✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca. (Lc 16,19-31)
“Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô… nằm trước cổng ông nhà giàu.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Chắc hẳn chúng ta đã quá quen và thuộc lòng dụ ngôn về ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khó, và có lẽ ta cũng khá yên tâm về chính mình, rằng “tôi không giàu có như lão kia”. Ấy thế mà cuộc sống của ta vẫn có gì na ná như thế: Lão nhà giàu thì bận tiệc tùng và khách khứa, ông ta đã sử dụng toàn bộ thời gian và của cải cho việc chăm sóc bản thân mình ở đời này. Ông ta quên mất người bên cạnh đang rất cần được giúp đỡ, quên đi lề luật bác ái mà Mô sê và các ngôn sứ đã dạy, quên cả cuộc sống đời đời với Chúa là Đấng hay thương xót và Ngài đã dạy ông phải biết xót thương…
Có thể chúng ta cũng khá bận rộn, nhưng không thể viện cớ bận rộn đến nỗi không có thời gian tham dự Thánh Lễ, chầu Thánh Thể và làm việc bác ái được. Chúng ta ít của cải, nhưng không phải nghèo đến nỗi không có gì để chia sẻ với người khốn khó, không phải đợi giàu có mới làm việc bác ái được.
Sau khi chết, ông nhà giàu khổ sở vì bị thiêu đốt, mong nhận được sự giúp đỡ của Lazarô, nhưng không thể được! Vì tất cả những gì thuộc thế giới ấy (đời sau) đều đã được bắt đầu từ cuộc sống hôm nay (đời này) rồi! Hố thẳm ngăn cách đời này đã đào, thì đời sau không thể nào lấp được nữa. Mọi thứ ở đời sau đều được chuẩn bị và sắp xếp từ đời này rồi.
Vậy, chúng ta phải làm gì, phải sống thế nào để có được hạnh phúc đời sau? Thưa: Phải thực thi đức Ái. Chúa Giêsu đã tóm tắt cả một rừng luật trong Sách thánh thành một luật duy nhất cho chúng ta là: mến Chúa và yêu người. “Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”[1]
Thánh Gioan cũng dạy: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.”[2]
Chúng ta không thấy người hành khất Lazarô có công trạng gì để được vào Nước Trời, nhưng chắc chắn vì Lòng thương xót của Thiên Chúa. Vậy, ta biết chắc rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu!”[3] Nước của Thiên Chúa là nước của tình yêu, là thế giới của Lòng Thương Xót. Vậy, nếu đời này, tôi đã luyện tập để có được lòng thương xót, đã biết sống lòng thương xót đối với người thân cận, những người đang cần được giúp đỡ xung quanh tôi… thì chắc chắn đời sau, tôi cũng sẽ được tham dự vào cuộc sống trong nước của Lòng Thương Xót ấy.
Thánh Vinh Sơn Phaolô – vị tông đồ của lòng bác ái mà Giáo Hội vừa kính nhớ – cũng đã quên đi giấc mơ về một cuộc sống an nhàn phú quý, để hết lòng tận tụy hy sinh phục vụ người nghèo. Chính vì thế, ngài đã trở nên mẫu gương cao đẹp cho Giáo Hội và chúng ta noi theo.
Nhưng trên hết, Đức Maria vẫn là gương mẫu tuyệt hảo nhất cho chúng ta về lòng bác ái. Suốt cuộc đời Mẹ, chúng ta thấy một cuộc sống với những hành vi bác ái, ngôn từ bác ái được xuất phát từ một trái tim đầy bác ái. Lòng bác ái nơi Mẹ lại được thể hiện qua những việc bình thường nhưng lại rất phi thường: Mẹ dành cả cuộc đời, tất cả khả năng và thời gian của Mẹ cho kế hoạch của Thiên Chúa để cứu độ con người. Mẹ chia sẻ chính bản thân và thời gian của Mẹ, để thân hành đến giúp đỡ bà Isave – người rất cần đến sự giúp đỡ của Mẹ; Mẹ quan tâm và âm thầm xin Chúa giúp đôi tân hôn bị thiếu rượu giữa buổi tiệc mừng…
Đối với Mẹ, tất cả những người đau khổ, gặp khó khăn mà Mẹ gặp thấy hay nghe biết, Mẹ không thể làm ngơ hoặc quay đi mà không giúp đỡ họ. Chính vì thế, Mẹ là người đầu tiên được tham dự vào đời sống vĩnh cửu trong nước của Thiên Chúa – nước của tình yêu và hạnh phúc viên mãn.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi tận diệt thói ích kỷ bằng cách sống bác ái:
– Bớt chăm sóc bản thân, để có thêm thời giờ quan tâm phục vụ những người cần được quan tâm hơn trong gia đình, lối xóm, hay thăm viếng người nghèo.
– Bớt chi tiêu cho bản thân, để có thể giúp đỡ những người nghèo khó hơn tôi.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết sống quảng đại như Mẹ, biết nghĩ đến Chúa và tha nhân trước khi nghĩ đến bản thân mình. Xin tôi luyện trái tim con, để cho mọi tư tưởng, hành vi của con được đầy bác ái, xuất phát từ một trái tim đầy ắp yêu thương. Xin cho con đừng bao giờ làm ngơ trước tiếng gọi tha thiết của người đang đau khổ…
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. Mt 22,37-40
[2] 1 Ga 4,20-21
[3] 1 Ga 4,8