✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 10,7-15)
“Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Ngày nay, nhờ các phương tiện giao thông và truyền thông, việc thăm viếng, gặp gỡ, trao đổi giữa người với người đã trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, hiệu quả tích cực từ những cuộc thăm viếng và trao đổi ấy còn tùy thuộc vào tính cách và sự tích cực của mỗi cá nhân trong cuộc gặp gỡ đó.
Truyền giáo là phải gặp gỡ. Thường thì không phải cuộc “gặp” nào cũng có thể “gỡ” các nút rối trong cuộc sống. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ khi đi truyền giáo: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (c.12). Như thế, người truyền giáo phải là người gieo rắc Bình An.
Chúa Giêsu cũng cho chúng ta biết những nẻo đường của sự Bình An, để chúng ta có thể đem Bình An đến cho người khác:
– Với người đang khao khát Chân lý, thì Bình An sẽ đến từ Tin Mừng “Nước Trời đã đến gần”: làm sao cho người ta cảm nhận được sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa luôn quan tâm đến họ.
– Với người đang đau yếu, những ai đau khổ, buồn phiền vì sự chết: ở đây, chúng ta có thể hiểu “chết” theo nghĩa bị loại trừ, bị người thân coi như đã chết, hoặc chính họ bị mặc cảm nên không thể tham dự vào cuộc sống như mọi người. Bình An sẽ đến từ việc họ được chữa lành những vết thương nơi tâm hồn và thể xác, để họ được trở lại cuộc sống đời thường với mọi người.
Thánh Vinh Sơn nói rằng: “Tôi phải yêu mến tha nhân của tôi, là hình ảnh của Thiên Chúa và là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương; và phải làm thế nào để ngược lại, người ta cũng yêu mến Đấng tạo Hóa của họ, là Đấng biết rõ họ và nhìn thấy họ là anh em của Người và là Đấng cứu độ họ. Và chúng ta cũng phải làm thế nào để họ yêu thương nhau vì tình yêu đối với Thiên Chúa, là Đấng yêu thương họ đến mức đã để cho chính Con Một của Người chịu chết vì họ. Như vậy, đó chính là nghĩa vụ của tôi”[1].
Việc nhận biết nhu cầu thật sự của những người mà mình gặp gỡ cũng rất quan trọng đối với nhà truyền giáo: Họ đang cần điều gì, đang thiếu những gì? Đôi lúc, vì thiếu sự nhận thức, chính họ cũng không ý thức đủ về điều họ đang cần. Do đó, người truyền giáo không chỉ nhận định một cách đơn thuần với cái nhìn vật chất hay cảm tính, mà cần phải nhìn họ qua lăng kính cầu nguyện, để có thể thấy được đúng nhu cầu của họ dưới cái nhìn của Chúa, cái nhìn của sự chạnh thương, của Lòng Thương xót.
Ngày nay, có rất nhiều cơ sở từ thiện hay những nhà tài trợ vật chất, nhưng nếu chỉ có cơm bánh thì không thể đem lại cho con người sự bình an và sự sống linh hồn. Người truyền giáo cần mang theo Lời Chúa và sự bình an trước rồi mới tới tiền bạc, cơm áo; để việc gieo rắc Lời Chúa đem lại Bình An thật sự cho người đón nhận, mà không bị ảnh hưởng bởi mùi vị bạc tiền: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (c. 8).
Gương mẫu tuyệt vời nhất cho những nhà truyền giáo không ai khác là Đức Maria. Hơn ai hết, Mẹ cảm nhận được tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho Mẹ: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới… Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”[2]. Mẹ tự nguyện đem tình yêu nhưng không ấy đến với những ai đang cần: Chị Elizabeth cần sự chăm sóc, cụ già Simêon đang mong được nhìn thấy Đấng Cứu Độ, đôi bạn trẻ tại Cana đang thiếu rượu giữa tiệc vui… và kết quả là: Chị Elizabeth nhận ra Thiên Chúa trong lòng Mẹ, cụ Simêon vui mừng nhận ra Con của Mẹ là Đấng Cứu Thế, các môn đệ tham dự tiệc cưới đã tin vào Chúa Giêsu.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Ngày nay, Mẹ vẫn ước ao đến với từng người chúng ta qua Mẫu Ảnh Hay Làm Phép Lạ, để đem đến cho chúng ta tất cả mọi ơn mà chúng ta đang cần. Mẹ chỉ mong chúng ta đón nhận và đeo Ảnh Mẹ, đọc câu kinh Mẹ đã dạy với lòng tín thác, để nhận được các ơn lành và sự che chở của Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ. Vậy tôi sẽ:
– Đeo Ảnh Mẹ và năng đọc: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ”.
– Chia sẻ Ảnh Mẹ cho nhiều người biết chạy đến với Mẹ, vì Mẹ biết rõ họ cần những gì, Mẹ sẽ che chở, ban bình an và dẫn đưa họ đến với Chúa.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con luôn cảm nhận được tình yêu nhưng không Chúa dành cho con, để con vui mừng đem tình yêu ấy chia sẻ cho những ai đang cần đến, và xin Mẹ dạy con biết nhạy bén nhận ra nhu cầu thiết thực của mọi người xung quanh con, và làm con nên khí cụ bình an của Chúa. Amen
“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”
[1] Thánh Vinh Sơn XII, 262-263
[2] Lc 1,48-49