Chân phước GIUSEPPINA NICOLI
Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn
1863-1924
Lễ mừng: 03.02
Trên giường bệnh vào giờ cuối đời,
Sơ đã tha thứ cho người vu khống mình và mỉm cười với ông ta.
Gia đình Carlo NICOLI, ở một thành phố nhỏ của tỉnh Pavia, nước Ý, là một gia đình đạo đức thánh thiện, có lòng kính sợ Chúa và tin tưởng phó thác vào Chúa Quan Phòng. Ngày 18.11.1863, gia đình đón nhận một bé gái vừa chào đời. Bé tên là Giuseppina.
Bé lớn lên trong bầu khí ấm áp và tốt lành của gia đình và tỏ ra có nhiều tiềm năng thiên phú. Khi gia đình dọn về Voghera, Cha Phó Xứ tiếp tục việc đồng hành thiêng liêng với cô gái đầy năng khiếu này nhưng có nguy cơ tự mãn. Trong thâm tâm, Giuseppina hiểu được phần nào mầu nhiệm của cuộc sống và tính tạm thời của nó. Tiếp xúc với đau khổ, cô bắt đầu nhìn vào Thập Giá và hình ảnh này trở thành người đối thoại sâu kín của cô.
Cô nuôi dưỡng một ước ao lớn: dâng hiến cuộc đời cho Chúa Giêsu vì tình yêu Thiên Chúa, nhưng không biết làm sao có thể thực hiện ý muốn này và cô để cho Thiên Chúa tự do kêu gọi cô theo ý định của Người. Cùng với lời khuyên của người chị cả đang học trường sư phạm, chính cô cũng cảm thấy hướng đi này mở ra cho cô khả năng phát triển các tài năng của mình. Cô rời gia đình và theo học sư phạm tại một trường ở Pavia, nơi đây cô chăm chỉ học và đã nhận bằng cấp giáo viên.
Trở về quê nhà, cô phục vụ các bé gái không được đi học. Ngôi nhà của cô trở thành “trường dạy kèm” và kinh nghiệm này soi sáng con đường cho cô. Qua lời chia sẻ của một linh mục về Đặc Sủng của các Nữ Tử Bác Ái là phục vụ Chúa Kitô nơi người nghèo khổ, cô cảm thấy được thu hút cách sâu xa.
Cô viết thư cho chị Giám Tỉnh tỉnh dòng Tu-ri-nô xin gia nhập Tu Hội. Cô bước vào Tu Hội Nữ Tử Bác Ái năm 1885, với ước nguyện được giáo dục các trẻ em nghèo. Sau thời gian Tập Viện, Sơ được sai đi Cagliari để dạy học các thiếu nữ nghèo như lòng mong ước.
Năm 1899, Sơ được bổ nhiệm làm bề trên Cô nhi viện Sassari. Sơ củng cố hội Con Đức Mẹ và hội các Bà Bác Ái. Sơ được bổ nhiệm làm quản lý tỉnh năm 1910 và 18 tháng sau làm Giám Đốc Tập Viện.
Năm 1914, Sơ lại trở về Cagliari và dạy ở trường “Mẫu Giáo Hải Quân”. Sống trong khu đô thị lớn này nơi có rất nhiều người nghèo, đặc biệt là các thanh thiếu niên, Sơ đã qui tụ các em vào lớp giáo lý và lớp văn hóa, khám phá những thương tổn sâu kín hơn về cái nghèo luân lý và thiêng liêng của các em. Sơ tìm cách chinh phục các em bằng tình thương sâu xa, giúp các em gặp gỡ Chúa.
“Trường “Mẫu Giáo Hải Quân” là một cơ sở do chính quyền quản lý, ngay từ đầu, được giao cho các Nữ Tử Bác Ái quản lý cơ sở này. Vào tháng giêng năm 1924, diễn ra cuộc bầu cử một Chủ Tịch mới mà những đòi hỏi, đối với ngành giáo dục, vượt quá những quyền hành của ông. Đứng trước sự từ khước của các chị để thi hành những lệnh của ông, những vu khống và những lời lăng nhục xuất hiện trên các trang báo chí. Hành động tuyên truyền này là vô căn cứ đến nỗi khiến dân chúng nổi loạn.”[1]
Sơ Giuseppina và cộng đoàn của Sơ, âm thầm chấp nhận tất cả. Vào tháng 9 năm ấy, khi chiến tranh hành chánh chấm dứt, Sơ Giuseppina bị viêm phổi nặng, không thể rời khỏi phòng. Sơ cho mời ông Chủ Tịch đến, Sơ tiếp đón ông với nụ cười tươi và nói: “Tôi sẽ cầu nguyện cho ông, cho gia đình ông và cho trường “Mẫu giáo Hải Quân”. Ông chủ tịch cảm động đến rơi lệ.
Sơ thường xuyên hướng về Chúa Kitô trên Thập Giá và nói với các chị em: “Các lời khấn thánh thiện của chúng ta là bốn cây đinh đóng chúng ta vào thập giá Chúa, nghĩa là chúng làm cho chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu chịu đóng đinh … và thành của lễ toàn thiêu. Chúng ta không được lấy lại của Chúa những gì chúng ta đã hiến cho Ngài. Đời sống chúng ta thuộc về Chúa. Nó không thuộc về chúng ta nữa.”
Sơ qua đời ngày 31.12.1924, ở tuổi 62. Lời cuối của Sơ là: “VÂNG, CÁM ƠN”, cách diễn tả lòng biết ơn đối với mọi người. Sơ được phong chân phước ngày 03.02.2008 tại thành phố Cagliari, là nơi đã đón nhận đức bác ái rạng ngời của Sơ. Rất nhiều ơn lành đã được ban xuống nhờ lời chuyển cầu của Sơ.
Suốt cuộc đời Nữ Tử Bác Ái, với lòng khiêm tốn thẳm sâu, Sơ đã sinh lợi ra cho Chúa những nén bạc Chúa trao phó cho Sơ và lấy Bác Ái làm qui luật chính theo lời dạy của Đấng Sáng Lập:
“Các con phục vụ Chúa Giêsu Kitô nơi người nghèo.
Điều này đúng biết bao, hỡi các con! ”
Thánh Vinh Sơn Phaolô
Nguồn: famvin.org
[1] Các Thánh và các Chân Phước Gia Đình Vinh Sơn, Tổng Hợp 2011, trang 230