CHÂN PHƯỚC MARTA WIECKA
Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn
1874-1904


Lễ nhớ hằng năm: 30.5

Marta Wiecka sinh ngày 12.01.1874 tại Nowy Wiec, Ba Lan, trong một gia đình Công Giáo đạo đức và đông con. Marta là người con thứ ba trong 13 anh chị em, gồm 6 gái 7 trai; nhưng 8 người trong họ đã chết khi còn nhỏ xíu hoặc còn rất trẻ.

Gia đình Wiecka gắn bó mật thiết với đất nước và tôn giáo của mình. Người cha sở hữu nhiều đất đai và mang huy hiệu “Leliwa”, dấu chỉ của gia tộc quí phái. Hằng ngày, gia đình cô đều có giờ đọc kinh chung cũng như việc đọc Lời Chúa và chia sẻ với nhau từ các bài giảng ngày Chúa Nhật. Ngôi nhà gia đình cô luôn mở rộng cửa đón tiếp mọi người: từ đó người ta có thể kín múc năng lượng cho đời sống đức tin và tình yêu tổ quốc. 

Lên 2 tuổi, Marta lâm bệnh nặng, cuộc sống của Marta đang bị đe dọa. Cả gia đình chạy đến cầu khẩn với Đức Mẹ, sức khỏe của cô trở nên khá hơn và được bình phục. Biến cố này được xem như một phép lạ và có ảnh hưởng sâu xa trên cuộc đời của cô, cách riêng trong mối tương quan của cô với Đức Maria.

Lên 7 tuổi, Marta bắt đầu đi học. Tại trường học, cô có nhiều ảnh hưởng tích cực trên các bạn vì lời lẽ dễ thương và nhất là qua gương mẫu đời sống. Cô có nhiều bạn là nhờ sự bình tâm và vui vẻ của cô. Cô có lòng đạo đức sâu sắc, cô thường chia sẻ đức tin với các bạn, cách riêng là thời gian chuẩn bị Rước Lễ Lần Đầu. Cô được rước Chúa năm lên 12 tuổi.

Vì mẹ của cô thường xuyên đau ốm, nên cô phải dấn thân nhiều hơn trong việc chăm sóc các em nhỏ hơn và được các em gọi là “người mẹ thứ hai”. Trách nhiệm này không ngăn trở cô cầu nguyện và thường xuyên đến nhà thờ giáo xứ tham dự Thánh Lễ cùng với gia đình. Chính bầu khí sống đức tin mãnh liệt từ trong gia đình làm cho cô ngày càng yêu mến Chúa hơn và muốn “dâng mình” để phục vụ Ngài.

Vào tuổi 16, cô tới xin vào Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, nhưng vì còn nhỏ quá, cần thêm thời gian. Đến năm 18, cô lại đến xin vào Tu Hội cùng với một bạn nữa. Cả hai đều được nhận vào cộng đoàn tại Cra-cô-vi.

Cô gia nhập Chuẩn Viện/Nhà Thử ngày 26.3.1892, vào Tập Viện ngày 12.8.1892 và được “sai đi truyền giáo” ngày 21.4.1893 tại một bệnh viện ở Lvov.

Nơi đây, Sơ Marta mau chóng nổi tiếng là một nữ tu yêu thương bệnh nhân và phục vụ họ với lòng sùng mộ.

Một năm rưỡi sau, Sơ được thuyên chuyển đến một bệnh viện khác. Sơ phục vụ không biết mệt mỏi ở nơi đây 5 năm như một điều dưỡng tốt và một Nữ Tử Bác Ái trung tín.

Năm 1902, Sơ Marta lại được sai đến một bệnh viện ở tỉnh Bochnia. Ít lâu sau, một bệnh nhân ganh tị với một thanh niên trẻ bị bệnh lao mà Sơ chăm sóc. Bệnh nhân này tung tin đồn là Sr Marta có “vấn đề” với cậu này và đã có thai!!!

Cha xứ nghe tin đồn đãi này và yêu cầu Bề Trên đổi Sơ Marta đi nơi khác. Nhưng Sơ phụ trách khẳng định rằng Sơ Marta là một linh hồn vô tội, hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa. Sơ chắc chắc về điều đó như Sơ chắc chắc về chính mình. Sơ Marta phục vụ tại đó hơn 2 năm và được hoàn toàn minh oan.

Sau đó, Sơ Marta được sai đến bệnh viện ở tỉnh Sniatyn. Sự thánh thiện của Sơ tỏa chiếu cho mọi người trong hai năm ngắn ngủi ở đây. Tất cả mọi người dù thuộc bất cứ tôn giáo nào hay không tôn giáo đều thán phục và yêu mến Sơ.

Tại sao? Bởi vì TÌNH THƯƠNG của Sơ, đời sống CẦU NGUYỆN của Sơ và sự PHỤC VỤ của Sơ.

“ Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình[1]

Sơ Marta đã nhận làm vệ sinh tại khu vực bệnh sốt chí rận, thay thế cho một nhân viên nam đã có gia đình, và Sơ đã bị lây bệnh!!!

Trong thời gian bệnh, Sơ được các Sơ trong Nhà Dòng và gia đình ân cần chăm sóc.

Sơ đã qua đời ngày 30.5.1904, ở tuổi 30.

Ngôi mộ của Sơ luôn luôn có người tới cầu nguyện, họ coi Sơ như một vị thánh!

Ngày 26.6.1997: Nhà Thờ Chính Tòa Lvov bắt đầu tiến trình hồ sơ xin phong thánh cho Sơ Marta Wiecka.

Ngày 10.10.2003: một phép lạ được công nhận do lời bầu cử của Sơ Marta Wiecka.
Và sau đó, Sơ đã được Giáo Hội phong Chân Phước.

Xin Chân Phước Marta Wiecka phù hộ cho chúng con, cách riêng những y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế được thấm nhuần TÌNH YÊU ĐẾN CÙNG của CHÚA GIÊSU để có thể xả thân phục vụ các anh chị em bệnh nhân cách quảng đại như Sơ.

[1] Ga 15, 13