NHỊP BƯỚC BÊN MẸ ĐI ĐẾN BÊLEM

Các bạn thân mến,
Chỉ còn 8 ngày nữa là đến ngày sinh nhật của Chúa Hài Đồng Giêsu . Mừng sinh nhật con, không thể nào không nhớ ơn mẹ, vì mẹ đã cưu mang con trong lòng mẹ 9 tháng với biết bao trìu mến, nhưng cũng không ít cơ cực của việc “mang nặng đẻ đau”.

Là những người con hiếu thảo của Mẹ Maria, chúng ta hiệp thông với toàn thể Giáo Hội dành 8 ngày này để cùng nhịp bước với Mẹ trong chuyến đi của Mẹ và Thánh Giuse về nguyên quán để khai tên tuổi[1], đúng vào thời gian mà bất cứ phụ nữ nào sắp “ở cữ” như Mẹ cũng cần phải được nghỉ ngơi dưỡng sức.

Con đường từ Nadarét tới Belem dài hơn 150 cây số. Đó là một chặng đường quá sức gay go đối với Đức Mẹ và cả thánh Giuse, vì thời đó đường chưa được bê tông hóa, và phương tiện di chuyển duy nhất là dùng lừa hay lạc đà. Ngoài lương thực mang theo, chắc chắn các Ngài phải dừng lại nhiều lần để nghỉ chân hoặc nghỉ đêm ở ven đường hoặc quán trọ nào đó và phải đón nhận rất nhiều thiếu thốn và bất tiện cho một phụ nữ sắp tới ngày sinh con!!!



LẠY ĐỨC KITÔ LÀ VỪNG ĐÔNG XUẤT HIỆN…

Nhiều người đã trải qua những đêm đen mất ngủ vì bệnh tật, vì lo lắng, vì gặp hiểm nguy… chỉ mong trời mau sáng để có một cơ may nào mới chăng, nhưng càng mong càng chẳng thấy đâu! Vì thế, ca dao Việt Nam có câu: “Thức khuya mới biết đêm dài”, còn Cố Giám Mục nhạc sĩ Thông Vi Vu thì cụ thể hơn nữa: Đôi khi phải thức đêm dài mới thấy quý giờ phút ban mai”.

 Thật vậy, ngay khi bình minh ló rạng, đêm tối bị đẩy lui và tất cả những gì là ám muội của nó đều tan thành mây khói. Vì là dấu chỉ của một ngày mới xuất hiện, bình minh đem đến tươi vui, sức sống và hy vọng.

Thời Cựu Ước, dân Chúa  đã trải nghiệm cảnh đêm tối tội lỗi của tâm hồn và hết lòng trông đợi ơn tha thứ của Thiên Chúa, như người lính gác đêm trông chờ trời sáng để được giải thoát khỏi mọi nỗi lo sợ của đêm đen, của kiếp lưu đầy, của chết chóc đang rình rập: “Mong đợi CHÚA, tôi hết lòng mong đợi,  cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông”[1].

Chúa không bao giờ để họ phải rơi và cảnh vô vọng: Biến cố lịch sử được trở về nước, sau 47 năm lưu đày Babylon (585-538 tCN), nhờ sắc chỉ Cyrô năm 538, là một biểu trưng không thể chối cãi được: chỉ mình Thiên Chúa mới có thể giải cứu. Những người được cứu cứ tưởng mình đang mơ và niềm vui bừng lên trong họ! Ngay cả dân ngoại cũng ngạc nhiên và cất lời ca tụng:

Khi CHÚA dẫn tù nhân Xi-on trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.
Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán: Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay!”[2]

Đến thời Tân Ước, khi Gioan Tẩy Giả ra đời, ông Dacaria, cha của bé, đã nói tiên tri về sứ mạng của con ông: Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết : Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an[3].

Như vậy, Vầng Đông là biểu tượng của niềm hy vọng: Đấng Cứu Thế đến mở đầu thời đại mới của Thiên Chúa.

Hơn bao giờ hết, sự dữ ngày càng tung hoành khắp nơi: chiến tranh, ngập lụt, hạn hán, tai nạn giao thông, các tệ nạn xã hội, khủng bố và nhất là đại dịch Covid-19… gây tang tóc nhiều nơi trên thế giới. Khủng khiếp hơn nữa là bóng tối tử thần của tội lỗi đang bao trùm khắp đó đây…

Hoàng Tử Thiên Đình đang ngự trong cung lòng Mẹ Maria, chúng ta hãy nhờ Mẹ chuyển tới Hoàng Tử lời cầu xin tha thiết: Lạy Đức Kitô là Vừng Đông xuất hiện, là hào quang tỏa ánh sáng muôn đời, gương mặt trời chiếu tỏ đường công chính: xin Ngài thương ngự đến sáng soi những kẻ ngồi dưới bóng đêm thần chết.”[4]



Bài viết liên quan:
NHỊP BƯỚC BÊN MẸ ĐI ĐẾN BÊLEM – BƯỚC THỨ NHẤT
NHỊP BƯỚC BÊN MẸ ĐI ĐẾN BÊLEM – BƯỚC THỨ HAI
NHỊP BƯỚC BÊN MẸ ĐI ĐẾN BÊLEM – BƯỚC THỨ BA
NHỊP BƯỚC BÊN MẸ ĐI ĐẾN BÊLEM – BƯỚC THỨ TƯ


[1] Tv 130, 5-6
[2] Tv 126, 1-2
[3] Lc 1, 76-79
[4] GKPV, ĐCTM Kinh Chiều 21.12