Đây là chứng từ của một người đã hành hương đến nơi Cung Thánh này là Thánh Tâm Chúa Giêsu và đã được biến đổi, đó là Thánh Nữ Louise de Marillac (Xem thêm về thánh nữ Louise De Marillac), là vị đã cùng với Thánh Vinh Sơn Phaolô sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn.

Mặc dù các thị kiến của Trái Tim Chúa Giêsu cho thánh nữ Marguerite Marie Alacoque được diễn ra vào hậu bán thế kỷ 17 (1673-1675) và gần 2 thế kỷ sau, Đức Giáo Hoàng Piô IX mới chính thức thiết lập ngày lễ này trong Giáo Hội. Thánh nữ Louise sống phần lớn vào tiền bán thế kỷ 17 (1591-1660), thời mà người giáo dân không được tư do đọc Kinh Thánh, thì ngài đã xin phép cho cả hai vợ chồng cùng đọc.

Khi đọc và suy niệm Phúc Âm, Thánh Nữ chiêm ngắm đôi mắt nhân từ, cái nhìn dịu hiền của Chúa Giêsu đầy tình âu yếm và lòng trắc ẩn đối với tất cả mọi người mà Chúa đã gặp gỡ: người đàn bà góa đưa con trai mình đi an táng, người phụ nữ Canaan… Chiêm ngắm Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari, Thánh Nữ đã cảm nghiệm:Chúa Giêsu tỏ hiện một tình yêu lớn hơn để người tội lỗi hoán cải. Trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari, nơi chốn và các lời nói của Ngài chứng tỏ tình yêu ấy”[1].

Chính vì vậy, Louise rất thường xuyên van xin Chúa dủ lòng thương xót: Ôi lạy chúa, xin dạy con biết cách nhận được sự giúp đỡ của Chúa cho các nhu cầu của con. Con phải nhìn nhận sự thật của tính hư vô và tất cả các nỗi khốn khổ của con để lôi cuốn sự lớn lao của lòng Chúa thương xót.[2]

Ngài hoàn toàn khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa: Con thờ lạy Chúa, ôi Chúa nhân lành. Con nhìn nhận rằng chính nhờ Chúa mà con được tồn tại. Vì tình yêu Chúa dành cho con, con hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa, tùy Chúa sử dụng con. Mặc dù hoàn toàn bất lực và suy giảm do tội lỗi của con, con xin phó thác vào lòng Chúa thương xót và con xin Chúa, vì tình yêu Chúa đối với các thọ tạo của chúa, xin ban Thánh Thần giúp đỡ con thực hiên thánh ý Chúa.[3] 

 Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu nơi Thánh Nữ Louise de Marillac ngày càng nồng cháy và sâu sắc, đã toát lên đầu ngọn viết và chính tay Ngài đã vẽ lên bức họa tuyệt vời về Lòng Thương xót của chúa Giêsu, thể hiện một vị THIÊN CHÚA CỦA ĐỨC ÁI. Tâm tình này của ngài cũng được diễn đạt qua lời cầu nguyện của ngài và còn để lại cho chúng ta ngày nay.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu,
Ngọn lửa Tình Yêu Thiên Chúa, con xin ngợi khen, chúc tụng, yêu mến và thờ lạy Ngài với tất cả khả năng của tâm hồn. Con xin dâng lên Ngài tất cả và vĩnh viễn cùng với những tâm tư, ý nghĩ, lời nói và việc làm, dự định và ước mong.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu,
Làm sao con có thể yêu mến, ngợi khen tôn vinh Ngài, như Ngài đã yêu mến, ngợi khen, tôn vinh Chúa Cha.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu,
Xin hãy là Đấng sửa chữa mọi khuyết điểm của con, Đấng bảo vệ đời con, nơi nương náu và cậy trông an toàn của con trong giờ chết. Con cũng xin ơn này cho tất cả những ai đang hấp hối, và tất cả những người còn sống trên trần gian, để giọt máu quí giá Ngài đã đổ ra không trở thành vô ích đối với họ. Con cũng xin Ngài dùng máu ấy xoa dịu các linh hồn trong luyện ngục.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu,
Đó là ân huệ duy nhất con cầu xin ngài trong từng giây phút tim con còn đập, trong từng hành vi, từng việc làm của con, cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Amen


Đây là bức tranh của thánh nữ Louise de Marillac, mang tên:
THIÊN CHÚA TÌNH YÊU (Le Seigneur de la Charité)

Nếu quan sát kỹ bức tranh, chúng ta nhận thấy đôi mắt của Chúa Giêsu dịu dàng nhìn xuống người nào nhìn Ngài và hình như đang nói với người ấy hoặc đang lắng nghe người ấy. Đầu Ngài hơi cúi như để đáp lại một lời xin. Chân Ngài đứng vững trên một quả cầu, nói về tương quan của Ngài với thế gian và ý muốn của Ngài hoàn toàn sẵn sàng đến với chúng ta. Đôi tay mở ra của Ngài biểu lộ ước muốn đón nhận chúng ta. Không sợ chứng tỏ những vết thương của mình, Chúa Giêsu chọn nỗi đau khổ mà ngài đã đảm nhận vì chúng ta. Điều đánh động nhất là Trái Tim Đức Giêsu tỏa ánh sáng để nói lên tình yêu vô biên của Ngài cho mỗi người chúng ta, anh chị em của ngài. Mỗi yếu tố của sự thể hiện này về Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống mật thiết với ngài.”[4]  

LẠY TRÁI TIM ĐỨC CHÚA GIÊSU HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG TRONG LÒNG,
XIN UỐN LÒNG CHÚNG CON NÊN GIỐNG TRÁI TIM CHÚA.


[1] Louise de Marillac, Bút tích trang 698
[2] Nt. trang 771
[3] Nt. trang 689
[4] Sr. Kathleen APPLER, NTBA-thư 02.02.2019