Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, phát biểu ngày 05/3/2018 tại điện Vatican, khi phái đoàn được triều yết ĐTC Phanxicô.

Tháng 10 đã sang trang và nhường ngôi…Như vậy, thời gian tính của tháng Truyền Giáo  Ngoại Thường và tháng Mân Côi đã hết. Tuy nhiên, tính chất của hai việc này vẫn tồn tại và hoạt động trong mỗi Kitô hữu, vì truyền giáo là bản chất ta đã lãnh nhận khi được rửa tội và chuỗi Mân Côi là phương thế hiệu nghiệm nhất cho việc truyền giáo. Vì thế, chúng ta tiếp tục đào sâu hơn về căn tính của mình để ngày càng sống tốt hơn như những người con hiếu thảo của Thiên Chúa trong lòng mẹ Giáo Hội.

Trong cuộc viếng thăm Ad Limima năm 2018 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Chí Linh đã có diễn từ triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó Ngài nêu ra một thống kê về giáo dân Công giáo Việt Nam sau 1975:từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, con số bảy triệu người Kitô hữu tại Việt Nam hầu như không hề gia tăng.” [1]

Theo thống kê của trung tâm nghiên cứu Pew năm 2013[2] , tỉ lệ người Công giáo trên tổng dân số tại Châu Á chỉ là 3%, trong khi Châu Á cũng chính là quê hương của Chúa Giê-su và của các Thánh tông đồ. Trong thông điệp về truyền giáo của Giáo Hội, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết rằng:sứ vụ của Đức Giêsu, Đấng cứu thế đã trao phó cho Giáo hội, vẫn chưa được hoàn tất. Vào cuối thiên niên kỷ thứ 2, kể từ khi Người đến, cái nhìn tổng quát về nhân loại cho ta thấy sứ vụ đó vẫn còn ở giai đoạn đầu, và chúng ta phải dấn thân hết mình“.

Chắc chắn nhiều người trong chúng ta đặt câu hỏi: “Tại sao vậy?” Chúng ta đều biết truyền giáo chính là một trong những lệnh truyền quan trọng nhất của Chúa Giê-su, và đó chính là chúc ngôn của Ngài cho các môn đệ và cho tất cả anh chị em Ki-tô hữu, trước khi về Trời: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.[3]

Kể từ khi Chúa về Trời đến nay, Giáo Hội khắp nơi trên thế giới vào mọi thời đều có nhiều nỗ lực thực hành chúc ngôn này. Riêng tại Việt Nam, kể từ sau biến cố 1975, Giáo Hội Việt Nam chọn đi theo đường hướng sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc của thư chung HĐGMVN gửi cho dân Chúa. Trong suốt những năm tiếp theo Giáo Hội Việt Nam đã đi sát với giáo huấn của Giáo Hội hoàn vũ, mời gọi các Kitô hữu sống sâu sát hơn với các giá trị Tin Mừng trong năm đức tin 2013, năm tân phúc âm hóa đời sống gia đình 2014, năm đời sống thánh hiến 2015, năm thánh lòng Chúa thương xót 2016.  

Trong nhiều giáo phận đã có những chương trình đào tạo về các công tác mục vụ, các hoạt động tông đồ cho giáo dân nhằm thúc đẩy sự liên đới và hợp tác để sống Đức Ái và trở thành thừa tác viên loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, phong cách giữ đạo tại Việt Nam vẫn như cũ, nặng về hình thức và không có chiều sâu, kinh kệ nhiều, nhà thờ đầy người, nhưng đạo không có ảnh hưởng mấy trong xã hội[4]  

Ngoài ra, nói đến truyền giáo là chúng ta thường hay nghĩ đến việc ra đi đến những nơi xa xôi để rao giảng Tin Mừng. Điều này đúng, như mẫu gươngĐức Giám Mục Jean CASSAIGNE, nhà truyền giáo bệnh nhân phong mới được mừng lễ giỗ lần thứ 46 hôm 31.10 (Click để xem); nhưng không phải chỉ có thế. Một nữ tu Dòng Cát Minh vốn dĩ chỉ giới hạn trong khuôn viên nhỏ của Nhà Kín như chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu lại được Giáo hội chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang tầm với thánh Phanxicô Xaviê, bởi Chị thánh đã làm tất cả những việc tầm thường nhỏ bé một cách phi thường, nghĩa là với Tình Yêu. Đối với Têrêsa:“ Nếu không có Tình Yêu các tông đồ sẽ không ra đi loan báo Tin Mừng. Nếu không có tình yêu các vị tử đạo đã chối từ đổ máu”. Chị xác tín “hành động nhỏ bé nhất mà do tình yêu tinh tuyền sẽ có ích hơn là tất cả những công trình khác hợp lại với nhau mà không có tình yêu (Tự Thuật). Vì thế, dù rất mệt nhọc vì bệnh lao phổi, chị vẫn vâng lời bác sĩ đi dạo trong vườn mỗi ngày, dâng lên Chúa những bước chân đau đớn này, cầu nguyện cho những nhà truyền giáo đang băng rừng lội suối để chăn dắt đoàn chiên. Ngoài ra, Chị không bỏ lỡ một hy sinh nhỏ bé nào để dâng lên Chúa với ý chỉ cứu các linh hồn, ví dụ nhặt một cọng rác hay đón nhận những sự bị chị em coi thường, nói xấu…

Gần gũi chúng ta hơn là ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: bị nhốt tù trong một góc nhỏ hẹp, dơ bẩn, thiếu thốn mọi thứ. Với hết lòng yêu mến Chúa ngài đón nhận tất cả, không hề than phiền hay oán trách ai. Ngài đã biến nơi đó thành cánh đồng truyền giáo và làm cho những người sống gần ngài, từ thù địch trở thành bạn hữu. Qua ngài, họ đã biết và yêu mến Chúa; bằng chứng cụ thể là Phaolô Nguyễn Hoàng Đức[5], một trong số những cai ngục đã trở thành một tín hữu tốt lành, bước đi trên con đường mà Đức Hồng Y đã linh hướng, con đường chứng nhân hy vọng.

  Chúng ta được mời gọi, giữa xã hội thông tin tân tiến như hiện nay, mỗi người tín hữu thành tâm yêu mến Chúa đều có thể và phải quyết tâm thi hành sứ mạng truyền giáo của mình qua chuỗi Mân Côi, những hy sinh nhỏ bé hằng ngày và những phương tiện truyền thông xã hội hiện đại để biến tất cả thành những nhịp cầu yêu thương, vì những người đang yêu thì không bao giờ ở yên; họ được kéo ra khỏi con người họ; họ được thu hút bởi người khác; họ hiến mình cho người khác và xây dựng những mối quan hệ trao ban sự sống[6].


[1] http://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-tu-trieu-yet-duc-thanh-cha-phanxico-32064
[2] www.pewforum.org-the+global+catholic+population
[3] Mt 28,19
[4] Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, bài thuyết trình tại hội thảo về LBTM với các Dòng Tu, ngày 29-31.8.2016

[5] http://svconggiao.net
[6] ĐTC  Phanxicô, sứ điệp truyền giáo 2019