✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 24,37-44)
“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào mùa vọng, mùa trông chờ Chúa đến. Chúa Giêsu hứa Ngài sẽ trở lại trong vinh quang vào ngày cuối cùng của lịch sử nhân loại, và Chúa dặn chúng ta phải “tỉnh thức” đợi chờ ngày Chúa đến.
Với thân phận yếu hèn, chúng ta dễ rơi vào tình trạng ngủ mê, không nhận ra tội lỗi của mình để sám hối. Ngủ mê trong việc tìm kiếm những thú vui trần thế, tiền bạc, của cải, danh vọng, ngủ mê khi nghĩ rằng mình thánh thiện nhưng thực chất chỉ có dáng vẻ đạo đức bên ngoài, nhưng nguy hiểm nhất là chủ quan nghĩ rằng đời mình còn dài và còn lâu Chúa mới đến.
Chính vì thế, trong bài đọc thứ hai hôm nay thánh Phaolô kêu gọi: “Đã đến lúc anh em phải thức dậy vì ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia”.[1] Cũng vậy, Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng nói với chúng ta rằng: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.” (c.42)
Chúa Giêsu đã đến rồi, và chắc chắn Ngài sẽ trở lại vào giây phút cuối cùng cuộc đời của mỗi người. Chỉ có điều, chúng ta không biết ngày ấy sẽ xảy đến khi nào. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói với chúng ta về sự bất ngờ của ngày Chúa đến. Ngày ấy không ồn ào kèn trống nhưng âm thầm như kẻ trộm trong đêm (c.43) hoặc “ngày ấy như chiếc lưới bất thần chụp xuống”[2]. Do đó, chúng ta phải tỉnh thức vì ngày Chúa đến sẽ là ngày định đoạt dứt khoát về số phận đời đời và chúng ta không còn cơ hội để làm lại. Ngày ấy có thể là ngày trừng phạt đối với những đầy tớ biếng nhác, nhưng lại là ngày ân thưởng cho những đầy tớ tín trung, cũng như số phận khác nhau của hai người đàn ông đang làm ruộng hay hai người đàn bà đang xay bột. Chúng ta phải tỉnh thức vì biết bao nhiêu cạm bẫy bủa vây dễ làm cho chúng ta sa ngã. Thánh Phêrô khuyên chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé…” [3]
Nhiệm vụ của người Kitô hữu chúng ta không phải là tìm kiếm xem ngày nào thì Chúa đến, nhưng là sống trọn vẹn giây phút hiện tại, đừng ngủ mê trong tội lỗi. Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta con đường để tỉnh thức: “Anh em hãy loại trừ những việc làm đen tối, không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, không cãi cọ ghen tương.”[4] Để có đủ sức tỉnh thức tới cùng, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải cầu nguyện, vì cầu nguyện là thái độ của người ý thức mình yếu đuối và biết cậy trông vào ơn Chúa trợ giúp. Hơn nữa, tỉnh thức không phải là thụ động ngồi không, nhưng là như người quản lý trung tín, luôn biết làm sinh lợi những nén bạc được chủ giao. Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta nhạy bén với tiếng gọi của Chúa qua những biến cố cuộc sống, sẵn sàng đáp lại và thực thi ý ngài.
Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt vời nhất trong tâm tình sống mùa vọng: như những người Do Thái khác, Mẹ Maria cũng hết lòng trông chờ Đấng Cứu Độ đến. Ngày ngày, Mẹ cầu nguyện, nghe Lời Chúa và suy gẫm để sống niềm hy vọng vào Đấng Cứu Thế. Đến một ngày, Mẹ hoàn toàn bất ngờ và ngạc nhiên, vì Mẹ không nghĩ lời ngôn sứ xưa lại ứng nghiệm vào chính cuộc đời mình. Sau khi nghe sứ thần giải thích, Mẹ đã thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” Niềm hy vọng của Mẹ được nung nấu, được nuôi dưỡng trong tâm tình tỉnh thức đợi chờ và đặc biệt nhất là hoàn toàn khiêm hạ để đón Ơn Cứu Độ đến trong đời Mẹ. Chúa sẽ không đến nếu Mẹ không tỉnh thức, không suy niệm Lời Chúa, không hoàn toàn phó thác đời mình cho Thiên Chúa và cho Thánh Ý của Ngài.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi đọc và suy gẫm Lời Chúa hàng ngày.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con luôn tỉnh thức qua việc chu toàn bổn phận với Chúa, với gia đình và với tha nhân trong đời sống hàng ngày. Chỉ như thế, chúng con mới không lo lắng, sợ hãi trong ngày Chúa đến, nhưng ngày ấy sẽ là ngày chúng con hân hoan bước vào dự tiệc cưới trên trời với Chúa và Mẹ. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/511116673084852)
[1] Rm 13,11
[2] Lc 21,34
[3] 1Pr 5,8
[4] Rm 13,13