fbpx

CHỦ ĐỀ THÁNG 8/2019

Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 8
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Cầu cho các gia đình,
nhờ đời sống cầu nguyện và yêu thương,
trở nên “trường đào tạo nhân bản” rõ nét hơn.

Gia đình, đến từ tình yêu sáng tạo
của THIÊN CHÚA
[1]
Ngay khi khai sinh vũ trụ, Thiên Chúa đã tạo dựng con người: ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.”

Ngài cho con người có đôi:Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. Trợ tá này được rút ra từ xương sườn của con người, nghĩa là tương xứng và bình quyền với con người:Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người”.

Đôi người” này sống gắn bó với nhau và cả hai thành một xương một thịt. Như vậy có nghĩa là Thiên Chúa trao ban cho người nam và người nữ một thiên chức; do đó họ có khả năng và trách nhiệm sống yêu thương và hiệp thông.[2]                           

Gia đình, ôi đẹp biết bao![3]
Cả hai thuộc về nhau, hiến thân cho nhau vĩnh viễn và trọn vẹn. Họ được Thiên Chúa chúc lành. Họ không còn là hai, nhưng đã trở thành một thân thể duy nhất. Được tự do cam kết sống yêu thương và hiệp thông như thế, đương nhiên hôn ước này có giá trị suốt đời của “đôi người” này, vì hạnh phúc của chính họ và của con cái được sinh ra từ họ.

Vì được mời gọi thông truyền sự sống, đôi vợ chồng tham dự vào quyền năng sáng tạo và tư cách làm cha làm mẹ cùng với Thiên Chúa. “Hồng ân ưu việt của hôn nhân là một con người”. Vâng, đứa con chính là hoa trái của tình yêu nam nữ; nhưng trong thế giới hiện đại bất cứ trẻ em nào cũng có thể bị một nguy cơ lớn nhất là  bạo lực. Bất cứ gia đình nào trong đó trẻ em được đón nhận đầy đủ tình yêu của cả người cha và người mẹ, gia đình đó đã giúp cho hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa.

Gia đình là cộng đoàn, nơi đó từ thời thơ ấu, con người được học biết tôn trọng những giá trị luân lý, tôn thờ Thiên Chúa và biết sử dụng tự do. Đời sống gia đình chuẩn bị cho đời sống xã hội. Gia đình nên sống thế nào để các thành viên học và lãnh trách nhiệm chăm sóc người trẻ, người già, người bệnh, người khuyết tật và người nghèo.            

Mối tương quan gia đình yêu thương, chân thành được bén rễ sâu trong Thiên Chúa làm cho mọi thành viên đều hạnh phúc. Vinh dự của cha mẹ là được thể hiện tình phụ tử của Thiên Chúa cho con cái. Chính vì thế, Cha mẹ phải dạy cho con cái biết tránh những thái độ thỏa hiệp và sa đọa đang đe dọa xã hội loài người. Vì cha mẹ là đại diện của Thiên Chúa, nênđối với cha mẹ, con cái phải kính trọng, biết ơn, vâng phục và giúp đỡ. Sự cung kính cha mẹ cổ vũ sự hòa thuận trong mọi cuộc sống gia đình.

Gia đình, qui hướng về Thiên Chúa
Gia đình do tình yêu Thiên Chúa sáng tạo ra. Nó sẽ chỉ được hạnh phúc viên mãn khi qui hướng về Ngài, Đấng là tác giả của gia đình. Chính vì vậy, sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình là một bảo đảm sự chúc lành của Ngài. Thiên Chúa là Đấng Thiêng Liêng, mắt phàm của chúng ta không thấy được, nhưng Con Thiên Chúa đã nhập thể, có thân xác, nên chúng ta cần hữu hình hóa sự hiện diện của Ngài qua việc thiết kế bàn thờ chính trong gia đình, với những hình ảnh theo truyền thống của Giáo Hội và đã được linh mục “làm phép”, trở thành những hiện vật dành cho việc thờ phượng. Đức Mẹ và các thánh là những con người đã được sinh ra và đã có cuộc sống tốt lành, thánh thiện. Các ngài cầu bầu cùng Chúa  và làm mẫu gương cho ta noi theo. Nơi chân bàn thờ này, ngày ngày vợ chồng, cha mẹ, con cái qui tụ nơi đây trước nhan Chúa để thờ phượng, ngợi khen, cám ơn, xin ơn, xin lỗi…

Hơn nữa, mọi người đều phải ý thức rằng sự sống con người, và trách nhiệm lưu truyền sự sống, không chỉ giới hạn ở đời này, cũng như không thể hiểu và đo lường được trọn vẹn ý nghĩa ở đời này, nhưng luôn qui chiếu về định mệnh vĩnh cửu của con người.”[4]
 Chúng ta phải xác tín rằng khi một đứa bé được sinh ra, Thiên Chúa đã có chương trình của Chúa trên đứa bé này. Thật vậy, như Chúa đã phán với Giêrêmia, khi ông từ chối không muốn đáp lời mời gọi của Chúa để làm ngôn sứ: Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi ; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân[5].

Như vậy, khi một con người được sinh ra trong gia đình, đồng thời cũng có nghĩa là được sinh ra một ơn gọi, có thể là linh mục, tu sĩ, một vị thánh, một nhà phát minh, một nhà khoa học…Cha mẹ nào yêu thương con cái thật sự là cộng tác với Thiên Chúa để nuôi dạy, giáo dục, cầu nguyện và đồng hành với con cái trong việc khám phá ra kế hoạch này của Thiên Chúa và hỗ trợ con cái đi tới hoàn thành.

Gia đình, hiện tại và tương lai của nhân loại
Ngày quốc tế gia đình lần đầu tiên đã được nảy sinh từ trực giác ngôn sứ của Đức Thánh  Cha Gioan Phaolô II, vào năm 1994, trở thành  một món quà cho Giáo Hội. Nó được tăng dần lên và trở thành phong phú trong các triều đại giáo hoàng kế tiếp.

Vào tháng 2 năm 1994,  ĐTC gửi thư cho các gia đình, trong đó ngài nêu rõ sự cấp thiết  xây dựng một “nền văn minh tình yêu” dựa trên chính các gia đình. Đây cũng là đề tài của cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình công giáo tại Roma trong hai ngày 08-09. 10.1994, trong đó ĐTC xin các gia đình Kitô tự vấn trước hết đâu là căn tính và ơn gọi của mình. Cũng trong năm ấy, ĐTC công bố một lá thư gửi các trẻ em, và ngài cũng dành sứ điệp cho Ngày hòa bình thế giới để nói về gia đình.[6]  

Như vậy đủ hiểu tầm quan trọng của “gia đình”! Ông bà ta thường khuyên bảo con cháu là nhiều nơi để đi, nhưng chỉ một nơi để về, đó là GIA ĐÌNH. Nó vừa là hiện tại vừa là tương lai của nhân loại.

Lạy Mẹ Maria là Nữ Vương các gia đình, xin cầu cho chúng con biết sống hiệp nhất, yêu thương; và nhờ biết siêng năng cầu nguyện, gia đình chúng con thật sự trở thành một môi trường thuận lợi cho chúng con về sự tăng trưởng thể lý, tâm lý và tâm linh. Amen.


[1] Sáng thế  2, 7.18.21-22.24
[2] GLHTCG số 2331
[3] GLHTCG các số 2367, 2378, 2207, 2208, 2214, 2224
[4] GLHTCG. số 2371
[5] Gr. 1,5
[6] X. Linh Tiến Khải-Vatican, ngày 17.8.2018

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *