fbpx

CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU VÀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA THÁNH JEAN-GABRIEL PERBOYRE

Trong chiếu thư phong Chân Phước cho JG. Perboyre năm 1889 có nói: Thật là một an ủi từ trời và một vinh dự vô song mà lòng nhân từ của Thiên Chúa đã dành cho Jean Gabriel: sự kiện cuộc khổ nạn mà cha đã chịu, giống cách đặc biệt với Chúa Cứu Thế chúng ta.”

Chúng ta có thể lập bảng đối chiếu sau đây:

CHÚA GIÊSU

JEAN GABRIEL PERBOYRE

1. “Có một phép rửa Ta phải chịu, và lòng Ta khắc khoải biết bao cho đến khi nó được hoàn tất.” (Lc 12,50)

Suốt cuộc đời, Jean Gabriel đã ao ước được tử đạo. Cha vừa nói với các Tập sinh vừa chỉ vào cái áo của cha Clet – chết tử đạo năm 1820: “Đây là áo của vị tử đạo… Thật hạnh phúc biết bao nếu ngày nào đó chúng ta có được cùng số phận này!” Và cha bày tỏ ước muốn này hơn một lần.

2. Chúa Giêsu đã bắt đầu cuộc khổ nạn sau 3 năm sống công khai.

Cha Jean Gabriel cũng đã bắt đầu cuộc khổ nạn sau 3 năm thừa tác vụ.

3. Nơi vườn hấp hối, Chúa Giêsu thốt lên: “linh hồn Thầy buồn đến chết được.

cha Jean Gabriel chịu một loại hấp hối thiêng liêng kéo dài ba tháng, trong thời gian đó, cha thấy hình như Thiên Chúa đã bỏ rơi cha.

4. Trong cơn hấp hối, Chúa Giêsu được một thiên thần đến an ủi.

Cha Jean Gabriel, trong “đêm tối tăm của Đức Tin”, cha được an ủi nhờ một thị kiến thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Ngài xua tan mọi khắc khoải của cha và đem đến cho cha một sự bình an sâu lắng.

5. Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và nộp cho quân lính, để lấy 30 đồng bạc.

Cũng thế, cha Jean Gabriel bị cậu con trai của một Giáo lý viên phản bội và nộp cha để lấy 30 lượng.

6. Chúa Giêsu dẫn theo ba môn đệ : Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Cha Jean Gabriel lúc bị bắt, cũng có ba người bạn: Thomas trung thành với ngài như thánh Gioan; Philipphê trốn mất như Giacôbê; sau cùng một giáo lý viên lớn tuổi, về sau đã chối ngài như Phêrô.

7. Vào lúc bị bắt, Chúa Giêsu đã ngăn cản Phêrô dùng gươm để bảo vệ Chúa, chống lại quân lính.

Cha Jean Gabriel cấm đồ đệ Thomas của mình dùng bạo lực để bảo vệ cha chống lại toán lính đến bắt cha.

8. Chúa Giêsu bị đối xử như một kẻ gian ác: “Các ông cầm gươm giáo, gậy gộc đến bắt tôi như bắt một tên cướp” (Mt 26,55)

Cha Jean Gabriel bị đối xử cách tàn nhẫn lúc bị bắt, phải mang xiềng xích và bị đánh đập như một tên cướp.

9. Chúa Giêsu bị lôi đi từ tòa án này sang tòa án khác, trước mặt Caipha, Anna, Hêrôđê và Philatô.

Cha Jean Gabriel cũng bị lôi đi từ tòa án quân sự  tới tòa án xử tội ác, tới quận lỵ, tới tỉnh, và tới thủ đô của tỉnh trước mặt thống đốc và phó vương.

10. Chúa Giêsu được một người Cyrênê  giúp đỡ trên con đường khổ hình (Mc 15,21).

Cha Jean Gabriel đã kiệt sức, một người có học thức tên là Liễu Kiều Linh, thương xót cha, đã bỏ tiền túi mượn người cáng cha và cùng đi với cha suốt chuyến đi hai ngày, sau khi bị bắt.

11. Chúa Giêsu bị ngược đãi, bị lăng nhục, bị tát, bị khạc nhổ vào mặt và bị đánh đòn.

Cha Jean Gabriel bị đánh cách dữ dội bằng cây tre, dây da, bị khạc nhổ vào mặt và bị tát.

12. Chúa Giêsu bị những người thân yêu bỏ rơi, ngoại trừ Gioan và những phụ nữ đạo đức.

Cha Jean Gabriel đau đớn nhìn thấy hai phần ba các Kitô hữu bị bắt và bị tống giam cùng với cha chối bỏ đức tin của họ. Chỉ một vài người còn trung thành với cha.

13. Chúa Giêsu bị Phêrô chối bỏ.

Cha Jean Gabriel đau đớn nhìn thấy Ly, người giáo lý viên cao niên, rất gắn bó với các Thừa sai, chối bỏ cả đức tin lẫn thầy. Ê chề vì những cuộc tra tấn, đến mức ông ta lăng nhục cha và đánh cha.

14. Tại dinh Hêrôđê, người ta khoác cho Chúa Giêsu một áo choàng đỏ tía, và gửi trả lại cho quan Philatô như một ông vua hề.

Theo lệnh của vị quan lại, người ta mặc cho cha Jean Gabriel những áo lễ và đưa ra cho đám dân đem cười nhạo.

15. Chúa Giêsu giữ thinh lặng trước mặt Philatô.

Sau khi đã tuyên xưng Đức Tin của mình, cha Jean Gabriel chịu đựng những cực hình trong thinh lặng và với một sự nhẫn nại anh hùng.

16. Từ trên cao của thập giá, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các đao phủ.

Cha Jean Gabriel, giữa những buổi tra tấn, quỳ gối cám ơn Chúa đã cho phép cha được chịu khổ vì Danh Ngài và cha cầu nguyện cho các đao phủ.

17. Chúa Giêsu tha tội cho kẻ trộm lành và nói: “Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta.”

Cha Jean Gabriel, ngay giữa tòa án, đã nhiều lần ban ơn tha tội cho những người chối đạo biết hoán cải.

18. Chúa Giêsu nghe thấy những lời lăng nhục của nhóm biệt phái và đám đông nói với ngài: “Nếu mày là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá ngay bây giờ và hãy tự cứu lấy mình đi”

Cha Jean Gabriel nghe được lời phỉ báng này từ miệng phó vương: “Giờ này mày đau đớn, hãy cầu Chúa của mày cứu mày khỏi bàn tay ta.”

19. Tại đồi Canvê, Chúa Giêsu được cho uống mật đắng và giấm chua.

Để hủy bỏ phép ma thuật mà ông quan tòa nghĩ là nhờ đó mà cha Jean Gabriel không cảm thấy đau đớn, ông đã bắt cha Jean Gabriel uống máu còn nóng hổi của một con chó bị cắt cổ.

20. Để chế nhạo Chúa Giêsu, bọn lính đã đóng vào đầu Chúa một vòng gai cho khó coi.

Cha Jean Gabriel chịu một cực hình tương tự: người ta dùng sắt nhọn nung lửa, khắc lên trán của cha, bằng tiếng Hoa, những lời này: “Kẻ truyền bá một giáo phái ghê tởm.

21. Chúa Giêsu nhìn thấy niềm vui vĩnh cửu đã được dành cho Ngài, Ngài chịu đựng thập giá bất chấp nhục hình.

Cha Jean Gabriel bước đi đến khổ hình với niềm vui và gương mặt Cha trở nên thật rạng rỡ.

22. Chúa Giêsu bị đóng đinh trên núi Sọ với hai tên cướp.

Cha Jean Gabriel được dẫn đi đến nơi tử hình với nhiều tội phạm cùng bị hành quyết thời gian đó.

23. Chúa Giêsu, từ trên cao của thập giá, kêu lên: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Khi tới nơi hành quyết, Cha Jean Gabriel quỳ gối, ngước mắt lên trời và trao phó linh hồn mình cho Thiên Chúa.

24. Chúa Giêsu ở trên thập giá nhìn thấy các đao phủ chia nhau quần áo của Ngài.

Cha Jean Gabriel sắp sửa bị cột vào thập giá, các đao phủ đếm quần áo của cha mà họ sẽ chia nhau sau khi cha chết, nhưng các môn đệ của cha đã chuộc lại hết và chuộc cả những dụng cụ khổ hình để giữ gìn như các thánh tích.

25. “Chúa Giêsu đã chịu chết ở ngoài cửa thành” (Dt 13,12)

Cha Jean Gabriel đã bị hành hình ở ngoài thành, ở nơi hành quyết.

26. Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá.

Cha Jean Gabriel đã bị cột bằng dây thừng vào cái giá treo cổ, hình thập giá để bị thắt cổ ở đó.

27. Chúa Giêsu chết ngày thứ Sáu, lúc 3 giờ chiều.

Cha Jean Gabriel cũng đã chết vào một chiều thứ Sáu.

28. Chúa Giêsu bị một người lính Rôma dùng lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn bên phải, để xem Người đã chết thật chưa.

Cha Jean Gabriel cũng nhận một cú hồng ân: một người trong bọn lính đá một cú dữ tợn vào bụng cha.

29. Chúa Giêsu gợi lên sự thương cảm của các phụ nữ, lời tuyên xưng Đức Tin của viên bách quân và sự ăn năn hối hận của dân chúng.

Cha Jean Gabriel cũng gợi lên những tình cảm tương tự nơi lương dân, từng đám đông chạy ào tới, họ than vãn và phản kháng bản án của quan tòa.

30. Chúa Giêsu hiện ra với Phêrô, với Maria Mađalêna và với 11 môn đệ.

Cha Jean Gabriel hiện ra với người học thức lương dân là người Cyrênê  tốt lành của cha. Ông ta bị đau đến tột độ và đã hoán cải. Cha hiện ra với những người khác xứng đáng với Đức Tin. Khi cha chết, một thánh giá lớn xuất hiện trên bầu trời và rất đông dân chúng đã nhìn thấy, ngay cả ở rất xa.

31. Chúa Giêsu nhìn thấy Mẹ Ngài, ở chân thập giá, đầy sự nhẫn nhục cao thượng.

Mẹ của cha Jean Gabriel, khi nghe tin con chết, bà nói: Tại sao tôi lại phải do dự dâng lên Thiên Chúa của lễ hy sinh con trai tôi.  Đức Trinh Nữ đã không do dự làm của lễ hy sinh con trai mình cho phần rỗi của chúng ta.

32. Những người chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu đã kết thúc cuộc đời cách buồn tẻ: Hêrôđê và Philatô bị truất phế và chết cách khốn khổ nơi lưu đày. Giuđa treo cổ tự vẫn, Caipha bị cách chức trong một năm.

Những người chịu trách nhiệm về cái chết của cha Jean Gabriel cũng kết thúc cách khốn khổ: vị quan lại đã ra lệnh bắt cha bị truất phế và treo cổ tự vẫn, vị phó vương quá tàn ác bị tố giác lên hoàng đế, ông bị tịch thu hết tài sản và bị đưa đi lưu đày. Những người khác bị kết án lưu đày hay chết yểu.


Nguồn: Père André Sylvestre, CM – Jean-Gabriel Perboyre, Prêtre de la Mision-Lazariste-le premier Saint de Chine – Editions du Signe, 1996   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *