11.03.2020 – THỨ TƯ TUẦN II MÙA CHAY
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 20,17-28)
“Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Sống trong một thế giới mà con người quá coi trọng quyền lợi, danh dự, uy thế… chúng ta thấy thật khó có thể thực thi lời mời gọi của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (c.27).
Quả thật, các môn đệ là những người sống cận kề nhất với Thầy Giêsu nhưng các ông lại có quan niệm về cuộc sống thật xa với thầy mình. Với Chúa Giêsu, sống là phục vụ và hy sinh, là cho đi và chọn phần rốt hết. Chúa phục vụ đến quên mình, phục vụ như một người tôi tớ: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (c.28). Nhưng với các môn đệ, mặc dù đã theo Chúa lâu năm, các ông vẫn còn ganh tỵ, tranh giành và nghĩ cách đạt được “chỗ tốt nhất” cho mình. Các ông vẫn muốn nhận nhiều hơn cho, muốn được người ta phục vụ chứ chưa nghĩ đến việc phục vụ người khác.
Biết các môn đệ chưa thấm nhuần được tinh thần hy sinh, phục vụ của Thầy, Chúa Giêsu đã giảng một bài về phục vụ cho những người muốn làm thủ lãnh, làm đầu, làm nhất, làm lớn trong thiên hạ. Chúa trưng dẫn lối lãnh đạo theo kiểu người đời: Lấy quyền mà thống trị, dùng uy để cai quản (x. c.25). Ngài khẳng định: Giữa anh em không được như vậy: làm lớn là để phục vụ (x.c.26). Người lãnh đạo phải phục vụ như đầy tớ của mọi người (x.c.27)[1]. Như thế, Chúa đã chỉ cho các môn đệ và chúng ta thấy phẩm chất của người môn đệ chân chính là dám đón nhận đau khổ và hy sinh vì sứ mạng, là hiến dâng và dấn thân phục vụ tha nhân cách vô vị lợi.
Đôi lúc chúng ta cho rằng các tông đồ đã đi theo Chúa lâu rồi mà còn tham sân si, còn “trần tục” thế sao!… nhưng xét lại mình, chúng ta đã theo Chúa lâu hơn các ngài (các ngài chỉ có 3 năm) nhưng cũng không khác các ngài lắm. Có lẽ trong Mùa Chay này, Thiên Chúa và Giáo hội kêu gọi từng người một trong chúng ta đặt lại câu hỏi: “Trong gia đình, trong giáo xứ, trong Giáo hội, trong xã hội, tôi là một người phục vụ mọi người hay tôi đòi người khác phải phục vụ mình?” Có lẽ ai trong chúng ta cũng tự nhận rằng mình là người phục vụ chứ không phải được phục vụ, nhưng chúng ta có thể đưa ra ví dụ cụ thể về điều này hay chỉ là tự nhận suông?
Sau Chúa Giêsu, có một mẫu gương nổi bật về hy sinh phục vụ để chúng ta noi gương bắt chước, đó là Đức Maria. Khi Mẹ thốt lên: “Này tôi là tôi tớ Chúa”[2], thì ý tưởng phục vụ Thiên Chúa và phục vụ người khác trở nên kim chỉ nam cuộc đời của Mẹ. Từ khi được Sứ Thần truyền tin, Mẹ Maria đã không đắm chìm trong ánh hào quang của người được Chúa chọn làm Mẹ của Đấng Cứu Thế mà nhân loại bao năm chờ đợi. Trái lại, Mẹ trỗi dậy tất tả lên đường đi giúp người chị họ lớn tuổi đang thai nghén và sắp đến ngày sinh[3]. Lại nữa, như Chúa Giêsu con của Mẹ rửa chân cho các môn đệ trong bữaTiệc Ly, thì tại bữa tiệc Cana, Mẹ đã đi tới đi lui để phụ giúp mọi người nên mới biết bữa tiệc đã hết rượu[4]. Nếu như Mẹ chỉ làm khách mời, “ăn trên ngồi trốc” thì làm sao Mẹ biết rõ “dưới bếp” người ta hết rượu được?
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi lưu tâm hơn đến những thành viên trong gia đình và mọi người nơi khu xóm, để sẵn sàng và mau mắn phục vụ khi họ cần sự giúp đỡ của tôi.
Cầu nguyện với Mẹ:
Hát bài “Sống một ngày như Mẹ”:
Hôm nay con muốn sống một ngày như Mẹ đã sống, hôm nay con muốn đi con đường Mẹ đã đi qua. Mẹ sống là phục vụ, Mẹ đi để trao Giêsu. Xin cho con noi gương Mẹ, biết dấn thân phục vụ tha nhân, yêu thương chân thành. Xin cho con noi gương Mẹ biết xin vâng, vâng theo ý Cha, luôn sống vị tha.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/585563918973460)
[1] Huệ Minh (2019). Đến và Phục Vụ, <http://tinvui.org/vi/news/Suy-Niem-Hang-Ngay> xem 08/3/2020.
[2] Lc 1,38
[3] X. Lc 1,39-45.56
[4] X. Ga 2,1-12