HẠNH PHÚC THAY!
GIA ĐÌNH CÓ CHÚA NGỰ GIỮA!

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.
Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”
(Lc 1, 38)


Tháng 6 vừa qua, khán giả yêu thích văn hóa K-pop không khỏi bất ngờ và nuối tiếc trước thông tin ly hôn của Song Joong Ki và Song Hye Kyo, hai diễn viên chính trong bộ phim “Hậu duệ Mặt trời”. Trước đó, khi Song Joong Ki và Song Hye Kyo quyết định tiến đến hôn nhân, nhiều người, trong đó phần đông là các bạn trẻ đã hy vọng vào một chuyện cổ tích giữa đời thường. Chuyện cổ tích đó kỳ thực đã xảy ra như mong đợi, nhưng cuối cùng đã kết thúc không có hậu bằng một cuộc ly hôn sau chưa đầy hai năm chung sống.

Quả vậy, ly hôn không còn là cái gì quá xa lạ trong thế kỉ 21 này. Tỷ lệ ly hôn có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt ở các nước phát triển luôn cao hơn với các nước đang phát triển, ở các thành phố luôn cao hơn ở nông thôn. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM), tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. Những con số, những thống kê trên chỉ mang tính chất tương đối, nhưng bằng những trải nghiệm sống của chính mình, chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng: ly hôn đã trở thành một vấn đề báo động của xã hội và cả giáo hội. Bên cạnh những cuộc ly hôn ấy là biết bao nhiêu những rạn nứt âm ỷ đã diễn ra khiến cho người trong cuộc là các cặp vợ chồng cảm thấy mệt mỏi và rệu rã, còn người ngoài cuộc là các bạn trẻ đang tuổi chuẩn bị kết hôn cảm thấy đời sống hôn nhân là một cái gì đó có “mùi tiêu cực”, đôi khi còn nói vui “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”. Nhiều người trẻ ở các thành phố kết hôn muộn hơn, vì muốn có một nền tảng tài chính tốt nhất, để lựa chọn bạn đời cẩn thận hơn… Nhiều người chọn cuộc sống độc thân vì không muốn bất cứ cam kết, ràng buộc nào; phổ biến hơn nữa là họ chọn hình thức “sống thử” như là bước cần thiết để tiến đến hôn nhân. Nhưng cuộc sống thì không có thử, sống thì phải luôn là sống thật, bởi chỉ khi dâng hiến trọn vẹn và thuộc trọn về nhau, các cặp vợ chồng mới hoàn toàn sống được tất cả những vui buồn, hạnh phúc, khổ đau của cuộc sống gia đình. Hàm ẩn sâu xa ở trong những cuộc khủng hoảng, những đổ vỡ ấy là một nỗi sợ, một nỗi bấp bênh mà nguyên nhân chính là sự vắng bóng Thiên Chúa trong đời sống lứa đôi!

Mời bạn cùng nhìn về Thánh Gia Thất để chiêm ngắm gương sống gia đình của các Ngài. Khởi đầu tin mừng của Thánh Luca thuật lại biến cố Truyền Tin xảy ra tại ngôi làng Na-da-rét nhỏ bé. Lúc ban đầu, Mẹ Maria đã rất bối rối khi Thiên Thần báo tin Mẹ sẽ thụ thai và hạ sinh con Thiên Chúa: Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”[1]. Maria – một thiếu nữ thôn quê rất đỗi bình thường, đang tuổi trăng rằm không bối rối sao được khi nhận được sứ thần truyền tin, một tin vượt quá sức tưởng tượng của con người: một Thiên Chúa quyền năng lại xuống làm người trong cung lòng của Mẹ. Thế nhưng Ngôi lời đã nhập thể để làm người thực sự, biến cố đã được tiên tri I-sai-a loan báo từ 800 năm trước Chúa giáng sinh: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”[2]. Vượt qua những sợ hãi, những lo âu ban đầu, niềm tin vào Thiên Chúa đã giúp Mẹ thưa hai tiếng Xin Vâng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”[3].

Tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ đã  khởi đầu cho công trình cứu chuộc,  Ngôi hai Thiên Chúa được nhập thể và sinh ra. Người bạn đời của Đức Maria là Thánh cả Giuse cùng cộng tác để nuôi dưỡng Chúa Giêsu lớn lên trong một gia đình như tất cả mọi người chúng ta. Thật vậy, gia đình là ý định ban đầu của Thiên Chúa về một thế giới tốt đẹp:Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể”[4]. Gia đình chính là nơi tình yêu của Thiên Chúa được tỏ bày cho con người, nơi đó những hoa trái của tình yêu là con cái được lớn lên và triển nở các nhân đức nhân bản và tâm linh, cũng như phẩm giá con người. Thật đáng thương cho rất nhiều những đứa trẻ ngày nay đang phải sống trong đau khổ, mang đầy thương tích trong tâm hồn vì những đổ vỡ của gia đình. Trong những gia đình ấy, người vợ, người chồng luôn có nhiều khác biệt về lối sống, về cách ứng xử…. nhất là sự thiếu chung thủy đã dẫn đến tình yêu bị thử thách, bị đe dọa và những xung đột, những bất hòa, những mất mát xảy đến như là một điều tất yếu.

Nhà văn nổi tiếng người Pháp Saint-Exupery nói rằng: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng”. Mẹ Maria và thánh Giuse khi xưa, luôn cùng nhìn về một hướng là kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người nên đã vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống: đó là khi hai ngài đón nhận Thánh ý của Thiên Chúa để cho Ngôi lời được nhập thể làm người trong một gia đình có mẹ, có cha nuôi dưỡng; đó là khi hai ngài phải “đành lòng” đón Chúa Hài đồng sinh ra trong máng cỏ nghèo nàn nơi hang chiên bò hôi thối, để rồi ít lâu sau đó lại phải bồng con trẻ giữa đêm khuya chạy sang Ai Cập tránh sự truy sát của Hê-rô-đê; đó là khi hai ngài bị lạc mất Con giữa giòng người hành hương… Xuyên suốt các biến cố – sự kiện đó, chúng ta dễ dàng nhận ra lời cầu nguyện đầy yêu thương của Đức Mẹ: “này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. Chính đức tin, lòng cậy trông và cùng nhìn vào kế hoạch của Thiên Chúa đã giúp hai ngài vượt qua những khó khăn, nguy hiểm đó và đã sống tròn đầy mầu nhiệm tình yêu gia đình mà Thiên Chúa đã sáng tạo từ khi tạo thành vũ trụ.

Lạy Thánh Gia Thất là gương mẫu cho các gia đình, xin cho chúng con là những cặp vợ chồng, là những bạn trẻ đang chuẩn bị cho đời sống hôn nhân phía trước, biết noi gương các Ngài, sống xứng đáng với ơn gọi hôn nhân, biết luôn đặt Chúa vào trung tâm cuộc sống và tìm kiếm ý Chúa nơi mỗi chọn lựa của chúng con; và xin dạy chúng con biết cầu nguyện trong gia đình với nhau, để kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện trọn vẹn trên mỗi chúng con và trong gia đình chúng con. Có Chúa hiện diện, gia đình chúng con sẽ luôn được hưởng sự bình an của Chúa ngay đời này và cả đời sau, đúng như lời ĐTC Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Gia đình là con đường của Giáo Hội[5]


[1] Lc 1, 34
[2] Is  7, 14
[3] Lc 1, 38
[4] St 2, 24
[5] ĐTC Gioan Phaolô II, thư gửi các gia đình ngày 02.02.1994