CHÂN PHƯỚC GIÁO DÂN
FREDERIC OZANAM, SSVP
(1813-1853)


Sáng lập Hiệp Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô
(Société de St Vincent de Paul: SSVP)
Ngày lễ hằng năm: 09.9
(Kỳ cuối)
Là một giáo dân trí thức và nhiệt thành, cậu tiếp tục cuộc tìm kiếm Sự Thật. Cậu rất tâm đắc lời thánh Giacôbê: ” đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Với các bạn sinh viên cùng quan điểm, họ đã thống nhất việc sống Đức Tin Công Giáo của họ bằng những hành động bác ái cụ thể, thực tế nhất.  

KITÔ GIÁO LÀ NGUỒN GỐC
CHO SỰ TIẾN BỘ VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC XÃ HỘI
Mục đích của Frédéric Ozanam là nhắm phục hồi Công Giáo cho nước Pháp, nơi chủ nghĩa duy vật, duy lý, vô tôn giáo, chủ nghĩa chống Giáo Hội đang thắng thế.

Thật vậy, thời đó người ta ảo tưởng là khoa học có thể thay thế Thiên Chúa, không cần đến Kitô Giáo nữa, nên thường công kích Giáo Hội. Cậu lên kế hoạch lớn để chứng minh Kitô Giáo là nguồn gốc cho sự tiến bộ, phát triển của các xã hội. Vì thế, cùng với các bạn sinh viên có cùng quan điểm, họ hợp sức trong việc bảo vệ Đức Tin, làm thành “Hội Đồng Sử Học”, gồm 6 người, dưới sự bảo trợ thần linh của Đức Maria và sự hỗ trợ tinh thần của giáo sư cao niên Emmanuel Bailly.

Đối đầu với những thách thức của các trào lưu thế tục, cho rằng Giáo Hội không còn là nguồn thiện ích cho xã hội nữa, nhất là lời thách thức: “Giáo Hội của các bạn bây giờ đang làm gì? Đang làm gì cho người nghèo ở Paris? Hãy cho chúng tôi thấy việc làm của các bạn rồi chúng tôi sẽ tin các bạn!” Cậu bị ấn tượng mạnh về lời chất vấn này và cảm nhận như một lời kêu gọi của Thiên Chúa. Các bạn của cậu cũng kháng cự lại những công kích trí tuệ tấn công Giáo Hội như thế.

Sáu người trong nhóm Hội Đồng Sử Học ở độ tuổi 19-23, trong đó có Frédéric đang ở tuổi đôi mươi, quyết tâm sống Đức Tin của mình bằng việc làm như lời thánh Giacôbê: ” đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Họ thay thế những tranh luận và thảo luận thuần túy, bằng những công việc bác ái cụ thể, thực tế nhất. Họ đổi tên “Hội Đồng Sử Học” thành Hiệp Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô, để phục vụ người nghèo theo linh đạo của thánh Vinh Sơn.

Họ đi tìm gặp nữ tu Rosalie RENDU, Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, đang hăng say phục vụ người nghèo tại khu phố Mouffetard nghèo khổ ở thủ đô Paris, và xin chị làm Cố Vấn cho nhóm. Với tư cách là giáo dân trẻ, họ đã dành cả con người, thời giờ, tiền bạc và sức lực của họ cho Thiên Chúa, làm chứng về sự công bằng bác ái theo đúng tinh thần Kitô Giáo.

Hiệp Hội này thu hút được rất nhiều người tham gia trong nước Pháp. Frédéric đích thân đi tới các nước khác ở Âu Châu để kêu gọi và được nhiều người ủng hộ. Lúc ngài qua đời năm 1853 đã có tới 15.000 thành viên. Hiện nay, có khoảng 800.000 thành viên hiện diện trong 140 quốc gia, hoạt động với tính cách hiệp hội trong giáo xứ, trường học, bệnh viện hay trung tâm…Các thiện nguyện viên này nhắm mục tiêu thánh hóa bản thân qua việc phục vụ người nghèo và sống Đức Tin trong lòng Giáo Hội.  



Năm 1841, Frédéric lập gia đình với cô Amelie Soulacroix ở Lyon và sinh được một người con gái. Họ sống rất hạnh phúc và là một gia đình Công Giáo gương mẫu. Tuy nhiên, những công việc bổn phận và sự dấn thân nhiệt thành đã làm cho ngài lao lực, ngã bệnh và qua đời vào đúng ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ 08.9.1853 tại Marseille, nước Pháp.

Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước ngày lễ Đức Maria Nữ vương 22.8.1997, trong khung cảnh của ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 12 tại Thánh đường Notre Dame de Paris, nước Pháp. Đức Thánh Cha nói Frédéric OZANAM đã tìm ra ơn gọi của mình: sống đời giáo dân và nên thánh bằng tình yêu tha nhân, không chỉ là lời nói, lời hứa, mà là hành động yêu thương thiết thực đối với những người cùng cực nhất.



Theo bước chân cha thánh Vinh Sơn và mẹ thánh Louise de Marillac; cùng với Sơ Nữ Tử Bác Ái Rosalie Rendu ngài đã sáng suốt và can đảm dấn thân hàng đầu trong lãnh vực xã hội và chính trị trong giai đoạn xáo trộn của nước Pháp lúc bấy giờ, để đòi quyền lợi cho giới lao động nghèo đang bị đe doạ trầm trọng.

Frédéric Ozanam đã để lại cho chúng ta một gương sáng của người Giáo Dân sống Phúc Âm trong lòng xã hội. Ngài đã không hùa theo thói thường thời đó, cũng không để mình bị áp lực bởi bất cứ nhân vật vị vọng nào, nhưng đi theo sự thúc giục của Thiên Chúa trong tâm hồn để dấn thân và đã trở thành chứng nhân Đức Tin Công Giáo.

Xin Chân Phước Frédéric Ozanam hãy thổi lửa tin-yêu Chúa Giêsu và Giáo Hội của Chúa vào lòng chúng con và làm cho lửa ấy bùng cháy lên, thúc đẩy chúng con can đảm thể hiện Đức Tin qua hành động như ngài. Amen.