✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (x. Ga 15, 18-21)
“Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Trong các tôn giáo trên thế giới, có lẽ chưa tôn giáo nào có nhiều vị tử đạo như Giáo Hội của Chúa Kitô. Vì sao vậy?Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng từng thấm thía rằng:
Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt
Lươn lẹo luồn lách lẹ lên lương
Phải chăng đó không là một hình thức bách hại chân lý, khi mà những giá trị tâm linh bị coi thường, sự chân thật mất dần chỗ đứng trong lòng con người, đồng tiền trở thành trọng tài trong mọi mối tương quan. Xã hội càng “văn minh” thì xu hướng hưởng thụ càng tăng, gian dối ngày càng nhiều, bệnh thành tích và nhãn hiệu, bao bì quảng cáo chỉ nhắm đến việc đánh bóng tên tuổi, đề cao bản thân, coi thường nhân phẩm và cả sinh mạng của người khác… tiếp theo là giá trị tinh thần và tâm linh ngày càng bị quên lãng, nhất là giới trẻ ngày nay ít lưu ý đến chiều sâu nội tâm, sợ thinh lặng, sợ phải đối diện với chính mình.
Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ của Ngài: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước” (c.18).
Chúa không bao giờ dạy chúng ta sống cho người ta ghét, vì chính Chúa đã chỉ làm toàn sự lành cho con người: Ngài cho “người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.”[1]Thế nhưng, kết quả là Chúa đã bị bắt bớ, bị kết án và chết trên thập giá, chỉ vì Nước của Ngài “không thuộc về thế gian này.”[2]
Môn đệ là người đi theo Chúa, là những kẻ được “Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian,” chúng ta noi gương Chúa, sống Lời Chúa. Chúng ta không sống theo thế gian, nên bị thế gian khinh ghét, chê cười là chuyện đương nhiên. Chúa dạy chúng ta sống theo Sự Thật, là “Có thì nói có, không thì nói không”[3], là đi vào con đường hẹp, chấp nhận lội ngược dòng, chịu thiệt thòi, bị thế gian thù ghét, bị áp bức, bị loại trừ. Nhưng, người môn đệ chân chính của Đức Kitô vẫn kiên trung như thánh Phêrô: “thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác”[4]vì một lẽ: “môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ.”[5]
Mẹ Maria là Người môn đệ đầu tiên theo Chúa Giêsu trên con đường khiêm hạ ấy khi Mẹ chọn lấy thân phận “nữ tỳ hèn mọn”[6], sống âm thầm, gẫm suy và thực thi Lời Chúa. Mẹ đã cùng vui, cùng buồn, cùng đau khổ, cùng chịu xỉ nhục với Chúa. Mẹ được ơn gắn bó mật thiết với Chúa trong tâm hồn và trong thân xác. Khi Chúa vui, Mẹ cùng hoan hỉ, khi Chúa bị xỉ nhục, Mẹ cùng chịu khinh khi:
Con vui lòng Mẹ cũng vui
Con đau Mẹ cũng tơi bời ruột gan.
Mẹ không chỉ đi theo Chúa mà còn được hiệp thông với Chúa cách hết sức đặc biệt trong mầu nhiệm khổ nạn vì sự bách hại của thế gian. Mẹ xứng đáng đứng kề bên thập giá cùng với Chúa Giêsu hiến dâng lên Thiên Chúa Cha hy lễ đẹp nhất của tình yêu và sự vâng phục trọn vẹn.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Để đáp lại sự thù ghét của thế gian, Trái Tim Mẹ và Trái Tim Chúa Giêsu cùng chịu thương tích vì yêu thương, và lại tiếp tục mở ra để đón nhận, để ôm lấy và tha thứ cho các tội nhân sám hối.
– Tôi có dám làm dấu nơi công cộng, có dám tuyên xưng mình là Kitô hữu trước mặt người khác không?
– Tôi có dám lội ngược dòng khi những người xung quanh cổ võ những giá trị đối nghịch với Tin Mừng không, hay ai sao tôi vậy?
– Tôi đã có thái độ nào khi bị chê cười, bị xúc phạm, bị loại trừ vì đã dám sống chân thật như Chúa dạy?
– Tôi có dám bênh vực những người bị áp bức vì dám sống theo Chân lý, Công lý và Hòa Bình, hay tôi im lặng né tránh để được yên thân?
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, sống giữa thế gian đầy những cám dỗ, chúng con rất cần Mẹ trợ giúp để giữ vững được niềm tin và làm chứng cho Chúa. Xin ban cho con ơn can đảm như ngày xưa Chúa đã ban cho Mẹ, để con không từ chối sự hy sinh vì được gắn bó với Chúa Kitô. và xin Mẹ nâng đỡ tất cả những ai đang phải chấp nhận những từ bỏ lớn lao để trung tín với niềm tin vào Thiên Chúa hôm nay. Amen.
“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”
[1] Mt 11,5
[2] Ga 18,36
[3] Mt 5,37
[4] 1 Pr 3,17
[5] Mt 10,24; Ga 15,20
[6] Lc 1,48