Louise de Marillac sinh ngày 12.8.1591, tại Meux, nước Pháp. Ngay khi được sinh ra, một áng mây mù đã bao phủ chiếc nôi của cô cách huyền bí, khiến cô không bao giờ được nhìn thấy khuôn mặt của mẹ mình, không biết mẹ mình là ai, không được hưởng tình yêu êm ái, dòng sữa ngọt ngào và vòng tay trìu mến của mẹ… cũng không bao giờ được kêu lên hai tiếng  “mẹ ơi!”…Thế rồi, đến năm 13 tuổi, người cha của cô cũng qua đời!

Thật là một tuổi thơ bất hạnh! Nhưng với ơn Chúa, sự bất hạnh này không đè bẹp được cuộc đời của cô bé Louise de Marillac; trái lại nó làm cho cuộc đời cô trở nên đa dạng và tích lũy nhiều kinh nghiệm rất phong phú. Thật vậy, sớm bị côi cút, Louise đã hình thành những bước đi tự lập, vào đời bằng đôi chân nhỏ bé, yếu ớt với bao nỗi khắc khoải của chính mình. Nhưng may mắn thay!

 Louise đã tìm được chỗ nương tựa vững chắc nơi Thiên Chúa. Những biến cố cứ tiếp diễn trong đời đã làm cho đời sống nội tâm của bà thêm sâu xa và phong phú. Ngoài sự gắn bó không rời bàn tay Thiên Chúa, bà có lòng yêu mến tôn sùng Đức Maria cách đặc biệt. Bà đã dành thời giờ chiêm ngắm Đức Maria với những gì Chúa đã thực hiện nơi Mẹ, tỏ tình yêu mến Mẹ cách sâu đậm, tôn vinh Mẹ và cùng với Mẹ cám ơn Thiên Chúa Ba Ngôi:

 “Suốt đời tôi, trong thời gian và trong vĩnh cửu, tôi muốn yêu mến và tôn vinh Mẹ với hết khả năng tôi có thể, để tỏ lòng biết ơn Ba Ngôi Thiên Chúa, về việc Chúa tuyển chọn Đức Trinh Nữ  Maria để Mẹ được kết hợp mật thiết với thần tính của con Mẹ. Tôi muốn tôn vinh Ba Ngôi riêng từng ngôi một và chung cả Ba Ngôi trong sự hiệp nhất ThiênChúa[1]

Bà bày tỏ với Đức Trinh Nữ Maria niềm hạnh phúc trong lòng mình khi chiêm ngắm hạnh phúc của Mẹ:

 “Lạy Trinh Nữ rất thánh… xin đoái nhận những ước nguyện và lời con cầu xin, với trọn tâm hồn, con dâng cho Mẹ để tôn vinh Chúa vì lòng nhân từ Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ của Con Thiên Chúa.”[2]

Hạnh phúc lớn nhất của Đức Maria là đã sinh hạ chính Ân Sủng (Chúa Giêsu) cho loài người. Bà muốn được công bố lớn tiếng tất cả sự huy hoàng của Đức Mẹ: “Ôi! Lạy Chúa, sao tâm trí con không có khả năng làm cho thế gian biết các vẻ đẹp mà Chúa đã cho con thấy, và phẩm cách cao cả của Đức trinh Nữ Maria…”[3]

Sống vào thời kỳ sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria luôn được tranh luận trong Giáo Hội, nhưng được ơn Chúa Thánh Thần, bà luôn tin tưởng sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria sẽ được nhìn nhận và mừng kính vì “Mẹ là thụ tạo tinh tuyền duy nhất luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa, điều này làm cho Mẹ trở thành sự ngạc nhiên của cả triều đình Thiên Quốc và được mọi người trần thế chiêm ngắm[4]. Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội chỉ được công bố gần 2 thế kỷ sau khi bà qua đời (1660-1854).

Những khi cầu nguyện, suy gẫm, bà Louise liên kết Đức Maria cách mật thiết với tất cả Mầu nhiệm của Chúa Con: “Thiên Chúa rất muốn tôn vinh Đức trinh Nữ Maria, đến nỗi chúng ta có thể nói được rằng Mẹ đã góp phần vào tất cả các Mầu Nhiệm mà Chúa Giêsu đã tiến hành; Mẹ đã góp phần vào nhân tính của Chúa Giêsu bằng máu và sữa trinh bạch của Mẹ.”[5]

Với tư cách là Đấng Sáng Lập, bà luôn dạy dỗ các Nữ Tử Bác Ái: “Trong cách hành động của chúng ta, chúng ta hãy nhìn xem cách hành động của Đức Maria và hãy nghĩ rằng vinh dự lớn nhất mà chúng ta dành cho Mẹ là bắt chước các nhân đức của Mẹ, vì qua nhân đức ấy mà Chúa đã làm những việc kỳ diệu vĩ đại nơi Mẹ.”[6]

Tuy nhiên, ưu tiên hơn vẫn là nhân đức khiêm nhường: “Lạy Đức Trinh Nữ Maria, nhân đức của Mẹ thật kỳ diệu. Là Mẹ của thiên Chúa, thế mà Mẹ vẫn không rời bỏ tình trạng thấp hèn và sự nghèo khó.”[7]

Chính vì thế, bà Louise đã khám phá ra con đường nên thánh cho mình và cho các con cái, là qua Mẹ đến với Chúa Giêsu:

“Lạy Mẹ, con thuộc về Mẹ để được thuộc về Chúa nhiều hơn!”


[1] Bút tích của Thánh Nữ Louise de Maillac, tr. 819, A 31bis
[2] Nt. tr. 693, A4
[3] Nt.  tr. 767, A14bis
[4] Nt. tr. 818, A31bis
[5]  Nt. tr. 820, A5 bis
[6] Nt.  tr. 777, M33
[7] Nt. tr. 767, A14 bis