✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 13,31-35)
“Ôi Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi!”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Có lẽ ai trong chúng ta cũng hơn một lần nghe nói đến Giêrusalem, thành thánh và là thủ đô của đất nước Do thái. Thành được xây dựng trên núi Sion và được Thiên Chúa chọn làm nơi để hiện diện giữa Dân mà chính Ngài đã tuyển chọn[1]. Đây cũng là nơi muôn dân tụ về để thờ lạy Thiên Chúa. Đặc biệt với Dân tộc Do thái, dân riêng của Chúa, thì mỗi năm ít nhất một lần về “trình diện” Đức Chúa tại nơi này vào dịp cử hành Lễ Vượt Qua. Chính Chúa Giêsu cũng thi hành luật buộc đó khi Ngài lên 12 tuổi[2].
Giêrusalem có nghĩa là “Thành phố của Hòa bình”. Thế nhưng, trong suốt dòng lịch sử, đã có biết bao cuộc xung đột đẫm máu vì tranh chấp Giêrusalem giữa các quốc gia, và những cuộc đổ máu các ngôn sứ, những tôi tớ công chính của Đức Chúa ngay tại Giêrusalem.
Chính vì thế, khi có mấy người Pharisêu đến xin Chúa hãy đi khỏi Giêrusalem vì vua Hêrôđê đang muốn giết Ngài. Chúa đã không đi trốn như họ nghĩ, mà còn nhắn lời để họ nói lại cho vua Hêrôđê: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được.’
Câu trả lời của Chúa đã tỏ cho người Do thái lúc ấy và cho chúng ta về chính Ngài: Ngài không chỉ là một ngôn sứ, mà còn hơn một ngôn sứ nữa. Chúa Giêsu là đấng quyết định mọi việc, Ngài làm chủ sự sống và cái chết của Ngài chứ không phải là Hêrôđê, và Ngài cũng là chủ của thời gian và lịch sử: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.” Cũng chính Ngài sẽ đưa thời gian tới hồi viên mãn nhờ cái chết và Phục Sinh của Ngài ngay tại Giêrusalem này.
“Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi!” Chúa Giêsu thổn thức và cay đắng khi âu yếm gọi tên Giêrusalem, bởi đó là nơi được Thiên Chúa chọn như là nhà của Ngài. Thế nhưng, cũng tại nơi mà Ngài yêu thương như thế, lại là nơi làm cho Chúa đau lòng hơn cả, vì đã không đón nhận Lời Chúa và lời các ngôn sứ…
Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan được thị kiến về thành thánh Giêrusalem mới – Hiền Thê của Chiên Con[3] – chính là Giáo Hội, là nơi Thiên Chúa ngự. Thành này không phải ở Sion, nhưng ở trên trời. Đó chính là hình ảnh về Mẹ Maria – Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa, Mẹ của Giáo Hội, Mẹ của mỗi người chúng ta.
Nơi Mẹ Maria, Chúa Giêsu được thỏa lòng yêu mến và Người cư ngụ trong lòng Mẹ như thiên đàng của Người. Linh hồn Mẹ được trang điểm bằng muôn vàn ơn phúc và các nhân đức, xứng đáng là nơi Hoàng Tử Bình An ngự vào. Mẹ chính là Giêrusalem mới hằng lắng nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa. Mẹ thật xứng đáng với Tình Yêu cao cả mà Thiên Chúa đã dành cho Mẹ.
Phần chúng ta, những con cái của Mẹ, con cái của Sự Bình An, ước gì chúng ta luôn ý thức được tình yêu mà Chúa dành cho riêng mình một cách hết sức đặc biệt, để chúng ta cũng biết để ra “một cõi riêng tư trong lòng con xin dành cho Chúa, một cõi riêng tư trong lòng con Chúa thương ngự trị[4]…” như Mẹ Maria.
Chị Catarina Laburê đã rất ý thức điều này: mỗi khi gặp buồn phiền đau khổ hoặc bị hiểu lầm, vu khống, chị không hề than phiền hay làm dữ ai; chị lẳng lặng tìm đến nhà nguyện, rón rén bước vào quì trước mặt Chúa Giêsu Thánh Thể và tâm sự với Ngài. Sau đó, được nhẹ lòng, chị bước ra ngoài và tiếp tục công việc phục vụ.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi
- Dành ít nhất 5 phút mỗi ngày, để đọc, suy gẫm và lắng nghe Lời Chúa.
- Lắng nghe Chúa nói qua những biến cố xảy đến trong ngày, qua những người xung quanh và khiêm tốn thực hành.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết cách làm đẹp lòng Chúa như Mẹ đã sống, để Chúa luôn được thỏa lòng toại ý khi Ngài ngự đến với linh hồn con mỗi ngày. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. 1 V 11,13; 2 V 21,4; Tv 2,6
[2] X. Lc 2,41-42
[3] X. Kh 3,12; 21,2.10
[4] Lm Thái Nguyên. “Một cõi riêng tư”