fbpx

Bài suy niệm Thứ sáu Tuần 4 MC

05.4.2019     THỨ SÁU TUẦN 4 MC-C
Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng giờ của Người chưa đến.


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 7,1-2.10.25-30)
Khi ấy, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.

Lễ Lều của người Do-thái gần tới. Khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.

Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô? Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”

Bấy giờ họ tìm cách bắt Người; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Bất cứ ai trong chúng ta cũng từng có kinh nghiệm về sự mong mỏi, đợi chờ. Có sự mong đợi với niềm vui háo hức như em bé chờ mẹ đi chợ về, chờ mẹ cho ăn, mong tới ngày sinh nhật, tới phút tặng quà hoặc nhận quà… Cũng có sự chờ đợi nặng nề và lo lắng, như học sinh hồi hộp khi đến giờ kiểm tra, giờ trả bài, hoặc khi có lỗi chờ bị sửa phạt. Có cả sự chờ đợi đầy hy vọng và sốt ruột như chờ chuyến xe bus hay chờ đợi người yêu…và những người xung quanh đều rất dễ nhận ra sự nóng lòng chờ đợi đó.

Chúa Giêsu cũng có một nỗi khắc khoải, mong mỏi về “Giờ của Người” – “Giờ” mà Thánh sử Gioan nhắc đến khá nhiều lần (Ga 2,4; 7,30; 8,20) để nói về giây phút quan trọng trong cuộc đời Chúa, giờ Ngài thực thi ý của Cha: “Giờ đã đến để Con Người được tôn vinh” (Ga 12,32), không phải là những lúc thành công trong bước đường rao giảng Tin Mừng, nhưng là Giờ Cứu độ, giờ ban ơn giải thoát cho nhân loại.

Chắc chắn Đức Mẹ hiểu rõ sự mong đợi của Chúa Giêsu. Mẹ là người hiểu Chúa hơn ai hết, và Mẹ hoàn toàn đồng cảm với Con mình. “Chính Ðức Mẹ cũng đã phải chờ đợi. Hôm ở tiệc cưới Cana, Người đến thưa với Chúa: nhà đám đã hết rượu rồi. Tin ấy gợi lên trong tâm hồn Chúa Giêsu bao nhiêu hình ảnh Kinh Thánh thường ví cảnh lầm than của dân Chúa tội lỗi với cảnh thiếu rượu, thiếu nước. Ðức Mẹ nói đến một sự kiện vật chất; nhưng Chúa Giêsu lại nghĩ ngay đến bình diện thiêng liêng. Lời xin của Ðức Mẹ trở thành lời cầu ơn tha thứ cứu độ.”[1]

Vì Mẹ hiểu điều mong mỏi chính yếu về “Giờ của Chúa”, là giờ cứu độ nhân loại và bày tỏ vinh quang của Chúa Giêsu, nên khi Chúa trả lời: “Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4), Mẹ đã không thắc mắc, không ngạc nhiên, nhưng Mẹ tin vào trái tim dễ chạnh thương của Chúa. Quả thật sau đó, Chúa đã thực hiện điều Mẹ cầu xin: “Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người.” (Ga 2, 11).

Mẹ luôn mang trong mình tâm tư của Chúa, và luôn dõi theo bước chân của Chúa Giêsu, vì đó chính là Niềm Vui, Niềm Hy Vọng độc nhất của Mẹ: Chúa đi đâu, Mẹ đi đó, Chúa muốn điều gì, Mẹ cũng muốn điều đó, Chúa đón nhận từ Cha điều gì, Mẹ cũng đón nhận điều đó, Chúa vâng ý Chúa Cha ra sao, Mẹ cũng xin vâng như vậy. Chúa đi vào con đường chịu khổ nạn, Mẹ cũng âm thầm đi theo… Trong mọi sự, Mẹ hoàn toàn nên một với Chúa Giêsu Con Mẹ, cho đến cả cái chết của Chúa trên thập giá. Niềm vui của Mẹ là niềm an vui giữa những khổ đau, vì Mẹ tin đó chính là giờ phút vinh quang của Chúa, giờ con người được cứu độ.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Là Kitô hữu, tôi có ý thức rằng tôi luôn “có Chúa Kitô”, Ngài ở với tôi, bên tôi và trong tôi chưa? Phụng vụ Thánh Lễ và những hoạt động trong Mùa Chay, có đưa tôi đến gần Chúa hơn không? Tôi có cảm nhận được niềm vui sâu xa của Mẹ khi kết hiệp với Chúa qua những hy sinh trong Mùa Chay không?

Noi gương Mẹ, tôi cần thực sự sống với Ngài, để hiểu và đồng cảm với Ngài qua những người thân cận bên tôi, để nhờ đó, tôi sẽ được vui mừng khám phá ra khuôn mặt của Chúa Giêsu đang hiện diện bên tôi mỗi ngày và đón nhận “Giờ của Chúa” đến với tôi.

Cầu nguyện với Mẹ:

Mừng vui lên, lạy Mẹ sầu bi,
Xưa kia cùng với Con yêu dấu,
Mẹ thông phần đau khổ,
Ngày nay Mẹ lại được cùng Chúa,
Chung hưởng phúc vinh quang.[2]

Xin Mẹ cùng đồng hành với mỗi người chúng con hôm nay, và luôn chuyển cầu cho chúng con trước tòa Chúa. Xin Mẹ cũng dạy con biết nhìn ra Chúa nơi anh chị em chúng con, để cảm thông, yêu mến và nâng đỡ nhau, như Mẹ đã sống với Chúa khi xưa. Amen.

“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”
—————————

[1] Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm http://www.simonhoadalat.com/suyniem/chunhat/namb/2011-2012/MuaChayCN5-DCLam.htm

[2] Điệp ca Tin Mừng, Kinh Sáng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *