NIỀM TIN SẮT ĐÁ-TÌNH YÊU HIẾN DÂNG
DÀNH CHO THIÊN CHÚA

Đã hơn hai nghìn năm kể từ khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, Đức Giêsu Kitô. Ngài làm người để ở với con người, chỉ cho con người ĐƯỜNG về Nhà Cha, hưởng hạnh phúc viên mãn trên quê trời. Bị khước từ, Ngài chấp nhận cái chết khổ hình để chứng tỏ tình yêu đích thực: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình[1]. Nhờ đó con người được cứu chuộc và được hưởng hạnh phúc viên mãn trong Nhà Cha.

Chết vì lý tưởng không phải là xa lạ trong thế giới của chúng ta. Các quốc gia luôn vinh danh các anh hùng liệt sỹ, những người dám hy sinh tính mạng của mình để đấu tranh bảo vệ đất nước, nhà hiền triết Hi Lạp Socrates xưa bị tử hình bằng cách phải tự uống thuốc độc khi trung thành với các lý luận của mình[2]. Báo chí vẫn đưa tin các tín đồ Hồi giáo cực đoan sẵn sàng ôm bom tự sát với niềm tin sẽ được lên thiên đường; một số các Sư thày tự thiêu để đấu tranh cho công lý và tự do…

Tuy nhiên, các vị tử đạo Công Giáo chấp nhận cái chết để tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất mà không giận hờn, thù oán những người đã làm khổ mình, noi gương Đức Giêsu Kitô, như hạt lúa mì chịu thối đi để trổ sinh nhiều bông hạt. Nhờ đó, ngày 19 tháng 6 năm 1988 đã trở thành ngày hồng phúc của Giáo Hội Việt Nam khi tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên Thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam. Cùng với hàng trăm ngàn các vị tử đạo khác, các Ngài đã được ghi vào sổ bộ các Thánh và được cả Giáo Hội hoàn vũ kính nhớ hằng năm vào ngày 24.11. Cũng ngày này năm 1960 (24/11/1960), Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đã ra Tông hiến Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba Giáo Tỉnh: Hà Nội – Huế – Sàigòn và các lãnh thổ truyền giáo được nâng lên hàng Giáo Phận theo đúng quy luật Giáo Hội hoàn vũ[3].

HẠT LÚA MÌ[4]VỚI NIỀM TIN SẮT ĐÁ

 Từ sau cuộc thương khó và chết vì yêu thương của Chúa Giêsu, biết bao tín hữu đã bước theo con đường của Ngài mặc cho phải bị bắt bớ, bách hại, bị giết để làm chứng cho Tin Mừng, để lời Chúa được loan truyền khắp nơi trên thế giới. Thánh Tê-pha-nô được vinh phúc trở thành vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội, dù đau đớn vô cùng bởi những viên đá ném thẳng vào cơ thể, nhưng lời cuối của ngài không phải là những căm hờn, oán hận mà lại là lời xin tha thứ cho những người đã ném đá ngài, như Chúa Giêsu:Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này[5]

Cũng vậy, các nhà truyền giáo đã đến Việt Nam từ năm 1533,  chấp nhận được chôn vùi trong lòng đất Việt để tìm hiểu, hội nhập để rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu và bị bách hại. Hơn 100 năm sau, các ngài đã gặt hái được những hoa trái tốt đẹp, thánh thiện. Đó là những cuộc tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất, Cha của Đức Giêsu Kitô, và sẵn sàng đổ máu đào làm chứng cho niềm tin ấy. Người đầu tiên là chân phước thày giảng An-rê Phú Yên, năm 1644. Cứ như thế cho  đến vị cuối cùng là Thánh Phêrô Phan Hữu Đa năm 1862, một người thợ mộc.

TÌNH YÊU HIẾN DÂNG

Tình yêu hiến dâng không đợi tuổi, cũng chẳng phân biệt sắc tộc màu da, vì chỉ nhắm hạnh phúc cho người mình yêu. Chính vì vậy, các ngài đã chịu tử đạo ở vào nhiều độ tuổi khác nhau từ người trẻ nhất là 18 tuổi, thánh chủng sinh Tôma Trần văn Thiện, 18 tuổi, đến người nhiều tuổi nhất là thánh linh mục Luca Vũ Bá Loan, 84 tuổi. Các ngài cũng xuất thân từ rất nhiều thành phần trong Giáo Hội và xã hội.  Có vị là Giám mục, Linh mục, Thày giảng hoặc Chủng sinh, có vị là giáo dân. Trong số giáo dân, có vị là thương gia như Thánh Mát-thêu Lê Văn Gẫm với lời tuyên bố: “Chẳng thà là chết, tôi cam chịu, chứ chẳng bỏ Đạo tôi đã giữ từ bé đến lớn”, có vị là nữ giáo dân, là mẹ của 6 người con như Thánh Anê Lê Thị Thành, trước khi chết còn truyền lại cho các con niềm hi vọng lớn lao:“Không bao lâu nữa, mẹ con chúng ta sẽ đoàn tụ trên nước thiên đàng”.

Tình yêu hiến dâng đón nhận tất cả vì yêu, dù phải hy sinh tính mạng. Các vị Tử đạo quyết bước theo thày Giêsu, dù bị đe dọa bằng bất kỳ hình thức nào cũng không để đức tin của mình bị lung lay. Chính vì thế, các ngài đã phải đón nhận những khổ hình cao nhất của thời bấy giờ, từ xử giảo (dùng dây thắt cổ), như Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, chịu tra tấn đến chết như Thánh Đa Minh Vũ Đình Tước, Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự, chịu thiêu sinh (dùng lửa thiêu sống) như Thánh Đa Minh Trần Văn Toại, Thánh Đa Minh Nguyễn Văn Huyên, chịu lăng trì (chặt chân, tay và đầu) như Thánh Jean Charles Cornay Tân, Thánh Ni-cô-la Bùi Đức Thể, đến hình thức phổ biến nhất là xử trảm (chém đầu). Dầu vậy, các ngài vẫn luôn chứng tỏ một tình yêu hiến dâng dành cho Chúa Giêsu : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” [6] .

Ngày nay, việc sống đạo trong đất nước Việt Nam, người Kitô hữu ít phải chịu những bắt bớ và bách hại về thể lý, nhưng lại có nhiều những thách đố khác làm lung lạc Đức tin, như thói mê của cải vật chất, quyền lực, tiếng tăm, ngoại tình, phá thai…Những phương tiện truyền thông xã hội lại đồng lõa với những sự dữ này.

Chúng ta thường hãnh diện là con nhà tông”, như vậy “không giống lông cũng giống cánh, để noi gương các tổ tiên, ông bà đạo đức thánh thiện của chúng ta, biết nói “không” với tất cả những gì đi ngược với lương tâm công giáo của mình, và luôn chứng tỏ một niềm tin bất khuất vào Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài.

 Xin các Thánh tử đạo Việt Nam cầu bầu cho chúng ta luôn kiên trung với Chúa cho đến cùng, và sống tình yêu hiến dâng thay vì ích kỷ, qui về mình.  Để được như vậy, chúng ta hãy siêng năng đọc Lời Chúa hằng ngày và đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để múc lấy sức sống thần linh, hầu được phát triển về đức tin, cậy, mến như tổ tiên, ông bà của chúng ta vậy.

Nguồn: Lm. Bosco Dương Trung Tín, Tiểu sử và chân dung 118 vị Tử Đạo Việt Nam. pdf (đính kèm tập tin).


[1] Ga 15, 13
[2] Sokrates, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
[3] hdgmvietnam.com, thành lập hàng giáo phẩm việt nam.
[4] Ga 12, 24-25
[5] Tđcv 7, 60
[6] Gl 2,20