LỊCH SỬ TUẦN CẦU NGUYỆN CHO
SỰ HIỆP NHẤT KITÔ GIÁO[1]

Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O’Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

          Năm sau , mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.

          Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

          Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết Unitatis Redintegratio và ngày 30/5/1995, Chân Phước Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.

          Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

          Tưởng cũng nên nhắc lại, trong buổi tiếp kiến sáng 10-11 năm 2016 dành cho Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đức Thánh Cha đã minh định thế nào là Hiệp Nhất Kitô Giáo.

          70 Hồng Y, Giám Mục thành viên, cùng với các vị cố vấn và viên chức tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Kurt Koch, về chủ đề “Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: kiểu mẫu nào cho sự hiệp thông trọn vẹn?

          Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô như một đòi hỏi thiết yếu của đức tin chúng ta, một đòi hỏi xuất phát từ cốt tính của chúng ta như những người tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đức Thánh Cha cảnh giác chống lại 3 kiểu mẫu sai trái về sự hiệp thông:

          – Trước tiên “hiệp nhất không phải là kết quả những cố gắng của con người, hoặc là sản phẩm hoạt động ngoại giao của Giáo Hội, nhưng là một hồng ân đến từ trên cao. Loài người chúng ta không có khả năng tự mình kiến tạo sự hiệp nhất, và cũng không thể quyết định những hình thức và thời điểm khi nào. Trong bối cảnh đó, hiệp nhất là một hành trình, đòi phải kiên nhẫn, chờ đợi, kiên trì, vất vả và dấn thân. Hiệp nhất không xóa bỏ những xung đột và không loại trừ những tương phản. Đức Thánh Cha thường lập lại rằng hiệp nhất được thực hiện khi đồng hành, nghĩa là khi chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em, cầu nguyện, cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ những người rốt cùng.”

          – Thứ hai, hiệp nhất không phải là đồng nhất. Những truyền thống khác nhau về thần học, phụng vụ, linh đạo và giáo luật được phát triển trong thế giới Kitô, khi chúng ăn rễ chân thành trong truyền thống tông đồ, là một phong phú chứ không phải là một đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tìm cách dẹp bỏ những khác biệt ấy là đi ngược lại với Chúa Thánh Linh, Đấng hoạt động làm cho cộng đoàn tín hữu được phong phú nhờ các hồng ân khác nhau.

          – Sau cùng, hiệp nhất không phải là gộp vào nhau. Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô không bao hàm một “sự đại kết lùi lại” khiến cho bên nào đó phải chối bỏ lịch sử đức tin của mình, và sự hiệp nhất này cũng không chấp nhận sự chiêu dụ tín đồ của nhau, vì hành động này là thuốc độc đối với hành trình đại kết.

          Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng “Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các công đồng chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta

                                                          (Đặng Tự Do, VCN 22.01.2017)


Kinh Cầu Cho Hiệp Nhất

Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI biên soạn

Lạy Chúa Giêsu, 
trước ngày chịu chết vì chúng con, 
Chúa đã nguyện cầu 
cho các Tông đồ và tất cả mọi người 
được liên kết với nhau nên một, 
như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con.

Xin cho chúng con cảm thấy xót xa đau buồn 
về những thất tín, chia rẽ nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết thẳng thắn nhìn nhận, 
và có lòng cam đảm để khai trừ mọi lãnh đạm, 
lòng nghi ngờ và tính đố kỵ tiềm ẩn nơi chúng con.

Xin cho chúng con được gặp nhau trong Chúa 
hầu cho tâm hồn và môi miệng chúng con 
luôn vang lên lời nguyện cầu hiệp nhất như lòng Chúa ước ao.

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu hoàn hảo, 
xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa 
con đường dẫn đưa đến Hiệp Nhất trong đức Vâng Phục, 
đến Yêu Thương và Sự Thật. Amen.

[1] http://conggiao.info/lich-su-tuan-cau-nguyen-cho-su-hiep-nhat-kito-giao-d-40002


TUẦN LỄ
CẦU CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT
Từ 18-25 /01 hằng năm

Trong bữa Tiệc Ly, trước khi ra đi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã tha thiết dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu:“Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cùng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con”[1]

Sau khi CG về trời, Ngài gửi Chúa Thánh Thần đến với các tông đồ. Được lửa TT thúc đẩy, các ông hăng say ra đi rao giảng TM. Cộng đoàn các Kitô Hữu được hình thành và trở thành một cộng đoàn gương mẫu, hiệp nhất yêu thương nhau, như đã được mô tả trong sách Công Vụ Tông Đồ. [2]

Thế nhưng, ma quỉ có mặt khắp nơi[3] và xúi giục người ta gây chia rẽ. Trong thư 1 gửi tín hữu Co-rin-tô, thánh Phaolô cho chúng ta thấy các tín hữu thời sơ khai cũng có những yếu đuối, bất toàn như chúng ta, chia phe phái trong giáo đoàn. Thế nên, ngài đã viết thư cho họ: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau. Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơ-lô-e cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như : “Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô.” Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư ? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng ? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao ?…”[4]  

Đến thế kỷ V xảy ra hiện tượng một nhóm tín hữu tách rời ra khỏi Giáo Hội vì quan điểm thần học khác biệt và sau đó là những quan điểm thần học đối nghịch với Kitô giáo. Nhưng Giáo Hội vẫn duy trì được sự hiệp nhất cho tới năm 1054 khi hai Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương ra vạ tuyệt thông cho nhau, khiến cho Giáo Hội bị chia rẽ thành Công GiáoChính Thống giáo.

 Năm 1965, Giáo hoàng Phaolô VI và Thượng phụ Đại kết thành Constantinopolis, Athenagoras I đã gỡ bỏ vạ tuyệt thông lẫn nhau giữa hai Giáo Hội, đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình hòa giải[5].

Tiếp đến vào thế kỷ XVI có phong trào cải cách Tin Lành với Martin Luther ở Đức vào năm 1517, kêu gọi mở lại cuộc tranh luận về việc bán Phép ân xá (indulgence). Truyền thống cho rằng Luther đã treo 95 luận đề trên cửa của nhà thờ lâu đài Wittenberg, nơi dành để treo các thông báo của viện đại học. Xảy ra cùng lúc với các biến động tại Đức là một phong trào tại Thụy Sĩ dưới sự lãnh đạo của Huldrych Zwingli. Hai phong trào này mau chóng đồng ý với nhau về hầu hết các vấn đề về thần học cũng như phương pháp, thí dụ như sử dụng ấn phẩm để truyền bá tư tưởng cải cách.

Sự kiện Giáo hội Anh Quốc tách rời khỏi giáo hội Công giáo Rôma dưới triều Henry VIII, bắt đầu từ năm 1529 và hoàn tất vào năm 1536, đem nước Anh đồng hành với cuộc cải cách và trở thành Anh Giáo. Tuy nhiên, những thay đổi tại Anh được tiến hành một cách dè dặt hơn các nơi khác ở châu Âu, suốt nhiều thế kỷ họ chọn lựa con đường trung trung giữa truyền thống và tân giáo, nhằm kiên định tinh thần thoả hiệp bền vững bên trong giáo hội.[6]

Công Đồng Vaticano II đã lấy việc tìm về hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô thuộc mọi Giáo Hội và cộng đoàn khác nhau, như trung tâm cuộc sống và công trình của Giáo Hội. Qua Thông Điệp ”Để chúng nên một”, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng hiệp nhất là bổn phận và trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội, của tất cả mọi người đã được rửa tội.
 
Tuần lễ từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng hàng năm được Giáo hội dành để cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu trên toàn thế giới. Nghi thức cầu nguyện nầy được các Giáo Hội Kitô: Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, đồng thuận cùng nhau tổ chức.

Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung dành cho hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 12.6.2019, ĐTC Phanxicô nhắc rằng sứ vụ của Giáo hội bắt nguồn từ biến cố Chúa phục sinh. Từ ban đầu, Giáo hội là hiệp thông, là một cộng đoàn, là Dân Chúa. Dấu chỉ hiệp thông hữu hình của các Tông đồ chính là chứng tá đầu tiên của họ về Chúa phục sinh và về tình yêu cứu độ của Chúa. ĐTC mời gọi các tín hữu cũng làm chứng về sức mạnh hòa giải của tình yêu Chúa bằng sự hiệp nhất, là điều chiến thắng sự kiêu ngạo và chia rẽ, là điều tạo nên một Dân Chúa từ sự đa dạng.

Ngài nói:“ADN của cộng đoàn Kitô hữu chính là hiệp nhất tự do nội tâm, là điều cho phép chúng ta không sợ hãi sự khác biệt, không gắn chặt với những vật chất và những quà tặng, nhưng cho phép chúng ta trở thành các vị tử đạo, các chứng nhân sáng chói của Thiên Chúa hằng sống và những người kiến tạo lịch sử.”[7]


Đức Thánh Cha Phanxicô trong một buổi họp đại kết cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo



[1] Ga 17,20-21
[2] X Cv 2, 42 tt
[3] X Gióp 1, 6-8
[4] 1Cr 1, 10-15
[5]X.  https://vi.wikipedia.org/wiki/Ly_giáo Đông-Tây
[6] X. https://vi.wikipedia.org/wiki/Cải cách kháng nghị
[7] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-06/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-cong-vu-tong-do-hiep-nhat-hiep-thon.html