✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 17,1-6)
“Nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Trong cuộc sống, “không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã” như Chúa Giêsu đã nói. Chính Chúa khi đón nhận và tiếp xúc với những người tội lỗi cũng làm cho nhóm biệt phái không thể chấp nhận được. Có khi ta bác ái với người này, thì lại gây nên sự bất bình cho những người khác không đồng quan điểm với chúng ta. Có những lúc vô tình hoặc yếu đuối, chúng ta cũng làm tổn thương đến lòng tin đơn sơ của người khác. Đó là những điều không thể tránh được.
Tuy nhiên, điều phải tránh hết sức là những cớ vấp phạm cố tình, những sự khêu gợi mời mọc khiến cho những tâm hồn đơn sơ trong trắng bị hoen ố như phim ảnh xấu, đầu độc trẻ em bằng lối sống thiếu đạo đức, thiếu lành mạnh, nêu gương xấu như dạy trẻ gian lận, tranh giành, thù ghét… và những trò chơi phản giáo dục trong xã hội gần đây rất thường xảy ra. Đặc biệt, chuyện người lớn trêu ghẹo trẻ nhỏ và làm cho các bé bực tức, đa số chúng ta đều xem đó là chuyện thường, nhưng lại là cách đùa rất nguy hiểm và phản giáo dục. Người ta cảm thấy vui thích khi đứa trẻ bực bội, họ nhẫn tâm cười đùa trên nỗi đau khổ của con trẻ, mà không hề nghĩ đến hậu quả tai hại của nó. Câu chuyện bé gái 7 tuổi vứt em trai 2 tháng từ tầng 8 xuống đất[1] là hậu quả của lời trêu chọc mà bà hàng xóm nói với cô bé: “Mẹ cháu có em bé nên cháu “ra rìa” rồi!” Và còn biết bao trò đùa dai phản giáo dục tương tự mà nạn nhân là những người chất phác, những người chưa trưởng thành cả về nhân bản và đức tin.
Chúa nói “Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã.” (c.2) Thà chúng ta bị giết chết phần xác, còn hơn là nêu gương xấu cho kẻ trong trắng phạm tội. Tội làm gương xấu giết chết cả xác lẫn linh hồn chúng ta và linh hồn người khác nữa.
Có thể chúng ta đã nhiều lúc “chơi dại”, làm những việc sai trái một cách thiếu ý thức, cũng có khi đủ ý thức nhưng vì thói quen xấu đẩy đưa. Chúng ta cần biết sám hối cùng Chúa qua Bí tích Hòa Giải, đồng thời phải hòa giải với chính những anh chị em mà chúng ta đã làm tổn thương. Chúng ta cũng cần biết tha thứ cho những người đã làm tổn thương chúng ta như Chúa dạy: “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.” (c.4)
Hằng ngày, chúng ta đọc kinh Lạy cha rất nhiều lần với câu: “xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”[2]. Xin lỗi là việc khó làm, nhưng tha lỗi còn khó hơn. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Nếu chúng ta không có khả năng xin lỗi, thì chúng ta không có khả năng tha thứ.”[3] Chúng ta cần khiêm tốn thực sự, nhận rõ sự bất toàn nơi mình để cần được tha thứ, cũng như để có thể cảm thông và tha thứ cho anh chị em, đồng thời với đức tin mạnh mẽ vào sự tốt lành của Chúa, vào ơn tha thứ của Chúa và lòng tốt của mọi người.
Mẹ Maria đã tin mạnh mẽ nên Mẹ cũng sống tâm tình khiêm nhường thẳm sâu. Mẹ tin vào quyền năng của Chúa: “không có gì mà Chúa không làm được”, tin Ngài là “Đấng Cứu độ, Đấng Toàn Năng, Đấng Thánh…”[4] Chính vì thế, Mẹ ý thức mình là nữ tỳ hèn mọn của Chúa. Với tha nhân, Mẹ cũng tự nguyện thành người phục vụ tận tình và thầm lặng: chị Elizabeth, đám cưới tại Cana, đặc biệt dưới chân thánh giá, Mẹ âm thầm đau khổ cùng với Chúa Giêsu để phục vụ Ơn Cứu Độ cho cả nhân loại.
Mẹ không than trách những người đã xử tệ với Mẹ và Chúa Giêsu trong cuộc sống, cũng không hận thù ghét bỏ những người bách hại Chúa trong cuộc thương khó, Mẹ tha thứ và đón nhận, ủi an các môn đệ dù các ông đã bỏ mặc Thầy để chạy thoát thân…
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi năng lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, sẵn sàng xin lỗi và tha lỗi.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lần chuỗi suy niệm mầu nhiệm thứ nhất năm sự Vui, xin ơn được khiêm nhường như Mẹ.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] http://kenh14.vn/the-gioi/be-gai-7-tuoi-nem-em-trai-2-thang-tuoi-tu-tang-8-xuong-vi-bi-treu-ra-ria-20151005034847742.chn
[2] Mt 6,12
[3] Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương”
[4] Kinh Magnificat.