Các bạn thân mến,

Khi đón tiếp một vị khách quí hoặc mừng một lễ đặc biệt của người thân, chúng ta thường hay kết vòng hoa và đeo vào cổ hoặc đội lên đầu cho người đó, để nói lên sự yêu thương trân quí ta dành cho họ.

Cũng thế, đã từ rất lâu trong Giáo Hội, các con cái của Mẹ vẫn thường tỏ lòng kính mến Mẹ bằng cách dâng lên Mẹ những bông hồng thiêng liêng tức là kinh Mân Côi và kết thành tràng hoa mân côi.

  • Năm 1571, Đức Thánh Cha Piô V thiết lập lễ Đức Mẹ Mân Côi và ấn định lễ mừng là ngày 7 tháng 10 hằng năm.
  • Đức Thánh Cha Piô IX (1846-1878) ban nhiều ân xá cho những giáo dân tích cực tham gia việc tôn kính Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi trong tháng 10.
  • Đức Thánh Cha Lêô XIII (1878-1903), qua các thông điệp và sắc lệnh, đề cao việc tôn sùng kinh Mân Côi và ban nhiều ân xá và đại xá cho ai lần hạt Mân Côi với lòng tin kính và yêu mến.

Từ đó, tháng 10 đã trở thành tháng Mân Côi kính Đức Mẹ.[1]

Ngày 13.10.1917,  từ Fatima, Đức Mẹ đã nhắn nhủ các con cái trên toàn thế giới, như một điều kiện khẩn thiết để thế giới được Hòa bình: “Hãy siêng năng lần hạt; hãy cải thiện đời sống; hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ”.

Ngày 16 tháng 10 năm 2002, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Triều Đại Giáo Hoàng của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ra Tông Thư ‘Kinh Mân Côi Kính Đức Trinh Nữ Maria’ (ROSARIUM VIRGINIS MARIAE) để khai mạc Năm Mân Côi (từ tháng 10. 2002 đến tháng 10. 2003) kính Đức Trinh Nữ Maria và để cầu nguyện cho hòa bình trong gia đình và trên thế giới. Trong Tông Thư này, Đức Thánh Cha cũng ban huấn dụ thành lập thêm ‘Mầu Nhiệm Ánh Sáng’.

Ngài nhấn mạnh cách đặc biệt: “Tự bản chất, KINH MÂN CÔI LÀ LỜI KINH CẦU HÒA BÌNH.” Trước hết là Hoà Bình Thế Giới, rồi đến Hòa Bình và Hạnh Phúc trong gia đình, và bình an trong tâm hồn. Ngoài ra, Kinh Mân Côi còn giúp chúng ta biết nghĩ đến và ra tay giúp đỡ những con người nghèo khó và đau khổ trên thế giới này.

 Đức Thánh Cha viết: “Khi biết suy gẫm đích thực, Kinh Mân côi dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa trong mầu nhiệm của Người, và vì thế, chúng ta không thể không quan tâm đến diện mạo Chúa Kitô nơi những người khác, nhất là những người đau khổ nhất.

  • Làm sao chúng ta có thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Hài Nhi ở Bêlem trong Năm Sự Vui, mà lại không có lòng khao khát đón nhận, bảo vệ và cổ võ Sự Sống, và mang lấy gánh nặng của các trẻ em đang đau khổ trên thế giới này?
  • Làm sao chúng ta có thể bước theo Chúa Kitô, Đấng Mạc Khải trong Mầu Nhiệm Sự Sáng, mà không cương quyết làm chứng cho các mối Phúc Thật của Người trong đời sống hàng ngày?
  • Làm sao chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Kitô vác Thánh Gía và chịu đóng đinh mà không nhận thấy cần phải hành động như ông Simon thành Xirênê để nâng đỡ những anh chị em đang quằn quại đau đớn trong ê chề thất vọng?
  • Cuối cùng, làm sao chúng ta có thể chiêm ngắm vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh và của Đức Mẹ Maria, Nữ Vương thiên đàng, mà không khao khát làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, công bằng hơn, và theo sát hơn kế hoạch của Thiên Chúa?”

Điều quan trọng là khi lần chuỗi Mân Côi, không phải chúng ta chỉ đọc ngoài miệng, nhưng vừa đọc để tôn vinh Mẹ và cầu nguyện với Mẹ qua các kinh ‘Kính Mừng Maria…  Thánh Maria…’, vừa suy ngắm các nhân đức của Mẹ qua các Mầu Nhiệm ‘Vui’, ‘Thương’, ‘Mừng’, ‘Ánh Sáng’, và đem áp dụng vào đời sống hàng ngày trong gia đình và xã hội.

Thánh Vinh Sơn Phaolô đã dạy các con cái nam-nữ suy gẫm Kinh Mân Côi:

“Kinh Lạy Cha là lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy cho các Tông đồ của Người; và đó chính là lời cầu nguyện, ít là phần chính yếu, cấu tạo nên chuỗi mân côi: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời…’. Chúng ta hãy hình dung Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta và Người cũng nói với chúng ta như thế.

Lời kinh khác nữa cấu thành nên chuỗi Mân Côi, đó là kinh Kính Mừng, được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần: sứ thần đã bắt đầu lời kinh để chào đức trinh nữ, bà Elissabeth đã tạo nên một phần, khi bà được cô em họ Maria tới thăm; Giáo Hội đã thêm phần còn lại. Như vậy, có thể nói là lời kinh này đã được Chúa Thánh Thần khởi hứng.”[2]

Như vậy, việc đọc kinh Mân Côi là một việc đạo đức đã có từ lâu đời trong Giáo Hội Công Giáo và thường được thực hành hằng ngày tại các chủng viện, tu viện, giáo xứ, gia đình, nhiều gia đình (liên gia), cá nhân trong nhóm “liên kết” hay còn gọi là “chuỗi sống” (mỗi người nhận 1 trong 5 ngắm)…

Nay tháng 10, tháng Mân Côi lại về với chúng ta! hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Mẹ Fatima và tiếp nối truyền thống tốt đẹp, thánh thiện này của Giáo Hội, chúng ta hòa nhịp bước với toàn thể anh chị em dâng lên Mẹ tràng hoa mân côi.

——————–

Tràng hoa Mân Côi

 (Còn tiếp)


LẦN HẠT MÂN CÔI
DÂNG KÍNH ĐỨC MẸ BAN ƠN

Tháng mười là tháng Mân Côi,
Đoàn con của Mẹ dâng lời ngợi ca.
Kính mừng rồi lại Thánh Ma,
Lời kinh dâng Mẹ gấp ba ngày thường.
Ở nhà hay lúc đi đường,
Tay thời lần chuỗi Mẹ thương vô vàn.
Xin gì Mẹ nói Chúa ban,
Dẫu cho bão tố ngập tràn không lo…

Nt. Têrêsa Mai Thị Ngượi

Thông thường, khi cầu nguyện với Kinh Mân Côi, chúng ta có thể dâng lên một số ý nguyện đặc biệt nào đó sau mỗi mầu nhiệm để cầu nguyện theo ý hướng của Đức Thánh Cha hoặc của chính chúng ta.

Năm 2020 được đánh dấu bằng đại dịch Covid-19. Biến cố này đã bắt thế giới phải dừng lại, có thời gian để ngẫm lại điều gì là quan trọng trong cuộc đời mình và từ đó rút ra những bài học sống còn cho nhân loại nói chung và cho mỗi cá nhân nói riêng.

Ngày 09.9 vừa qua, trong buổi tiếp kiến chung có giáo dân tham dự, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chúng ta đối phó với đại dịch bằng tình yêu không giới hạn vì công ích[3]. Trước tiên, lời kinh mân côi của chúng ta cũng mở rộng biên giới để ơn Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, có thể đến với hết mọi người.
 ———————————-

Với tất cả những tâm tình này, chúng ta bắt đầu buổi cầu nguyện hôm nay:

  • Kinh Tin Kính…
  • Kinh Lạy Cha…
  • 3 Kinh Kính Mừng…
  • Kinh Sáng Danh…
  • Sau mỗi ngắm đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng,1 Kinh Sáng Danh và Kinh “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con…”

NGÀY 01/10 (thứ 5)- SUY NIỆM 5 SỰ SÁNG:

Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giê-su chịu Phép Rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng làm con Chúa.

Cầu nguyện cho các Kitô hữu cảm nghiệm được sự tái sinh trong Bí tích Rửa Tội, là được Thiên Chúa thương xót và tha thứ.  

Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giê-su làm phép lạ tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của ngài.

Cầu nguyện cho các đôi bạn đang gặp khó khăn và khủng hoảng trong đời sống gia đình, có sức mạnh vượt qua những thách đố này và trung thành với nhau.

Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.

 Cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng ngày càng có chiều rộng và chiều sâu, để nước Chúa được hiển trị khắp nơi.

Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành lời Chúa.

Cầu nguyện cho những người bạn thân tín nhất được bình an, hạnh phúc.

Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.

Cầu nguyện cho các trẻ em đang chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thánh Thể lần đầu, và cho mỗi người được lòng sùng kính Bí tích Thánh Thể.


Chuỗi Ngọc Mân Côi 


[1]X.  Linh mục Nguyễn Tri Ân, OP – Tìm hiểu gốc tích tháng Mân Côi.
[2] TVS,  Coste X, 620-621
[3] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-dai-dich.html