LỄ GIỖ LẦN THỨ 360 THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ
(1660 – 27/9 -2020)

 Các bạn thân mến,
[1]Cũng vào những ngày này cách đây 360 năm, cha Vinh Sơn bị những cơn đau dữ dội của bệnh tật làm cha tiêu hao dần. Tuy nhiên, cha luôn nói với những người đến thăm: “Chúa Giêsu Kitô đã chịu đau khổ hơn tôi nhiều”. Cha không ra khỏi phòng được nhưng vẫn tiếp tục gặp gỡ, viết thư và khuyên bảo người khác. Ngày Chúa Nhật 26 tháng 9, cha lãnh nhận bí tích xức dầu bệnh nhân và sau đó cha chỉ lập đi lập lại lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin tới giúp con”. Cha tuyên xưng đức tin và chúc lành cho các con cái nam-nữ của ngài. Ngày hôm sau, 27 tháng 9 vào khoảng hơn 4 giờ sáng, cha lâm cơn hấp hối và: “Cha đã chết trong chiếc ghế cha vẫn ngồi bên lò sưởi, mặc áo dòng, không vật vã. Cơn hấp hối đã không làm biến đổi gương mặt cha, mà hình như còn làm cho khuôn mặt cha đẹp hơn, uy nghi hơn, khiến mọi người đều ngạc nhiên.”  

Con người mà người nghèo yêu thương, tôn kính như người cha của họ đã ra đi như thế đó. Nhìn vào những công trình cha Vinh Sơn đã làm cho các con cái nam-nữ, cho Giáo Hội, cho quê hương của ngài và cho các anh chị em nghèo khổ… chúng ta thường có nhận định đầu tiên ngài là một con người hoạt động. Điều này đúng ở bề nổi, nhưng động lực nào đã thúc đẩy ngài hoạt động không biết mệt mỏi như vậy? Chắc chắn phải là một sức bật thánh thiêng từ sâu thẳm trong tâm hồn ngài, nhờ đời sống cầu nguyện: “Tôi có lòng sùng kính đặc biệt đi theo Chúa Quan Phòng từng bước”[2].

Thật vậy, Cha thường dạy con cái hãy phó thác cho Chúa Quan Phòng, đừng bao giờ lấn bước Ngài và chỉ đặt chân vào những nơi mà Chúa Quan Phòng đã ấn định cho chúng ta đi. Như thế, cha là một con người chiêm niệm, luôn luôn chiêm ngắm đường đi nước bước của Thiên Chúa để phân định và đặt chân mình vào đúng chỗ bàn chân của Chúa. Cha luôn nhận được sự trợ lực của Thiên Chúa để bước đi và đã trở thành người lữ hành không biết mệt mỏi suốt cuộc hành trình 80 năm trên dương thế.

Cha đã được Giáo Hội tuyên phong hiển thánh năm 1737. Năm 1885, Đức Thánh Cha Lêô XIII đặt ngài làm bổn mạng các tổ chức từ thiện bác ái.

Theo nghiên cứu về thánh tổ phụ Vinh Sơn của cha Patrick Murphy, CM. rất nhiều người trên thế giới vẫn đang cháy lửa nhiệt thành và dấn thân theo bước chân thánh Vinh Sơn đã đi cách đây 400 năm, để phục vụ Chúa Kitô nơi anh chị em nghèo khổ:

Các thành viên của:
Hội Bác Ái Vinh Sơn (SSVP): 800.000
Tu Hội Nữ Tử Bác Ái (FdlC/DC):16.000
Tu Hội Truyền Giáo (CM): 3.231
Hội Các Bà Bác Ái (AIC): 150.000
Giới Trẻ Đức Mẹ Vinh Sơn: 200.000
Ban điều hành và tình nguyện viên tổ chức DePaul Quốc Tế: 2.000
Các tổ chức trong Gia Đình Vinh Sơn: 40
Các tổ chức mang Tinh Thần Vinh Sơn: 250 


KHÁCH LỮ HÀNH KHÔNG MỎI MỆT

[3]Lữ hành không mệt đường xa,
Khổ đau nhân thế dày vò tâm can.
Vinh Sơn thấy Chúa hiện thân,
Trong người nghèo khổ kêu than đợi chờ.

Trên đường hiu quạnh nắng khô,
Kìa ai đang khát đang mơ tình người.
Vinh Sơn ghé mắt vui tươi,
Đem niềm hạnh phúc, nụ cười thân thương.

Chiến tranh, quyền lực…cản đường,
Không gì ngăn nổi lòng thương người nghèo.
Cha mang sứ điệp tình yêu:
Khoan dung, nhân ái, mọi điều thứ tha.

Bình an, ánh sáng chan hòa,
Cho người dưới ách quỉ ma tủi sầu.
Tình yêu, thương tổn nơi đâu,
Chữa cho lành vết, quản nào gian nan.

Giê-ri-cô, nẻo bạo tàn,
Quanh co, cướp bóc, muôn vàn hiểm nguy.
Nạn nhân được cứu cấp kỳ,
Cha theo đường Chúa bước đi khiêm nhường.

Bao nhiêu đau khổ đoạn trường,
Được mang lấy áo Tin Mừng hân hoan.
Bao nhiêu tội lỗi ngập tràn,
Được tha thứ cả, nhẹ nhàng sống vui.

Yêu thương dù hết một đời,
Ai đâu dám bảo “đủ rồi” yên tâm.
Hồng ân mưa đổ thấm nhuần,
Ngày đêm như suối Thánh Thần trào dâng.

Kho tàng Thần Khí Chúa ban,
Khác nào dấu chỉ ẩn tàng đẹp xinh.
Noi gương Thánh Phụ Vinh Sơn,
Mến, tin, trông cậy, xin ơn trung thành.

https://soundcloud.com/user-519926176/mung-kinh-thanh-vinh-son-thien?in=user-519926176/sets/loi-ca-du


Xem thêm:
GIA ĐÌNH VINH SƠN – LỄ GIỖ LẦN THỨ 360 THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ (Phần 1)
GIA ĐÌNH VINH SƠN – LỄ GIỖ LẦN THỨ 360 THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ (Phần 2)
GIA ĐÌNH VINH SƠN – LỄ GIỖ LẦN THỨ 360 THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ  – KINH NGHIỆM TỪ  CHÂTILLON


[1][1] X. Luigi Mezzadri, CM- Tiểu sử thánh Vinh Sơn Phaolô trang 124.
[2] TVS. II, 237
[3] Cầu nguyện với GĐVS, Thánh Thi KC I ngày lễ thánh Vinh Sơn 27.9