fbpx

ĐỨC MẸ SẦU BI

MẸ MARIA
NIỀM TIN NỐI TIẾP NIỀM TIN

Ngày lễ Truyền Tin 25.3 vừa qua, chúng ta đã có dịp chiêm ngắm phản ứng đức tin của Đức Maria trước cuộc thăm viếng bất ngờ của sứ thần Gabriel, loan báo cho Cô về ý định của Thiên Chúa mời gọi Cô cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ. Sau khi đã lắng nghe sứ thần giải thích về kế hoạch cứu độ này, dù chưa hiểu hết, nhưng dựa vào lời xác quyết của sứ thần: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”Đức Maria, với hết lòng tin tưởng, đã đáp lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.[1] Thế rồi, từ lúc đó, cuộc đời Mẹ là một chuỗi niềm tin nối tiếp niềm tin.

Thật vậy, khi Mẹ  đi tới nhà bà Elisabeth, đứa con trong bụng bà đã nhảy mừng, còn bà thì được đầy tràn Chúa Thánh Thần, đã thốt lên: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 45). Vâng, Mẹ đã tin suốt cả cuộc đời và đã thể hiện niềm tin đó trước những biến cố thăng trầm, từ khi được sứ thần truyền tin, đi thăm viếng bà Elisabeth, về chung sống với Giuse, về quê làm hộ khẩu, sinh con nơi hang bò lừa, , dâng con trong đền thờ, đem con đi trốn, đưa con về quê, lạc mất con và tìm thấy con…thánh sử Luca đã mô tả đức tin sâu lắng của Mẹ: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” và “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”.[2]

Rồi trong suốt thời gian giảng dạy công khai của Chúa Giêsu, Mẹ luôn liên kết với Con và có khi đi tới tận nơi Con đang truyền giáo, như cả ba tác giả Tin Mừng nhất lãm đều kể lại[3]: “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Một cách tinh tế, Chúa Giêsumuốn đề cao niềm tin sâu lắng của Mẹ mình, chính niềm tin ấy đã khiến Mẹ luôn sẵn sàng thi hành ý muốn của Thiên Chúa; vì thế Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.

Và cứ như thế cho đến khi “giờ của Chúa Giêsu” tới, giờ cứu độ, giờ thể hiện tình thương “đến cùng” của Chúa Giêsu,[4]Mẹ vẫn theo gót Con qua các chặng đường tới tận đỉnh đồi Canvê. Khi Chúa hấp hối trên thập giá, Mẹ đứng đó nơi chân thập giá; ngoài mấy phụ nữ cũng đứng gần đó, có thánh Gioan, người môn đệ Chúa yêu và là người môn đệ duy nhất lặng đứng dưới chân thập giá, trong lúc mười môn đệ kia đã lẩn trốn hết. Biết rằng mình sẽ “ra đi”, về với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã thân thưa với Mẹ:”Thưa Bà, đây là con của Bà.“Và nói với môn đệ yêu dấu: “Đây là mẹ của anh.[5]

Nghe lời trăn trối này, lòng Mẹ đau xót biết bao vì biết rằng giây phút giã biệt Con đã đến. Khi Con được hạ xác xuống từ trên thập giá, Mẹ đã ôm chặt con vào lòng với biết bao trìu mến, xót thương và đau đớn. Nhìn thân xác bị bầm dập, bê bết máu, vì những lằn roi, những lần gục ngã trên đường lên núi sọ…lòng Mẹ như tan nát, nhớ lại những lời sứ thần loan báo  năm xưa: Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.[6]Lời đó sẽ được thực hiện như thế nào đây? Nhưng rồi lại cũng lời sứ thần: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, Mẹ tiếp tục mở lòng ra và hiến dâng tất cả để Thiên Chúa toàn quyền hành động theo thánh ý Ngài.

        Thiên Chúa đã không lầm khi thúc đẩy bà Elisabeth ca ngợi cái phúc của Mẹ là đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã phán. Thật vậy, Mẹ đã suốt đời cùng đi với Chúa từ khi Ngài nhập thể trong cung lòng Mẹ cho đến lúc cuối đời của Ngài trên dương gian. Như vậy, đức tin vừa là một hồng ân vừa là một nhân đức. Là một hồng ân vì do Thiên Chúa ban tặng, như là ánh sáng và sức mạnh của Ngài đổ tràn vào linh hồnchúng ta. Là một nhân đức với tư cách là chúng ta thực hành việc sống đức tin, qua những cái thường ngày cũng như qua các biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống. Người Kitô hữu đích thực là người sống phù hợp với đức tin đã lãnh nhận, như Đức Mẹ đã sống. 

        Lạy Mẹ Maria, chúng con xin cám ơn Mẹ đã nêu gương cho chúng con biết đón nhận hồng ân đức tin Chúa ban cho từ khi chúng con lãnh bí tích Rửa tội và biết kiên trì bền chí khi bị gian nan thử thách, kể cả giữa đêm tối, phó thác cho tình yêu quan phòng của Chúa dẫn dắt. Mẹ đã được thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Mẹ và Mẹ đã được Giáo Hội tán dương:

Mừng vui lên, lạy Mẹ sầu bi,
Xưa kia cùng với Con yêu dấu, Mẹ thông phần đau khổ,
Ngày nay Mẹ lại được cùng Người
Chung hưởng phúc vinh quang.[7]

Chúng con xin ký thác cho Mẹ những ưu tư, buồn phiền, cay đắng của chúng con, dâng lên Mẹ những hy sinh lớn nhỏ, kể cả những tình cảm cao thượng và trong trắng nhất như Mẹ đã dâng hiến Con chí thánh của mình; để thông phần vào chương trình cứu độ nhân loại và được chung hưởng phúc vinh quang với Mẹ. Amen!


[1] Lc 1, 37-38
[2] Lc 2, 19.51
[3]Mt 12, 46 -50; Mc 3, 31-35; Lc 8:19 -21
[4] Ga 13, 1
[5] X. Ga 19, 26-27
[6] Lc 1, 32-33
[7] ĐC Tin Mừng lễ Đức Mẹ sầu bi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *