THÁNH JEAN-GABRIEL PERBOYRE
Linh mục Tu Hội Truyền Giáo
1802-1840
Lễ nhớ hàng năm: 11 tháng 9
Jean Gabriel sinh ngày 06.01.1802 tại Montgesty, nước Pháp. Là con cả trong một gia đình 8 anh chị em, mà trong đó 3 người con trai trở thành Linh mục Tu Hội Truyền Giáo và hai người con gái trở thành Nữ Tử Bác Ái.
Được giáo dục và lớn lên trong một gia đình đạo đức, cậu bé hít thở bầu khí đức tin, đón nhận những giá trị đơn sơ lành mạnh và hiểu ý nghĩa cuộc sống là biết cho đi.
Như tất cả các trẻ em miền quê thời đó, cậu Jean Gabriel đi chăn chiên cừu trong 6 tháng mùa hè; còn 6 tháng mùa đông, trời lạnh, thì đến nhà cha xứ học Giáo Lý và đôi khi được học thêm một số môn học khác. Tuy nhiên, cha xứ để ý đến lòng đạo đức của cậu bé này: cậu thường viếng Thánh Thể và cầu nguyện sốt sắng đến độ “người ta có thể bước lên người cậu mà cậu không hay biết”, cha xứ nhận xét. Cậu yêu thương người nghèo và thường để dành bánh mì hay tiền cho người hành khất, rất đông vào thời đó.
Cậu em trai Louis ngỏ ý muốn đi tu làm linh mục. Cha mẹ quyết định gửi cậu tới Montauban, ở đó có bác linh mục Jacques PERBOYRE đang điều hành một Chủng Viện. Vì Louis mới 13 tuổi, hay đau ốm và nhớ nhà, nên cha mẹ cho anh cả Jean Gabriel đi theo để chăm sóc và trợ giúp em trong việc học; vì đang là mùa đông nên nông trại cũng ít việc.
Khi đến ngày trở về nhà, Jean Gabriel không chịu về, nói rằng thánh ý Chúa cũng muốn cậu trở thành linh mục. Cha mẹ của cậu rất ngạc nhiên về quyết định này. Tuy nhiên, họ chấp nhận và khuyến khích con.
Cậu được nhận vào Chủng Viện của Tu Hội Truyền giáo năm 1818 ở Paris và thụ phong linh mục năm 1826 tại Nhà Nguyện của Nữ tử Bác Ái, 140 phố Bắc, Paris. Cha khao khát đi truyền giáo ở Trung Quốc, nhưng lại được bổ nhiệm làm Giám Đốc Chủng Viện của Tu Hội vào năm 1832, lúc mới ba mươi tuổi. Cha kiên trì cầu nguyện tìm kiếm ý Chúa.
Người em trai Louis PERBOYRE cũng được chịu chức Linh Mục và đã xin đi truyền giáo ở Trung Quốc. Nhưng trên đường đi, cha Louis ngã bệnh và đã qua đời, lúc mới 24 tuổi.
Sau cái chết của cha Louis, cha Jean Gabriel lại xin đi truyền giáo thay thế cho người em. Bác sĩ cho biết sức khỏe của ngài không cho phép một cuộc đi biển xa một mình như vậy. Tuy nhiên, đêm đó, bác sĩ bị tác động mạnh không ngủ được. Sáng hôm sau, bác sĩ đổi ý, nói rằng ông đã nhìn thấy cuộc hành trình đi biển qua phương đông là một phương thuốc chữa bệnh cho cha Jean Gabriel. Các Bề Trên của cha thấy đây là một dấu chỉ của thánh ý Chúa và đồng ý cho cha đi.
Sau năm tháng lênh đênh trên tàu và cùng lúc học tiếng Hoa, Ngài đến Macao năm 1835 và lo việc truyền giáo trong vùng Honan (1836). Qua thư từ của cha: lúc đó Giáo Hội tại Trung Quốc có khoảng 220.000 giáo dân trên tổng số 300 triệu người; với số chủ chăn là 80 linh mục bản xứ và 40 linh mục ngoại quốc.
Khi mới tới, cha ngã bệnh với những cơn sốt cao, nên buộc phải nghỉ ngơi 3 tháng. Cha ở chung với hai cha Vinh Sơn người Trung Quốc và tiếp tục học tiếng Hoa. Họ hướng dẫn cha trong những chuyến đi truyền giáo từ 1 đến 2 tuần, giới thiệu cha với giáo dân, chỉ cho cha những con đường trở về an toàn nhất và cách hướng dẫn những giáo điểm đó.Trong suốt 2 năm 1837-1838, cha hăng say tái linh hoạt Đức Tin trong những làng Công Giáo bằng lời giảng, dạy Giáo Lý và cử hành các Bí Tích. Những chuyến đi này thường rất khó khăn và nguy hiểm. Luôn luôn có cơ may được nhìn nhận hay bị phản bội, tùy vào lòng tốt hay xấu của chính quyền địa phương.
Giáo dân sốt sắng, có khoảng 1000 người tham dự mỗi khi có thánh lễ, cả trong và ngoài nhà thờ đều chật ních, ngay cả khi trời mưa hoặc tuyết rơi. Cha viết lại nhiều phép lạ được ban cho giáo dân, nhất là nhờ việc tin tưởng và cầu nguyện với Đức Mẹ Ảnh Phép Lạ đã được ban cho chị Catherine năm 1830, mà cha rất có lòng yêu mến và hăng say phổ biến. (Xem thêm về thánh nữ Catherine Labouré)
Năm 1839, cuộc bách hại đạo khởi sự tại Hu-pei. Ngày 15.9, sau khi các cha Vinh Sơn dâng lễ xong, thì được cho biết có cuộc bắt đạo. Cha Jean Gabriel, sau khi thu xếp cho mọi người về nhà an toàn, cha lẩn trốn vào rừng tre gần đó. Đêm xuống, cha tìm về một gia đình Công Giáo để kiếm chút thức ăn và nghỉ đêm; nhưng cha đã bị phản bội khi quân lính dọa nạt một người đàn ông tân tòng và ông này đã dẫn quân lính tới đúng nơi trú ẩn của cha và 3 người giáo dân.
Quân lính bắt cha và đưa lên đỉnh núi, gọi là “núi đỏ”. Chúng lột quần áo của cha và quăng giẻ rách vào cha. Cha bị đánh đập tàn nhẫn và nhiều hình thức tra tấn tàn bạo, nhưng cha dứt khoát không phản bội đức tin và hồng ân Linh Mục Công Giáo của mình. Lần cuối cùng, khi được hỏi, cha quả quyết: “tôi thà chết còn hơn chối bỏ đức tin của tôi!” Ngay sau đó, cha bị tuyên án tử hình. Cha bị tống giam ngay chính nơi đã giam thánh François Régis CLET, người anh cả của ngài trong Tu Hội và là mẫu gương của ngài.
Cha CLET cũng là một cha của Tu Hội Truyền Giáo, đã đi truyền giáo ở Trung Hoa và cũng đã được phúc tử vì đạo năm 1820. Cái phúc tử đạo của cha CLET làm bừng lửa truyền giáo nơi cha Jean Gabriel, khi đó còn là một thày Đại Chủng Sinh.(Lễ nhớ cha CLET vào ngày 18.2 hằng năm).
Ngài bị xét xử trong một phiên tòa với những cách thức làm nhớ đến phiên tòa xét xử Chúa Giêsu. Ngài bị kết án tử hình bằng việc treo vào thập giá và bị thắt cổ, ngày 11.9.1840.
Cha Jean-Gabriel được phong chân phước ngày 10 tháng 11 năm 1889, và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nâng lên hàng hiển thánh tại Rôma ngày 02.6.1996.
“Trong Thánh Giá, Phúc Âm và phép Thánh Thể, chúng ta tìm thấy tất cả những gì chúng ta có thể ao ước. Không có con đường nào khác, chân lý nào khác, đời sống nào khác.” (Thánh Jean Gabriel PERBOYRE)
LỜI KINH CỦA
THÁNH JEAN-GABRIEL PERBOYRE
Lạy Chúa Cứu thế của con,
Bởi quyền năng và lòng nhân từ vô biên của Chúa,
Xin hãy thay đổi con và biến đổi con trong Chúa.
Ước chi đôi tay con là đôi tay của Giêsu!
Ước chi lưỡi con là lưỡi của Giêsu!
Ước chi tất cả các giác quan của con
và thân xác con chỉ sử dụng để làm vinh danh Chúa.
Nhưng nhất là hãy biến đổi linh hồn con
và những tiềm năng của nó:
ước chi trí nhớ của con, trí tuệ và trái tim của con
là trí nhớ, trí tuệ và trái tim của Giêsu!
Ước chi mọi hành động của con,
mọi tình cảm của con đều giống như các hành động của Chúa và mọi tình cảm của Chúa,
và như Chúa Cha đã nói về Chúa:
“Ngày hôm nay Ta đã sinh ra con”,
Chúa cũng có thể nói về con như thế,
và cũng thêm vào như Cha trên trời: “Đây là con Ta yêu dấu, hằng đẹp lòng Ta mọi đàng.
* Xem thêm Cuộc đời Thánh JEAN GABRIEL PERBOYRE (Thơ)
* 32 nét tương đồng giữa Cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su và Cuộc khổ nạn của thánh JEAN GABRIEL PERBOYRE