DI CHUYỂN HÀI CỐT THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ


Lễ nhớ hằng năm: 26 tháng 4

Cha Vinh Sơn Phaolô, sinh năm 1581, tại Pháp. Để cứu trợ những người nghèo khổ  về thể xác và tinh thần, cha đã sáng lập ra Hiệp Hội Các Bà Bác Ái (AIC), Tu Hội Truyền Giáo (CM), Tu Hội Nữ Tử Bác Ái (DC) và đến nay ngài là ông tổ của hơn 300 ngành Gia Đình Vinh Sơn. Cha  được Chúa gọi về trời ngày 27.9.1660 và ngày hôm sau, cha được mai táng trong nhà nguyện của Tu Hội Truyền Giáo là nhà Saint-Lazare ở Paris, nước Pháp.

Theo truyền thống của Giáo Hội, trong tiến trình phong chân phước cha Vinh Sơn, có thủ tục mở nắp hòm và công nhận thánh tích của cha. Sau lễ phong thánh ngày 16.6.1737, thánh tích của ngài được đặt trong một hộp bằng bạc và để trên bàn thờ tại nhà nguyện Saint-Lazare. Hộp thánh tích này được mở ra vào nhiều thời kỳ khác nhau để cho các con cái ngài tôn kính.

Đến thời cách mạng Pháp 1789, vì tình hình an ninh bất ổn kéo dài, e rằng sẽ có cuộc di tản, nên hài cốt của cha Vinh Sơn được đem đi giấu trước tại nhà ông chưởng khế của Tu Hội Truyền Giáo. Đúng như sự tiên đoán! Ngày 31. 8.1792, các tu sĩ Tu Hội Truyền Giáo bị đuổi ra khỏi nhà Saint-Lazare, chiếc hộp đựng thánh tích ấy bị sung vào tài sản quốc gia.

Quốc hội nước Pháp “đã ra sắc lệnh bãi bỏ tất cả các tổ chức giáo sĩ và giáo dân cũng như tu phục của họ[1], từ ngày 06.4.1792 (nhằm vào thứ sáu Tuần Thánh). Tu hội Nữ Tử Bác Ái cùng chung số phận này. Mẹ Bề Trên Tổng Quyền DELEAU lúc đó đã làm hết sức để thương lượng, hòa hoãn, với mục đích duy trì việc phục vụ người nghèo ngày càng đông và khốn khổ. Tuy nhiên, đến ngày 01.10 năm ấy, “một biệt đội binh lính hùng hậu (190 người) đến ở tại Nhà Mẹ, biến nơi đây thành một doanh trại[2]. Các phòng của Nhà Mẹ bị niêm phong hết, các Nữ Tử Bác Ái phải rút lui từ từ về gia đình, người cuối cùng ra đi là Mẹ Tổng Quyền DELEAU, ngày 11.11. 1793[3].

 Khi tình hình tạm yên ổn trở lại, Mẹ DELEAU liền thuê một căn nhà ở Paris, tiếp nhận các thiếu nữ muốn theo đuổi ơn gọi Nữ Tử Bác Ái. Đến năm 1800, tu hội Nữ Tử Bác Ái được phép chính thức tập hợp trở lại. Các chị dọn về căn nhà ở phố  Vieux-Colombier, ngày 20.01.1801. Trong khi đó, Tu Hội Truyền Giáo vẫn chưa được chính thức qui tụ lại.

Năm 1806 thánh tích của cha Vinh Sơn được chuyển giao về cho các Nữ Tử Bác Ái. Năm 1815, các Nữ Tử Bác Ái dọn về định cư tại 140 phố Bắc, Paris thì thánh tích của cha Vinh Sơn cũng đồng hành với các chị về đó. Việc chứng thực thánh tích, theo giáo luật, được diễn ra tại tòa Tổng Giám Mục Paris, vào tháng 4 năm 1830. Sau đó, Đức Cha DE QUELEN đem trưng bày thánh tích tại nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris, đựng trong hộp thánh tích bằng bạc do giáo phận tặng.

Mọi sự ổn định, ngày 25.4.1830, hộp thánh tích cha Vinh Sơn được rước về nhà Mẹ Tu Hội Truyền Giáo ở 95 Sèvres, quận 6, Paris. Một sự trùng hợp kỳ diệu là cô thiếu nữ Catherine Labouré đang tìm hiểu ơn gọi Nữ Tử Bác Ái tại một cộng đoàn địa phương; cô đã xong giai đoạn Chuẩn Viện và đúng ngày hôm đó cô được dẫn về Nhà Mẹ để gia nhập Tập Viện. Quá vui mừng và sung sướng, chị tân Tập Sinh đã tham dự cuộc rước trọng thể này với cộng đoàn[4]. Chị đã được trái tim thánh Vinh Sơn hiện ra 3 lần trong những ngày này, mỗi lần đi viếng nhà nguyện Saint-Lazare về. Chị cũng không ngờ một hồng ân khác lớn hơn nữa sẽ đến với chị, một thời gian sau, là Đức Mẹ hiện ra với chị lần thứ nhất vào đêm 18 rạng 19.7 và lần thứ hai vào chiều 27.11 cùng năm đó[5]. Mẹ đã chọn chị Catherine Labouré, một thiếu nữ có những nhân đức của thiếu nữ miền quê, đúng như ước muốn của cha thánh Vinh Sơn dành cho chị em Nữ Tử Bác Ái[6] để giao cho chị sứ mạng thành lập Hiệp Hội Con Đức Mẹ và phổ biến sứ điệp Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội qua Mẫu Ảnh Hay Làm Phép Lạ.


Từ 1854,
hộp thánh tích được đặt phía trên bàn thờ chính
của nhà nguyện nhà Mẹ Tu Hội Truyền Giáo.

Tham khảo: Cầu nguyện với thánh Vinh Sơn-phần Thánh Lễ, Tỉnh Dòng Nữ Tử Bác Ái Việt Nam 

Hát: Nhân chứng Đức Ái…


[1] Lịch sử tu hội Nữ Tử Bác Ái 1633-1981, trang 69
[2] Nt. trang 75
[3] Nt. trang 76
[4] X. Đức Mẹ và thánh nữ Catherine Labouré – Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Việt Nam, trang 20-21 
[5] Nt. 22tt
[6] Noi gương các chị em thôn quê- BNC của thánh Vinh Sơn ngày 25.01.1643