức Maria, như một người hướng dẫn và thánh Vinh Sơn như một người khởi hứng ra đi phục vụ những người lầm than khốn khó.

†  Lc 15, 3-10:
           Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này : “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm  cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về  đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”…


♥  Bạn có biết chiêm ngưỡng những người trẻ đã trở thành những người lớn đi trước và đã ghi dấu tinh thần Phúc Âm trong cuộc sống của họ? Cuộc sống của họ có gợi hứng cho bạn điều gì không?

 Trong những quan hệ hằng ngày, bạn có dành chỗ cho thanh thiếu niên và người trẻ được  diễn tả như họ là mà không sợ bị xét đoán?

♥  Bạn có sáng kiến nào để đi đến với những kẻ bị thiệt thòi, bị kỳ thị, bị gạt ra bên lề?