THỨ BẢY SAU LỄ TRỌNG KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
LỄ TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ MARIA

Trong Giáo Hội Công Giáo, tháng 6 hàng năm luôn được dành riêng cho việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, để tôn thờ Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa được tỏ bày nơi Chúa Giêsu, nhất là qua cái chết trên thập giá của Ngài. Biến cố chiều thứ sáu Tuần Thánh, trên đồi Can-vê, một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu, tức thì máu cùng nước chảy ra[1], thể hiện rõ ràng và cụ thể nguồn mạch không hề cạn của lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa dành cho con người.

Thụ tạo đầu tiên được hưởng kho tàng ân sủng này chính là Đức Maria: “Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà[2].Sau lời chào đặc biệt này của Sứ Thần và sau khi đã hiểu kế hoạch của Thiên Chúa, Đức Maria đã đáp lời “xin vâng” với tất cả tình yêu từ Trái Tim Mẹ. Có thể nói Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu trong trái tim Mẹ trước khi cưu mang trong cung lòng Mẹ và từ khi đó Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ đã luôn cưu mang Chúa Giêsu và Lời của Ngài: “Maria ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy niệm trong lòng” “Còn Mẹ Ngài thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng[3].

Thiên Chúa đã chọn Đức Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế, cộng tác vào công trình cứu chuộc của Người. Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể với một trái tim con người. Như thế, ngay từ ban đầu, hai Trái Tim đã kết hợp với nhau một cách đáng tôn thờ. Vào lúc trái tim Chúa Giêsu  bị người lính lấy giáo đâm thâu, trái tim của Đức Maria cũng bị đâm thâu bởi lưỡi gươm đau khổ.

Năm 1830, khi hiện ra với thánh nữ Catherine Labouré để trao cho Chị sứ mạng truyền bá đặc ân Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội qua phương thế Mẫu Ảnh Phép Lạ: mặt phải là hình Mẹ đứng giang hai cánh tay xuống với những tia sáng, tượng trưng cho những ân sủng Thiên Chúa ban cho con người nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ; mặt trái là chữ M trên có thánh giá, phía dưới là hai quả tim. Chị Catherine Labouré  nhìn ngắm Mẫu Ảnh và suy nghĩ phải để mặt trái như thế nào thì nghe tiếng nói: “Chữ  M và hai trái tim cũng đủ rồi[4]

Trái tim của Chúa Giêsu có vòng gai chung quanh, nhắc nhở chúng ta biết rằng cuộc thương khó của Chúa Giêsu là sự biểu lộ tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với loài người. Trái tim của Đức Maria bị lưỡi đòng đâm thâu, kề bên Trái Tim Chúa Giêsu có vòng gai quấn xung quanh, không chỉ nói lên sự khăng khít của tình mẫu tử, mà còn nói lên sự liên kết đặc biệt của Mẹ Maria trong mầu nhiệm cứu độ mà Đức Giêsu thực hiện. Hơn ai hết, Mẹ được hiệp thông sâu xa với những đau khổ của Con Mẹ. 

Năm 1854, Đức Giáo Hoàng  Piô IX công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Bốn năm sau, năm 1858, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh nữ Bernadette và nói tên mình: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”, như con dấu đóng ấn cho tín điều trên. Năm 1917, với 3 trẻ tại Fatima, thì một trong 3 mệnh lệnh của Đức Mẹ khi hiện ra cũng là “Hãy tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.[5]

Kỷ niệm 25 năm sau biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, vào năm 1942, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cũng vào năm ấy, ngài đã chọn mừng lễ này vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Ngày 4 tháng 5 năm 1944, ngài loan báo mở rộng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cho Giáo Hội hoàn vũ.

 Với những cải cách về phụng vụ trong Công Đồng Vatican II, lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được dời về một ngày ngay sau Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chính là ngày thứ bảy sau Chúa Nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống.[6]

Thánh Augustino đã nói: “Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi sự cộng tác của mỗi người chúng ta, vì mỗi người đều có một vai trò và vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Noi gương Mẹ, chúng ta lắng nghe và thuận theo những gợi mở của Thiên Chúa, qua những biến cố lớn nhỏ hằng ngày và cộng tác với tất cả tâm hồn, sức lực và trí khôn để đón nhận được tất cả sự bình an hạnh phúc Chúa dành cho mỗi người và kế đó, chúng ta truyền tải bình an hạnh phúc của Thiên Chúa đến cho nhân loại.
Xin Mẹ cầm tay con và dắt đi theo Mẹ!



[1] Ga 19, 34
[2] Lc 1, 28
[3] Lc 2, 19.51
[4] NTBAVSVN, Đức Mẹ và thánh nữ Catherine Labouré, trang 30. 
[5]http://www.cungmedonghanh.com
[6]www.tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/loi-chua-moi-ngay