fbpx

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô:”HÃY VỀ NHÀ”

“Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.”[1]

Sự chết luôn là một vấn nạn của con người, có nhiều thái độ phản ứng khác nhau trước cái chết: từ sợ hãi, đau buồn, luyến tiếc đến an bình, thanh thoát…  Ngày xưa các vua chúa luôn bỏ nhiều công sức để tìm ra các loại thuốc giúp cải lão hoàn đồng, trường sinh bất tử. Nhiều tổ chức hiện nay đang phát triển các dự án nhằm tạo ra các bộ phận nhân tạo thay thế các phần đã bị lão hóa nhằm kéo dài cuộc sống của người già. Có nhiều người đã bỏ ra một khoản tiền lớn để làm đông lạnh cơ thể trước khi chết với hy vọng các phương pháp y khoa tân tiến trong tương lai sẽ giúp họ hồi sinh[2].

Trong khi đó, nhiều nền văn hóa và tôn giáo trình bày cho tín đồ của mình niềm tin về thế giới sau cái chết. Sinh ký tử quy, sống gửi thác về, âm dương kiếp nghiệp… là những ý thức hệ đã ăn sâu vào trong tâm khảm của người dân Việt. Cách riêng, người Ki-tô hữu có một niềm tin vào sự sống đời sau, nghĩa là sau cái chết là một quê hương vĩnh cửu để đi về.

Thật vậy, ngay trong những đoạn đầu tiên của Kinh Thánh, sách Sáng Thế đã đưa ra những lý giải về cái chết qua lời của Thiên Chúa phán với Adam: Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất[3]. Tội lỗi chính là nguyên nhân dẫn đến sự chết, vì tội lỗi làm con người nguyên thủy trở thành bất trung với Đấng Tạo Hóa mà hậu quả là phải chết đời đời. Tuy nhiên, tình yêu Thiên Chúa còn lớn hơn tội lỗi gấp bội, nên Ngài đã sai Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô từ trời xuống thế để chịu chết chuộc tội cho nhân loại. Nhờ vậy, chúng ta được cứu rỗi và được hưởng vinh phúc muôn đời. Trong suốt thời gian rao giảng Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã nhiều lần loan báo về Nước trời trong rất nhiều các dụ ngôn. Nước trời được Chúa Giêsu mô tả, luôn mang một sắc thái vui tươi của đám cưới, của mùa gặt… chứ không nhuốm màu tang tóc, sầu khổ: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình”[4], “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể”[5], “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình”[6].

Thế nhưng, sống giữa cuộc đời vốn dĩ luôn nhiều những bấp bênh, con người bước đi không tránh khỏi những lúc chán nản vì thấy mình bất lực trước nhiều vấn nạn. Có khi là những mưu sinh vất vả làm chúng ta mệt mỏi chán chường, có khi là đau ốm bệnh tật làm giảm mất nhựa sống, có khi cái ác nhởn nhơ mà chả thấy Chúa đâu làm chúng ta cảm thấy trơ trọi. Ngược lại, có khi những thành công, danh vọng, vui thú tạm thời lại cho chúng ta cảm giác an toàn trong cuộc sống trần thế, quên đi điểm đến cuối cùng còn ở phía trước.

Phúc thay! Lời Chúa đem đến cho chúng ta niềm vui và hy vọng, khi Chúa Giêsu đưa ra những dấu hiệu rất cụ thể, thực tế và rất đời thường, như  những lời cảnh tỉnh cần thiết để con cái Chúa không quên mình có “nhà ở trên trời”: Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi.  Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”[7]. Trong nhà đó, có Thiên Chúa là Cha, Đấng toàn năng, Đấng phân xử công minh và giàu lòng thương xót: Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”[8]

 “Hãy về nhà” cũng là thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến giới trẻ Việt Nam nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Miền Bắc vừa qua. “Nhà” đây vừa có ý nghĩa là Tổ quốc thân yêu với những kho tàng quý giá nơi mà Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy biết gìn giữ: “Những di sản ấy là những kho tàng quý giá của các con. Đừng bao giờ để mất kho tàng ấy.”Nhà” cũng chính là Giáo Hội Việt Nam, nơi cách đây gần 500 năm, các nhà truyền giáo đã được sai đến rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu cho người Việt Nam. Sau đó các Thánh tử đạo đã sẵn sàng hiến dâng mạng sống của mình để làm chứng cho Tin Mừng ấy. “Hãy về nhà” cũng chính là lời mời gọi ngước nhìn lên Thiên Chúa, sống với các giá trị của Nước Trời để mở ra với tha nhân, với một tinh thần trách nhiệm và niềm hy vọng như Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã sống và làm chứng.

Cuộc đời mỗi người là một cuộc hành trình. Theo Chúa là một hành trình dài nhiều hân hoan những cũng nhiều thử thách. Hành trình tuy dài nhưng có một đích đến đó là Thiên Đàng, nơi Thiên Chúa luôn đợi chờ. Trên suốt hành trình đó chúng ta không bước đi một mình, có Chúa luôn đồng hành. Ước mong chúng ta luôn để Chúa cầm tay dắt đi, chắc chắn chúng ta sẽ về tới NHÀ!  


[1] Lc 21, 30-31
[2] https://soha.vn/chuyen-nguoi-dau-tien-tren-the-gioi-dong-lanh-co-the-cho-hoi-sinh-20190318205855742.htm
[3] St 3, 19.
[4] Mt 22, 1
[5] Mt 25,1
[6] Mt 13, 24
[7] Lc 21, 29b-31
[8] Mt 13, 30

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *