fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 18,9-14)

“Ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta được mời gọi khiêm tốn thú nhận mọi tội lỗi và thiếu sót của mình để xứng đáng tham dự Thánh Lễ: “…Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm… lỗi tại tôi mọi đàng” và: “Xin Chúa thương xót chúng con”. Đó cũng là lời thú nhận và cầu xin của người thu thuế hôm nay.

Trong dụ ngôn được thánh Luca thuật lại, người biệt phái được coi là đại diện cho những người đạo đức, thánh thiện, còn người thu thuế vốn bị liệt vào hàng những người tội lỗi. Thế nhưng sau khi cầu nguyện, Đức Giêsu lại cho thấy: chỉ có người thu thuế được ơn công chính còn người biệt phái thì không. Tại sao vậy?

Chúng ta đừng vội kết án người biệt phái, bởi vì anh đã làm được những việc đạo đức mà không phải ai trong chúng ta cũng làm được. Có ai trong chúng ta dám chắc mình không tham lam, bất chính, không ngoại tình hay giữ chay được một tuần hai lần như anh? Tội của anh không phải là làm việc đạo đức nhưng là tội tự mãn về những việc đạo đức của mình. Anh đến với Chúa không phải để cầu xin mà là để kể công. Tính kiêu căng tự mãn làm cho anh quên mất thân phận tội lỗi, yếu hèn của mình vốn cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Ý thức về thân phận tội lỗi của mình khi đối diện với Thiên Chúa là phản ứng rất tự nhiên của con người. Người biệt phái không có được ý thức đó, anh đã không đối chiếu cuộc đời của mình với Chúa mà lại đối chiếu mình với người thu thuế: “Lạy Chúa, con không giống như tên thu thuế kia.” (c.11) Cho dù anh không có tội nào đi nữa, thì lúc này anh đang mắc tội kiêu ngạo, tự cho mình là đạo đức mà coi khinh kẻ khác.

Còn người thu thuế, anh được Thiên Chúa đoái nhìn là do anh có lòng khiêm tốn, ý thức mình nhiều tội lỗi, cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Anh không dám đến gần Chúa, không dám ngước mắt lên, chỉ biết cúi xuống vừa đấm ngực vừa kêu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (c.13) Anh không lấy mình làm chuẩn để đo lòng đạo đức của người khác, nhưng anh đặt mình trước mặt Chúa và thấy mình hoàn toàn bất xứng, cần đến lòng thương xót của Chúa. Vì thế mà khi ra khỏi đền thờ, anh được trở nên công chính.

Khi xét mình là ta đặt mình trước mặt Chúa, để nhìn lại mình dưới ánh sáng của Chúa. Khi đó, ta mới nhận ra thân phận tội lỗi, yếu đuối của mình và khiêm tốn ăn năn chứ không so sánh với người khác, cũng không ngã lòng, thất vọng, nhưng biết cậy trông ơn Chúa để sám hối và hoán cải cách chân thành.

Điều kiện để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa là khiêm nhường. Chúa Giêsu đã mời chúng ta: “Hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường[1] và chính Ngài đã sống mầu nhiệm tự hủy đến tận cùng[2]. Thánh Phaolô cũng nói: “Anh em hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác trọng hơn mình.” [3]

Trong khi các thiếu nữ Do Thái mong chờ mình sẽ trở thành mẹ của Đấng Cứu Thế, Đức Maria vẫn âm thầm và có lẽ Mẹ cũng không bao giờ dám nghĩ đến việc đó. Phải chăng chính lòng khiêm nhường thẳm sâu nơi Mẹ làm đẹp lòng Thiên Chúa và Người đã tuyển chọn Mẹ? Mẹ nhận ra tất cả những việc Chúa làm cho Mẹ là do Lòng Thương Xót của Ngài. Mẹ ý thức mình chỉ là thụ tạo bất xứng nhưng đã được Thiên Chúa đoái thương. Mẹ cũng mong cho mỗi người chúng ta là con của Mẹ, cũng biết sống khiêm nhường để được Chúa đoái thương, vì “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.[4]

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Theo bước Mẹ, tôi

  • Năng cầu nguyện và nâng đỡ những anh chị em đang sống xa Chúa.
  • Khiêm tốn nhìn nhận những tội lỗi, yếu đuối của mình và hoán cải chân thành.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, tính kiêu căng, tự mãn luôn chiếm hữu tâm hồn và ru ngủ chúng con, làm cho chúng con xa Chúa, xa anh em. Xin Mẹ dạy chúng con luôn biết nhìn lên Chúa để thấy mình yếu đuối, bất toàn, cần đến lòng thương xót của Chúa và chỉ như thế chúng con mới không dám vênh vang, tự mãn kết án tha nhân. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.


[1] Mt 11, 29
[2] X. Pl 2,6-11
[3] Pl 2,3
[4] Lc 1,52

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *