NGÀY 09 – 5 – 2019
LÒNG SAY MÊ NGƯỜI NGHÈO CỦA THÁNH LOUISE DE MARILLAC


https://www.facebook.com/gdanhducmebanon/videos/1552758918191118/

I .MỞ

  1. Rước di ảnh mẹ Louise de Marillac(1 người cầm ảnh mẹ Louise, 2 người cầm nến, 1 người cầm nhang)
  • Rước hình mẹ Louise đặt ở bàn thờ mẹ thánh
    Qua bao tháng rộng năm dài,

    Tình con luôn mãilà bài tri ân,
    Noi gương mẹ thánh hiến thân,
    Đoàn con dấn bướcchứng nhân Nước Trời.
  • Dâng nến
    Lung linh ánh nến cháy hồng,

    Như đời mẹ thắm đượm nồng nghĩa ân,
    Dấn thân phục vụ ân cần,
    Chữa lành bao kẻ cơ bần khổ đau.
  • Dâng hương
    Dâng mẹ thánh nén hương trầm,

    Cho lòngyêu mến âm thầm bay cao,
    Hương tình yêu tỏa dạt dào,
    Mong đời con cũngtiêu haonhư ngài.
  1. Lời dẫn
    Lạy Chúa, hòa cùng niềm vui chung của các Nữ Tử Bác Ái trên toàn thế giới mừng lễ mẹ thánh Louise de Marillac, chúng con qui tụ nhau nơi đây để dâng lời chúc tụng và tri ân cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con mẹ Louise, một vị thánh suốt cuộc đời say mê dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ người nghèo. Với lòng khao khát tiếp nối sứ mạng thánh thiện của ngài, xin Chúa đốt lên trong chúng con ngọn lửa yêu mến Chúa và đổ tràn Chúa Thánh Thần trên chúng con, giúp chúng con tham dự giờ cầu nguyện này cách sốt sắng và sinh nhiều ơn ích thiêng liêng.
  2. Hát: Thánh Thần Chúa chan hòa …..
  3. Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm…

II. LỜI CHÚA

  1. Dẫn vào Tin Mừng
    Trong tin mừng Mathêu chương 25, câu 34 – 45, Đức Giêsu đã đồng hóa mình với từng người, đặc biệt là những người nghèo khổ, những người thấp cổ bé miệng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần cácngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy trao tặng nhưng không, tỏ bày lòng từ bi thương xót và sự tốt lành của Thiên Chúa cho các anh chị em xung quanh chúng ta. Trao ban, sẻ chia không hẳn phải cần nhiều của cải hoặc những tài năng đặc biệt, nhưng cần một trái tim rộng mở và có lòng thương cảm. Có lẽ điều cần hơn hết là phải có con mắt đức tin, có trái tim và sự nhạy cảm để nhận ra nhu cầu của người anh em, nhất là những ai bé mọn, nghèo hèn. Thiên Chúa cũng đặc biệt yêu thương những ai yêu thương phục vụ người nghèo. Ngài gọi họ là những kẻ được chúc phúc và hứa ban cho họ được thừa kế gia nghiệp Nước Trời.
  1. Đọc Tin Mừng (Mt 25, 34 -40)

III. SUY NIỆM

  1. Suy niệm 1: Mẹ Louise kinh nghiệm bản thân về cảnh nghèo
    “Thiên Chúa đã cho tôi biết rằng Người muốn tôi đến với Người qua Thập Giá mà Người đã nhân từ dành cho tôi ngay từ khi tôi chào đời. Người không bao giờ để tôi thiếu dịp chịu đau khổ cả.”[1] Đó là lời tâm sự tự đáy lòng của mẹ Louise de Marillac sau khi mẹ trải qua chặng đường đời đầy chông gai vất vả. Và đó cũng là cách mà Thiên Chúa tỏ lộ tình yêu của Ngài dành cho mẹ Louise, không phải là tình yêu êm ái, ngọt ngào, nhưng là tình yêu của Đức Kitô trên Thập giá. Thật vậy, khi chiêm ngắm bức tranh cuộc đời của mẹ thánh, chúng ta sẽ cảm nhận gam màu tối chiếm phần lớn, những gian nan, đau khổ đã để lại nhiều tổn thương nơi tâm hồn mẹ. Trước hết, Louise kinh nghiệm về sự thiếu thốn tình thương. Từ khi chào đời cô không một lần được cảm nếm sự ngọt ngào của tình mẹ, cũng như sự ấm cúng của một gia đình. Hơn nữa, khi lên 12 tuổi người cha yêu dấu của Louise cũng qua đời, sự ra đi này đã cắt nốt tình yêu thương và chỗ dựa duy nhất của cô.  Kể từ đó cô được gửi ở trọ nhà một cô giáo nghèo. Nơi đây cô kinh nghiệm về cái nghèo vật chất, cô được dạy làm các công việc nhà và phụ giúp cô giáo kiếm kế sinh nhai.

    Ngoài ra, Louise còn trải nghiệm về cái nghèo khi không được tự do chọn hướng đi cho cuộc đời. Cô từng ao ước được tận hiến cho Thiên Chúa để thuộc trọn về người cả hồn lẫn xác trong nếp sống nhiệm nhặt của dòng Capucines. Nhưng ngay cả ước muốn ngay lành ấy cũng bị từ chối vì dòng họ của cô không muốn cung cấp một khoản tiền hồi môn quá lớn nếu cô gia nhập dòng. Thế rồi ông chú họ Michel đã sắp đặt một cuộc hôn nhân cho cô. Đời sống hạnh phúc gia đình của Louise chẳng kéo dài bao lâu thì giông tố lại ập đến: người chồng bị bệnhvà trở nên cáu gắt, khó tính, con trai thì chậm phát triển. Trong cảnh khổ tâm ấy Louise cảm nhận sâu sắc cái nghèo tâm linh vì lúc này cô mang mặc cảm tội lỗi bị Thiên Chúa trừng phạt vì đã phản bội lời khấn hứa với Chúa là sẽ tận hiến cuộc đời cho Ngài. Từ đó cô bị thử thách về đức tin: cô nghi ngờ sự bất tử của linh hồn cũng như nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa; cô bị dày vò trong tâm trí và bối rối trong tâm hồn: có nên bỏ chồng để thực hiện lời hứa với Thiên Chúa hay không? Năm 1623 ông Antoine chồng cô qua đời, Louise cảm nếm sự đau đớn, cô đơn của người góa bụa.
    Với lẽ thường khi một người gặpnhiều khó khăn, đau khổ và bế tắc, họ sẽ nổi loạn, buông xuôi hoặc có những thái độ tiêu cực. Nhưng mẹ Louise thì khác, dù bản thân trải qua mọi cảnh nghèo, từ nghèo vật chất, nghèo tinh thần, đến tâm linh, mẹ vẫn trung thành, dò dẫm, đi tìm ý Chúa, và luôn thao thức được làm theo thánh ý Ngài. Mẹ đã không nổi loạn hoặc buông xuôi mà đã vươn tới được sự thánh thiện. Mẹ hiểu rằng tất cả đều nằm trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa toàn năng. Sự đau khổ và những kinh nghiệm đã trang bị cho Louise cách kỹ càng để ngài dấn thân vào con đường say mê phục vụ người nghèo. Mẹ đã trở thành một con người dày dặn kinh nghiệm và nhạy cảm với mọi nỗi khốn cùng của người nghèo.
    Lạy Chúa, khi chiêm ngắm cuộc đời cuả mẹ thánh, điều đáng trân trọng và cho chúng con noi theo đó là sự nhẫn nại và lòng trung tín của mẹ ngay cả trong những khó khăn đau khổ. Cuộc đời của mẹ đã hoàn toàn gắn bó và phó thác cho lòng nhân từ của Chúa không chỉ ở hiện tại, hay tương lai nhưng còn tất cả những đau khổ trong quá khứ. Mẹ ý thức được rằng để Chúa có thể sử dụng mình như dụng cụ của Người thì điều kiện cần phải có là ta phải biết mình, vì “Việc tự biết mình là điều cần thiết cho những ai muốn đến gần Chúa là sự sống và là sự thật” (Linh đạo Mẹ Louise). Quả thực, mẹ biết rõ những vết thương lòng mà mẹ đang mang, nhưng nhờ ơn của Chúa qua sự hướng dẫn của cha linh hướng, mẹ biết cách để chữa lành nó và biến những bất hạnh đó thành hành vi của lòng mến, qua việc mẹ tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa trong việc phục vụ người nghèo, luôn coi người nghèo như là thầy và chúa của mình.
  1. Suy niệm 2: Hành trình thực hiện hoài bão
    Với biến cố lễ Hiện Xuống năm 1623, mẹ Louise đã được Chúa hé mở con đường tương lai mà Chúa muốn mẹ đi. Ánh sáng của ngày Hiện Xuống đã chiếu rọi tâm hồn mẹ và giúp mẹ tìm lại được niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa. Từ đây mẹ bắt đầu một hành trình mới: hành trình dấn thân phục vụ tha nhân, đặc biệt là những người nghèo khổ. Năm 1629, đáp lại lời mời gọi của Chúa nơi mẹ Louise, cha Vinh Sơn “đã sai” mẹ lên đường đi thăm viếng và khuyến khích các hội đoàn bác ái do cha lập ở các vùng quê. Với sự khôn ngoan và tài lãnh đạo, mẹ Louise đã củng cố cơ cấu tổ chức của các hội đoàn và đặc biệt mẹ đã làm cho các thành viên của hội xác tín rằng phục vụ người nghèo là phục vụ chính Chúa Kitô. Suốt 5 năm trời trong công tác thăm viếng các vùng quê, khi đi bộ, lúc cỡi ngựa, hay khi đi xe, lúc nào mẹ cũng nghĩ cần phải làm một cái gì đó để xoa bớt đau khổ của người nghèo. Trong hoàn cảnh nước Pháp lúc ấy có nhiều dạng người nghèo cần được phục vụ: các trẻ em bị bỏ rơi, những thương bệnh binh, các cụ già neo đơn, người mất trí… mẹ Louise dấn thân phục vụ họ với lòng tận tụy, đầy sáng kiến và không mệt mỏi. Cho dù sức khỏe của mẹ yếu kém nhưng mẹ vẫnngày đêm không nề hà phục vụ những cảnh đời bất hạnh ấy, đến nỗi Cha Vinh Sơn đã lo lắng và khuyên mẹ: “chị đừng làm việc nhiều quá. Thánh Thần Chúa thúc đẩy chúng ta cách dịu dàng để tùy theo sự khôn ngoan, làm việc vừa sức, rồi còn bền sức để làm việc lâu dài”[2]. Dù biết sức khỏe của mình rất giới hạn nhưng những mảnh đời đau khổ kia cứ thôi thúc mẹ giang cánh tay ôm ấp che chở họ, mẹ không cho phép mình giảm bớt việc phục vụ, mà có chăng chỉ là thay đổi cách phục vụ. Thay vì phục vụ người nghèo cách trực tiếp, mẹ mời gọi người khác cộng tác vào công việc bác ái này. Năm 1633, được Thánh Thần thúc đẩy mẹ Louise đã cùng với Cha Vinh Sơn thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với mục đích tiếp nối sứ mạng của con Thiên Chúa đã làm là phục vụ các anh chị em nghèo khổ cả về thể xác và tinh thần. Mẹ đã huấn luyện các thiếu nữ thôn quê thành những nữ tỳ phục vụ người nghèo với trọn con người, biết dùng tình yêu, tài năng và sức lực của đôi bàn tay cũng như mồ hôi trán để phục vụ cách vô vị lợi. Ngay cả lúc cuối đời sức khỏe của mẹ Louise quá yếu nhưng lòng trí mẹ vẫn luôn hướng đến người nghèo, mẹ đã từng thốt lên: “Ôi nếu có đủ sức khỏe, con ước ao được phục vụ Người nghèo cho đến hơi thở cuối cùng, và mãi cho đến ngày tận thế, để phụng sự Thiên Chúa”.[3]

    Tình yêu và lòng say mê phục vụ người nghèo của mẹ Louise đã lan tỏa không những trên khắp nẻo đường của nước Pháp, mà còn lan rộng ra khắp thế giới. Nên năm 1960 mẹ Louise được Ðức thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đặt làm Quan Thầy các Cán Sự Xã Hội.

    Lạy Chúa, chúng con là những người con của mẹ thánh, chúng con cũng muốn tiếp nối lòng say mê phục vụ người nghèo của ngài ngay trong cuộc sống hiện tại của chúng con. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con không e ngại khó khăn mệt nhọc nhưng can đảm dấn thân phục vụ.
  • Hát: HC – 424
  1. Suy niệm 3: Các Nữ Tử Bác Ái tiếp nối lòng say mê phục vụ người nghèo của mẹ Louise
    Trong mọi thời và mọi nơi, người nghèo vẫn có mặt, người nghèo vẫn còn đó, vẫn xuất hiện như một lời kêu gọi, khi nỉ non, khi rên siết, khi âm thầm, khi lại vô cùng mãnh liệt…Tất cả đều là tiếng kêu của Đức Kitô đau khổ! Vâng, người nghèo còn mãi bên chúng ta như lời Đức Kitô đã nói“người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Ga 12,8a).Ý thức được điều đó nên mẹ Louise cũng đã khuyên nhủ con cái mình “hãy tiếp tục, xin các con tiếp tục phục vụ những vị thầy thân thương cách rất dịu dàng, kính trọng và thân tình, luôn nhìn thấy Chúa trong họ”[4]. Hay nói khác hơn mẹ Louise đang mời gọi chúng ta hãy tiếp tục niềm say mê tìm kiếm và phục vụ người nghèo như ngài khi xưa và hãy phục vụ họ có phẩm chất hơn.

    Nhìn vào xã hội ngày nay có nhiều hình thức nghèo mới và mang tính bi thương hơn, nên đòi hỏi chúng ta một sự dấn thân táo bạo hơn. Và có lẽ hơn bao giờ hết ngày nay chúng ta được mời gọi vun đắp lòng nhiệt thành và sự tận tụy. Nhiệt thành với công việc, nhiệt tình với mọi người, nhiệt tâm với trách vụ sẽ giúp chúng ta sống một cách sung mãn và hạnh phúc trong mỗi giây phút hiện tại của đời mình. Nếu chúng ta chỉ “làm theo Thánh ý Chúa thôi thì chưa đủ, mà còn phải làm một cách vui vẻ và nhiệt tình” (Francois De Sale). Sự dâng hiến nào cũng phải là sự dâng hiến của con tim nhiệt tình, bừng cháy lên ngọn lửa yêu mến, “vì nhiệt tâm nhà Chúa” (Tv 69). Nhiệt thành đòi hỏi ta học cách giữ vững bầu nhiệt huyết trong mọi tình huống và kiên trì cho đến cùng, không nao núng trước mọi thách đố hoặc thất bại. Để tận tụy ta cần tìm ra từ sự yêu thích, đam mê và quyết tâm trong công việc để “Bất cứ làm việc gì ta cũng có thể làm tận tâm như thể làm cho Chúa” (Cl 3, 23). Chúng ta được mời gọi trở nên những dụng cụ giúp người nghèo thoát ra khỏi hoàn cảnh đáng thương của họ, chúng ta phải luôn là “những người mà Chúa dùng để “nâng người nghèo khó khỏi nỗi khốn cùng” (TV 107, 41), là những người mà Chúa dùng để “thi ân giáng phúc cho người nghèo khổ” (TV 112, 9).”[5]

    Chúng ta thật có phúc vì được Chúa phú bẩm nơi tâm hồn chúng ta, những người nữ nhiều phẩm chất để có thể phục vụ tốt, điều này Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã từng nhận xét “Sự dịu dàng của người phụ nữ có tác dụng thay đổi một con người tính khí bất thường và chính là chứng tá cho sự dịu dàng của Thiên Chúa. Lòng nhân hậu của người phụ nữ luôn luôn nhạy cảm trước những nỗi đau khổ bất hạnh của người khác, là hiện thân của lòng thương xót Chúa Kitô…”. [6]

    Lạy Chúa, xin hãy đụng đến nơi sâu thẳm nhất là trái tim chúng con và làm cho nó rung lên, đập cùng một nhịp với Chúa, với mẹ Louise của chúng con, ngang qua những nguời chúng con gặp gỡ, tiếp xúc hằng ngày trong ý thức đức tin: “Chúa hiện diện nơi họ”. Họ đang cần một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một lời an ủi động viên, một lời thăm hỏi vỗ về và sự sẻ chia chân thành. Xin cho chúng con luôn xác tín mạnh mẽ như mẹ Louise, “không còn nghĩ đến điều gì ngoài Chúa Giêsu, không còn làm gì cho ai ngoài Chúa Giêsu, không còn sống cho ai ngoài Chúa Giêsu và anh chị em”[7]
  • Hát: HC – 422

IV.LỜI CẦU

Mở: Lạy Chúa, thánh nữ Louise nhận ra Chúa nơi những người nghèo nên đã dấn thân và dành trọn cuộc đời còn lại của mình để phục vụ họ. Nhờ lời chuyển cầu của mẹ thánh, chúng con xin dâng lên Chúa những lời nguyện xin.

  1. Chúa luôn nâng đỡ và ban ơn cho những tâm hồn nhiệt thành phụng sự Chúa. Xin ban Thánh Thần Chúa trên các bề trên trong hai Tu Hội của chúng con để các ngài luôn thánh thiện, khôn ngoan, và sáng suốt hướng dẫn Tu Hội đi đúng đường lối Chúa.

Đáp: Lạy Chúa là suối ân, con chờ tất cả nơi Chúa.

  1. Chúng con xin dâng lên Chúa các thân nhân và ân nhân đã âm thầm cầu nguyện và giúp đỡ chúng con về vật chất cũng như tinh thần để chúng con có điều kiện phục vụ người nghèo. Xin Chúa cho họ luôn được hạnh phúc trong tình thương của Chúa. Còn những ai đã qua đời, xin Chúa thương ân thưởng Nước Trời.
  2. Xin Chúa nâng đỡ những người nghèo về tinh thần cũng như vật chất để họ biết can đảm chấp nhận mọi thử thách của cuộc đời và giúp họ có điều kiện để thăng tiến con người toàn diện.
  3. Chúng con xin dâng lên Chúa các ngành trong gia đình Vinh Sơn. Xin cho chúng con biết không ngừng trở về nguồn cảm hứng của các Đấng Sáng Lập để hun đúc tinh thần và cùng nhau cộng tác dấn thân phục vụ mọi người nghèo, cách riêng các dạng người nghèo mới trong thời đại hôm nay.

Kết: Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa về tất cả hồng ân mà Chúa ban cho thánh nữ Louise. Nhờ đó chúng con được ơn phúc sống trong Tu Hội để nối tiếp sứ mạng mà Chúa đã làm xưa kia là phục vụ người nghèo khổ. Xin cho chúng con noi gương bắt chước mẹ thánh luôn sống kết hợp với Chúa và yêu thương, tận tụy phục vụ người nghèo. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Chúa chúng con. Amen.

  • Hát kết:Mẹ duy nhất của Tu Hội

[1] Thánh Louise de Marillac, Bút tích trang 707.
[2]Say mê người nghèo, chân dung thánh nữ Louise de Marillac, trang 30.
[3]Say mê người nghèo, chân dung thánh nữ Louise de Marillac, trang 138.
[4]Bút tích của thánh Louise de Marillac
[5]Thư gửi các Nữ Tử Bác Ái dịp Mừng Đệ Tứ Bách Chu Niên Sinh Nhật Thánh Louise, Đức Gioan Phaolo  II.
[6]Bài giảng của Đức Tổng Phaolo Bùi Văn Đọc trong thánh lễ ngày 8/3/2010.
[7]Say mê người nghèo, chân dung thánh nữ Louise de Marillac, trang 26.