ƠN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA
Giáo Hội đã suy gẫm về những biến cố cứu độ trong Đức Kitô và từng bước nhận thức những hoa trái của ơn cứu độ trong đó dung mạo của Đức Maria đã sáng tỏ dần một cách kỳ diệu. Dân Chúa, mỗi khi hướng về Đức Maria trong lòng tin, vẫn luôn cảm thấy nô nức mến yêu. Lòng sùng mộ ấy đã thể hiện qua những lễ mừng trong phụng vụ và nhiều hình thức biểu lộ tâm tình khác.
LỊCH SỬ
- Sự thánh thiện của Đức Maria
Ban đầu người ta không có đặt vấn đề về thụ thai vô nhiễm nhưng là sự thánh thiện của Đức Maria. Người ta xưng tụng Đức Maria là “Đức Thánh Trinh Nữ”, “rất thánh”, “rất tinh tuyền” . Từ đó, người ta nhìn nhận sự thánh thiện vẹn toàn của Đức Maria như là hệ quả tất yếu của chức làm Mẹ Thiên Chúa.
- Thánh Augustinô và cuộc tranh luận với phái Pêlagiô
Pêlagiô (một đan sĩ Rôma gốc Anh, k.360-k.422) chống lại thuyết Manikêô bằng một thái độ lạc quan thái quá về những khả năng của bản tính con người, làm nguy hại đến vai trò của ân sủng. Pêlagiô trưng dẫn trường hợp Đức Trinh Nữ Maria “mà nhất thiết phải nhìn nhận là vô tội”. Thánh Augustinô nói rằng sự thánh thiện nơi Đức Maria là một luật trừ, kết quả của ân sủng, chứ không phải nhờ ý chí tự do.
Julien Giám mục Êclane (k. 386 – k. 445), (Italia), người kế tục Pêlagiô khẳng định: Nơi Đức Maria, không phải vắng bóng tội riêng mà tội tổ tông truyền.
Augustinô trả lời rằng thân phận nhân sinh của Đức Maria được xóa bỏ nhờ ơn tái sinh. Người ta đã thấy ở đây sự phủ nhận việc thụ thai vô nhiễm. Theo Augustinô, tình dục kèm theo động tác truyền sinh, là nhân tố lưu truyền tội nguyên tổ.
- Lòng tin của dân Chúa và phụng vụ của Giáo Hội
Sau công đồng Êphêsô (431), định tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, niềm vui và khát vọng sự cao sáng nơi Đức Maria có dịp nở rộ trong khắp Giáo Hội. Người ta không còn gán tội lỗi hay khuyết điểm cho Đức Maria nữa. Các giáo phụ và các nhà giảng thuyết dựa trên lòng tin của dân Chúa, cố gắng minh giải, xác định và gạn lọc những tình cảm và trực giác, thường được thêu dệt bởi những chi tiết huyền hoặc, nhờ đó Giáo Hội chuyển lòng tin thành biểu thức phụng vụ.
Phụng vụ: Bên Đông phương, cuối thế kỷ 7, có lễ sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8 tháng 9, rồi lễ kính việc Thụ thai Đức Mẹ ngày 8 tháng 12. Giáo lý và thần học nhân đó được triển khai, đặc biệt qua các bài giảng thuyết.
Bên Tây phương, lễ Thụ thai Đức Mẹ được du nhập vào nước Anh ở giữa thế kỷ 11 rồi tràn sang lục địa. Nhân dịp này, một môn đệ của thánh Anselmô (1033-1109), lần đầu tiên dạy rõ: Đức Maria đã được gìn giữ khỏi nguyên tội ngay từ khi thụ thai, do một đặc ân của Thiên Chúa”
- Thời Trung Cổ
Bế tắc: Vấn đề Đức Maria vô nhiễm nguyên tội lâm vào thế bí, vì thời Trung Cổ, theo quan niệm của thánh Augustinô, đồng hóa nguyên tội với tình dục, nên khó mà hiểu được rằng Đức Maria vô nhiễm nguyên tội.
- Các bậc tôn sư thời kinh viện
Từ thế kỷ 13 là cao điểm của suy tư thần học thời Trung Cổ, nhưng các vị tôn sư này vẫn không tìm ra giải đáp.
Lý do khiến thánh Tôma Aquinô phủ nhận việc Đức Maria không mắc nguyên tội là sự kiện Đức Kitô là Đấng cứu chuộc toàn thể nhân loại. Theo ngài, Đức Maria đã mắc nguyên tội nhưng đã được sạch tội trước khi từ lòng mẹ sinh ra.
Vậy vấn nạn duy nhất còn lại là việc Đức Maria phải được Con của ngài cứu chuộc.
- Chân phước Duns Scot OFM (1266-1308)
Ngài là người đã tìm ra giải đáp cho vấn nạn chính. Đức Kitô có thể gìn giữ Đức Maria khỏi nguyên tội. Khi đưa ra ý niệm “tiền cứu chuộc”, ngài liên kết nơi Đức Maria ơn vô nhiễm với sự cần đến ơn cứu độ. Như thế ơn vô nhiễm nguyên tội không đặt Đức Maria ngoài vòng ảnh hưởng của ơn cứu chuộc mà trái lại Đức Maria được cứu chuộc một cách hoàn hảo hơn.
- Tiến tới định tín
Lập trường của Duns Scot đã khơi lên một cuộc tranh luận dai dẳng và kịch liệt giữa trường phái Đaminh (chủ trương Đức Maria mắc nguyên tội) và Phanxicô (chủ trương Đức Maria vô nhiễm nguyên tội), nhưng luận cứ của Duns Scot đã đảo ngược tình thế.
Năm 1476 : ĐGH Sixtô IV (1471-1484) chuẩn y bản văn thánh lễ và kinh thần vụ (nhật tụng) kính Đức Maria vô nhiễm.
Năm 1546 : Công đồng Triđentinô, trong sắc lệnh tín lý về tội nguyên tổ, tuyên bố : « không có ý nói tới Đức Trinh Nữ Maria hồng phúc và vô nhiễm »
- Những giai đoạn cuối cùng
Năm 1661 : Đức Alexandrô VII (1655-1667) xác nhận Tông tòa ủng hộ « niềm tin tưởng rằng linh hồn Đức Trinh Nữ hồng phúc, vào lúc được tạo dựng,…được gìn giữ khỏi nguyên tội ». ĐGH cũng ủng hộ lễ phụng vụ mừng Đức Maria vô nhiễm, ấn định ý nghĩa, đối tượng, cấm mọi công kích niềm tin này.
Năm 1708 : ĐGH Clêmentê XI (1700-1721) truyền lệnh mừng lễ Đức Maria vô nhiễm trong toàn Giáo Hội.
Như vậy, Giáo Hội, trong 3 thế kỷ, cứ dần dần nhích lại gần với việc định tín.
Ở thế kỷ 17, thánh Louise de Marillac, Đấng sáng lập Tu hội Nữ Tử Bác Ái cùng với thánh Vinh Sơn Phaolô, đã có những trang tuyệt vời ghi lại những suy tư của ngài về mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội, tuy chân lý này thời đó chưa được tuyên tín.
Ở thế kỷ 19, năm 1830, một tập sinh Nữ Tử Bác Ái (thánh nữ Catarina Laburê), đã được Đức Mẹ hiện ra trong nhà nguyện của Nhà Mẹ ở Paris, và truyền đúc Mẫu Ảnh hay làm phép lạ, trên đó có ghi hàng chữ : « Lạy Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ ». Sự kiện này xảy ra 24 năm trước khi tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được định tín.
A. ĐỊNH TÍN TÍN ĐIỀU
Ngày 8 tháng 12 năm 1854, ĐGH Piô IX (1846-1878) ra sắc chỉ Ineffabilis Deus định tín tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội.
- Ý nghĩa
Đặc ân nói về việc Đức Maria được thụ thai và về chính bản thân Đức Maria ; ngay từ giây phút đầu tiên đã có ơn thánh hóa, có đời sống ân sủng, linh hồn và toàn bản thân không hề bị vương nhiễm nguyên tội.
Đức Maria không mắc nguyên tội và mọi tì ố do nguyên tội. Không nói tới việc Đức Maria có mang lấy những hậu quả của nguyên tội hay không.
Nguyên nhân của đặc ân : vì nhắm (nhìn) tới những công nghiệp chắc chắn sẽ có của Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc loài người.
Cách thế được gìn giữ : do một ân sủng đặc biệt nghĩa là một hồng ân phi thường. Đức Maria được thánh hóa theo đường lối ngoại lệ, khác với mọi tín hữu khác ; một ân huệ nhưng không, xuất phát từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
- Nền tảng Kinh Thánh
ĐGH xác định việc Đức Maria được thụ thai vô nhiễm là một đạo lý do Thiên Chúa mạc khải.
Trong Kinh Thánh, không có đoạn văn nào nói rõ rằng Đức Maria không mắc nguyên tội. Tuy nhiên, Giáo Hội đã tìm thấy những nền tảng trong Kinh Thánh khả dĩ đưa đến khẳng định đây là một chân lý được Thiên Chúa mạc khải. Hai đoạn Kinh Thánh quan trọng nhất thường được trích dẫn là St 3, 15 và Lc 1, 28.
- Sự xác nhận của Đức Maria
Trong lần hiện ra với Bernadette Soubirous ngày 25 tháng 3 năm 1858, tại Lộ Đức, miền Nam nước Pháp, Đức Maria đã xưng mình là « Đấng vô nhiễm nguyên tội », như để xác nhận tín điều ĐGH Piô IX đã công bố 4 năm trước đó.
B. ĐỨC MARIA VÀ ĐỜI SỐNG TU ĐỨC CỦA CHÚNG TA
- Dưới khía cạnh đời sống kitô giáo, vì Đức Maria được gìn giữ khỏi dục vọng, nên ngài không thể nêu gương cho chúng ta trong cuộc chiến đấu chống lại dục vọng. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã muốn an bài như thế để dạy cho chúng ta, qua Đức Maria, đâu là lý tưởng chúng ta phải vươn tới và nỗ lực phấn đấu. Đức Maria giúp đỡ chúng ta trong cuộc chiến chống dục vọng. Nhân đức anh hùng của Đức Maria không ở nơi chiến đấu chống dục vọng, nhưng nơi lòng tin, sự vâng phục khiêm tốn và kiên nhẫn chịu đựng những đau khổ mãnh liệt trong tâm hồn, kết hợp với cuộc khổ nạn của Con ngài.
- Sự tinh tuyền có một không hai của Đức Maria, thay vì làm Mẹ xa cách chúng ta, lại khiến Mẹ rất gần gũi với chúng ta. Đôi khi người ta nói, muốn thông cảm với một người nào, thì phải có cùng những trải nghiệm của người đó, phạm cùng những lầm lỗi,…Điều này là sai. Con tim càng tinh tuyền thì càng có khả năng rung động trước những niềm vui hay cảm thông với những nỗi buồn của kẻ khác. Đức Maria, Mẹ chúng ta, là người nữ duy nhất có khả năng hoàn toàn cảm thông với chúng ta. Lòng trắc ẩn của ngài đối với chúng ta thật vô bờ bến. Mẹ luôn ý thức mình thuộc dòng giống loài người, dòng giống những kẻ tội lỗi, và sở dĩ Mẹ được gìn giữ khỏi sự dữ, đó chính là “vì chúng ta và vì phần rỗi của chúng ta”.
- Đức Maria được Thiên Chúa ban đầy ân sủng. Tất cả là do ơn nhưng không của Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên Mẹ đã hoàn toàn cộng tác với ơn Chúa, qua thái độ vâng phục và hiến dâng, cho đến dưới chân Thập giá, trong và sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Chúng ta cũng đã nhận được vô vàn ân sủng của Chúa (xem Ep 1, 3-14). Chúng ta cần đặt cho mình câu hỏi này: “Tôi đã làm gì với ơn Chúa?”. Thánh Phaolô kêu mời các tín hữu: “Chúng tôi khuyên nhủ anh em đừng để ơn nhận lãnh từ Thiên Chúa ra vô hiệu” (2 Cr 6, 1). Bởi chưng, người ta có thể để ơn Chúa không sinh hiệu quả nào. Thật đáng sợ, vì ơn Chúa kéo theo trách nhiệm. Điều này xảy ra khi chúng ta không đáp ứng ân sủng đã lãnh nhận,khi chúng ta không vun xới để nó sinh hoa quả của Thánh Thần (Gl 5, 22). Không thể vừa sống trong ân sủng vừa sống trong tội lỗi. Như thế là đáp lại ơn Chúa bằng sự vô ơn, là muốn sự sống và sự chết ở chung với nhau. Một điều quái gở!