✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 7,31-37)
“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Mỗi lần có dịp đến Trung Tâm Khuyết Tật Bình Triệu, tôi hay la cà để nói chuyện với những người bị câm, vì tôi hiểu những người bị khuyết tật này rất thích được người khác đến thăm và nói chuyện. Nhưng khổ một nỗi: họ diễn tả bằng nhiều cách nhưng vẫn không thể làm cho người khác hiểu được điều họ muốn nói. Thế mới hiểu niềm vui sướng của người bị câm điếc hôm nay được Chúa Giêsu chữa lành. Lần đầu tiên trong cuộc đời anh cảm nếm được một phần nào vui thú của cuộc sống.
Câm điếc làm cho người ta như bị tách lìa với thế giới, với mọi người. Thế nhưng, bệnh câm điếc thiêng liêng còn cách ly con người với Thiên Chúa, với tha nhân khi làm cho người ta không muốn tiếp xúc với Chân Lý, với những điều hay lẽ phải, cho dù họ vẫn có khả năng nghe và nói về những gì liên quan đến tiền tài, của cải, lạc thú, danh vọng, quyền lực, địa vị…
Có thể chính chúng ta cũng rơi vào tình trạng câm điếc này, nhưng nếu ta không chấp nhận là mình bị bệnh, thì thật là khó chữa.
Câm, khi chúng ta không dám hoặc không muốn cầu nguyện, không dâng lời ca tụng và cảm tạ Chúa, không nói điều hay lẽ phải, lời chân thành yêu thương đem lại bình an, hòa thuận, lời cám ơn, xin phép, xin lỗi, lời an ủi và khích lệ… mà vẫn có thể nói xúc phạm đến Chúa và tha nhân, nói lời gây chia rẽ hay bàn cãi về đủ mọi thứ trên đời.
Điếc, khi chúng ta cứ bưng tai ngoảnh mặt, phớt lờ tiếng lương tâm, không lắng nghe tiếng Chúa và những anh em đau khổ ngay bên cạnh ta, mà lại thích thú nghe những lời nói xấu, những câu chuyện phiếm thô tục hoặc những lời khen ngợi giả dối mặc vẻ ngọt ngào!
Chúng ta có thể bị câm điếc khi tự coi mình là một ốc đảo, chỉ biết sống cho riêng mình và tệ hơn nữa, coi người khác như hỏa ngục, hoặc như là một sự quấy rầy phiền nhiễu.
Tuy nhiên, dù bị câm điếc như thế nào đi nữa, Đức Giêsu cũng có thể chữa lành, nhưng Ngài mong ước một cuộc gặp gỡ với mỗi người cách riêng tư như trong Tin Mừng hôm nay: Ngài đã tách riêng người bị câm điếc để chỉ mình Ngài với anh ta thôi và thế là một cuộc hoán cải, một sự chữa lành đã đến với anh ta.
Thế nên, chúng ta chỉ có thể được chữa lành khi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, dù cuộc gặp gỡ đó ở đâu và khi nào, miễn là chúng ta khao khát Ngài, ước mong được gặp Ngài để Ngài chạm đến ta, khi đó cuộc đời ta sẽ được biến đổi.
Chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria, Mẹ là người “đã mở” chính bản thân Mẹ ra cách hoàn toàn cho tình yêu của Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã thực hiện được những điều kỳ diệu nơi Mẹ. Mẹ luôn gặp gỡ Chúa trước khi gặp gỡ tha nhân, nhờ vậy mà cuộc gặp gỡ của Mẹ với mọi người luôn hoàn hảo. Mẹ luôn lắng nghe Chúa qua lời Kinh Thánh, qua những biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu, của chính Mẹ và của cộng đồng nhân loại. Mẹ nói với Chúa về nỗi khổ của chúng ta: “Họ hết rượu rồi!” và Mẹ nói với chúng ta về tình thương ngàn đời của Chúa qua kinh Magnificat[1]. Mẹ cũng nhắc nhở chúng ta hãy chuyên tâm thực thi Lời Chúa như Mẹ đã làm: “Người có bảo gì, các anh cứ làm theo.”[2]
Đến lượt chúng ta cũng cần phải được “mở ra” để qua cuộc đời ta, Thiên Chúa thực hiện những công trình của Ngài hầu mọi người nhận ra tình thương xót của Chúa. Đời sống cầu nguyện phải là nguồn sức mạnh để chúng ta có thể kiến tạo những tương quan tốt và cuộc gặp gỡ tốt với anh chị em.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi quyết tâm
- Chuyên chăm lắng nghe Lời Chúa trong những giờ cầu nguyện chung và riêng.
- Nói lời tích cực, có tính cách xây dựng và hữu ích cho người nghe.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết chăm sóc những cuộc gặp gỡ của chúng con với Chúa mỗi ngày để nhờ đó chúng con được chữa lành. Ước gì nhờ việc chữa lành này, chúng con trở nên đôi tai cho người bị điếc, đôi mắt cho người bị mù, là miệng lưỡi cho người không nói được và làm tiếng kêu cho người bị câm. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/568832653979920)
[1] X. Lc 1,46-55
[2] Ga 2,5