✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 20,27-38)
“Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Đa số các tôn giáo đều có niềm tin về sự bất tử của linh hồn, nhưng niềm tin vào thân xác con người sẽ được phục sinh lại là điều có thể nói, chỉ có ở nơi những người tin vào Thiên Chúa, đặc biệt nơi những người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.
Có một bà cụ người Dân Tộc đã già lắm, chính bà cũng không biết mình bao nhiêu tuổi, có khi bà nói 100 tuổi, lần khác bà bảo 120 hoặc 200 tuổi… Mỗi lần chúng tôi đến thăm, bà lại khóc, vì bạn bè của bà đã chết hết rồi, chỉ còn mình bà mãi chưa được chết để về ở với Chúa. Tuy có vẻ quê mùa, nhưng niềm tin về sự sống đời sau của bà lại vô cùng vững vàng.
Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Như vậy, dẫu cuộc đời chúng ta có kết thúc bằng cái chết, chúng ta vẫn được mời gọi sống trong hy vọng, bởi vì con người được Thiên Chúa tạo dựng không phải để chết mà là để sống.
Kinh thánh Cựu ước cho biết thân xác con người sẽ sống lại,[1] đặc biệt với bài đọc thứ nhất hôm nay trích sách Macabê. Chính vì tin rằng thân xác con người sẽ được Thiên Chúa cho phục sinh, nên một người mẹ và bảy người con đã chấp nhận chết để trung thành với luật Thiên Chúa.
Vào thời Đức Giêsu, không phải mọi người Do Thái đều tin vào sự phục sinh của thân xác. Nhóm Sađốc không công nhận sách Macabê và mạc khải về sự sống lại của thân xác con người. Bởi thế, họ dựa vào luật Môsê để nêu vấn nạn cho Chúa Giêsu về bổn phận phải lưu truyền giòng giống cho anh em của mình: “Nếu một người cưới vợ, rồi chết mà không có con…”[2] Họ tưởng tượng ra một câu chuyện có bảy anh em ruột lấy cùng một người vợ và đều chết mà không có con, vậy khi sống lại, người vợ đó sẽ thuộc về ai?
Để trả lời cho họ, Đức Giêsu cũng đã dựa vào bộ Ngũ Kinh mà họ công nhận để cho thấy: cái chết của thân xác không phải là hết, vì chính Môsê gọi Giavê là Thiên Chúa của các tổ phụ Apraham, Isaac và Giacóp. Nghĩa là, Môsê tin rằng các tổ phụ đang sống, mặc dù các tổ phụ này đã chết từ lâu. Và Chúa Giêsu kết luận: Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết.
Tuy nhiên, mạc khải về sự phục sinh thân xác chỉ trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Thánh Phaolô xác tín rằng: “Nếu Đức Kitô không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền… Đức Kitô đã trỗi dậy, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.”[3] Sự Phục Sinh của Đức Giêsu cho thấy: cuộc sống mới của con người sau khi chết sẽ hoàn toàn khác trước. Khi đó, người ta sẽ giống như các Thiên Thần, nghĩa là không còn phải chết, cũng không cưới vợ lấy chồng. Giống như thân xác phục sinh của Đức Kitô, sau khi sống lại thân xác chúng ta sẽ được biến đổi, không lệ thuộc vào các yếu tố vật chất nữa. Nhưng chính Đức Giêsu, để đạt tới phục sinh vinh quang, Ngài đã phải trải qua con đường đau khổ và hy sinh; chúng ta cũng phải đi trên con đường thập giá mới tới được ngày Phục Sinh.
Mẹ Maria là thụ tạo đầu tiên trong số những người tin vào Đức Giêsu phục sinh, Mẹ đã được chia sẻ vinh quang Phục Sinh ấy với Chúa khi được Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác. Mẹ trở thành niềm hy vọng và cậy trông của toàn thể Giáo Hội đang lữ hành. Bởi vì Mẹ đã trung thành bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá, từ biến cố truyền tin cho đến khi Chúa trút hơi thở và được an táng trong mồ. Mẹ đã quảng đại liên kết với Chúa trong đau khổ, nên Mẹ xứng đáng là người đầu tiên được chia sẻ hạnh phúc Phục Sinh với Chúa.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Sống đức tin trước những biến cố Chúa gửi đến trong đời sống hàng ngày.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, khó khăn và đau khổ dễ làm chúng con chùn bước. Chúng con hay từ chối thánh giá Chúa gửi đến trong đời sống hàng ngày. Xin cho chúng luôn xác quyết rằng đau khổ là con đường đưa tới vinh quang. Xin Mẹ gia tăng niềm tin và sức mạnh để chúng con can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường Mẹ đã đi, để đến nơi Mẹ đã đến. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. Đn 12,2-3; Kn 3,1-9
[2] X. Đnl 25,5-10
[3] 1 Cr 15,17. 20